Đắk Lắk: Đầu tư 2.343 tỷ đồng đảm bảo an toàn hồ chứa

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/01/2015

(TN&MT) - Từ nay đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk sẽ đầu tư 2.343 tỷ đồng để duy tu, sữa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn.
   
(TN&MT) - Từ nay đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk sẽ đầu tư 2.343 tỷ đồng để duy tu, sữa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn.
   
Hồ Ea Mrông (xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) bị sập, lún thân đập vào tháng 10/2013 uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân phía hạ du
   
  Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 602 hồ chứa (gồm 591 hồ chứa thủy lợi, 11 hồ chứa thủy điện) với tổng dung tích khoảng 1,84 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này được đầu tư xây dựng từ giai đoạn 1980 - 2000, nhiều hạng mục không được đầu tư đồng bộ, kiên cố hóa do thiếu kinh phí nên nhiều hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa nhỏ đã và đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Hàng năm, nguồn kinh phí để duy tu, sữa chữa, bảo dưỡng còn hạn chế nên nguy cơ mất an toàn từ các sự cố hồ đập tại Đắk Lắk đang ở mức báo động. Rất nhiều hồ chứa được xây dựng theo dạng bậc thang trên một con sông, con suối nên chỉ cần 1 sự cố vỡ đập nhỏ ở thượng lưu sẽ ảnh hưởng “dây chuyền” tới hàng loạt công trình hạ lưu, gây thảm họa khôn lường.
   
  Trước tình hình trên, mới đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Đề án an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí đầu tư 2.343 tỷ đồng và chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ đầu tư 426 tỷ đồng để sửa chữa 41 hồ loại C (hồ mất an toàn) trong giai đoạn 1 (2015 - 2016), 1.077 tỷ đồng để sửa chữa 98 hồ loại B1 (hồ có nguy cơ mất an toàn) trong giai đoạn 2 (2017 - 2020) và 840 tỷ đồng để sửa chữa 168 hồ loại B2 (hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn) trong giai đoạn 3 (2021 - 2030).
   
   
  Ông Trang Quang Thành - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Đảm bảo an toàn cho các hồ chứa trên địa bàn là một yêu cầu hết sức bức thiết, cần nguồn kinh phí lớn nên tỉnh sẽ phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư như: vốn tài trợ, trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh, vốn của các doanh nghiệp có hồ và nguồn vốn từ nhân dân. Sau khi được đầu tư, các hồ chứa sẽ được nâng cao mức bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường năng lực dự báo lũ, tăng cường các giải pháp an toàn cho hạ lưu và phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn mới”.
   
Bài & ảnh: Lê Phước