Giá quặng sắt giảm mạnh - doanh nghiệp lao dốc

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 08/01/2015

(TN&MT) - Giá quặng sắt giảm mạnh nhất trong 5 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp khai thác quặng sắt tại Việt Nam rơi vào tình cảnh buộc phải tạm đóng mỏ vì “thu...
(TN&MT) - Giá quặng sắt giảm mạnh nhất trong 5 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp khai thác quặng sắt tại Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn và buộc phải tạm đóng mỏ vì “thu không bù chi”.
   
Nhiều DN khai thác quặng sắt phải tạm đóng mỏ vì giá quặng
   
Lao đao vì giá quặng
   
  Đầu năm 2014 giá của loại quặng có hàm lượng F3>= 63% trong nước là 1,8 triệu đồng/tấn, đến nay chỉ còn từ 1 triệu - 1,1 triệu đồng/tấn, nếu cho tiêu thụ thời gian này giá sẽ thấp hơn giá đầu vào và cũng khó tiêu thụ.
   
  Các chuyên gia khoáng sản khẳng định, chưa khi nào giá xuất khẩu tinh quặng thấp như hiện nay. Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, trên thế giới giá khoáng sản đã xuống thấp nhất trong 5 năm, chỉ còn một số ít doanh nghiệp có thể kiếm lợi từ quặng sắt. Các chuyên gia phân tích bi quan thì dự đoán, giá mặt hàng này sẽ giảm ít nhất thêm 14% nữa cho tới cuối năm 2015 vì nguồn cung tiếp tục dư thừa.
   
  Lãnh đạo công ty CP Thép Bắc Việt cho biết: Doanh nghiệp vừa đi vào sản xuất ổn định và ra sản phẩm quặng tinh nhưng giá quặng sắt sụt giảm mạnh dẫn đến việc không xuất khẩu được, bán trong nước cũng rất khó khăn, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, ảnh hưởng rất xấu đến kế hoạch đề ra năm 2014. Theo đánh giá của HĐQT của công ty, thị trường quặng sắt chưa bao giờ sụt giảm như năm 2014, giá gang, thép cùng sụt giảm theo. Các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản không tính trước được nên đã bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, quy định chặt chẽ mới của Luật Tài nguyên và môi trường đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản khiến doanh nghiệp cần phải luân thủ làm từng khâu theo quy trình cùa luật quy định.
   
  Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông  - con chim đầu đàn trong lĩnh vực khai khoáng của tỉnh Hà Giang cuối tháng 11/2014 đã ra thông báo đóng cửa vô thời hạn mỏ sắt Tùng Bá và Nhà máy tinh quặng sắt Vị Xuyên vì giá bán quặng không bù được các chi phí khai thác, tuyển quặng.Cùng chung thảm cảnh như Công ty An Thông còn có Công ty TNHH Sơn Lâm cũng tuyên bố sẽ giảm sản lượng khai thác trong năm 2015.
   
  Ông Phạm Công Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm cho biết, lượng quặng tồn kho của tông ty đã lên đến trên 30 tỷ đồng. Ông Nhân cho biết thêm, dù sản phẩm tồn kho lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn gắng gượng duy trì hoạt động, nhằm giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương. Nhưng gần đây, mọi nỗ lực dường như vượt ngoài tầm kiểm soát khiến doanh nghiệp phải tạm đóng cửa một số khai trường.
   
Thừa quặng nghèo, thiếu quặng tinh
   
  Ông Vũ Bá Ổn - Phó TGĐTCty Thép Việt Nam(VNSteel) chia sẻ: Thông tin công cố trữ lượng quặng sắt cả nước tương đối lớn hơn 1 tỷ tân nhưng số quặng sắt đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất thép trong nước đang rất thiếu. Điển hình, VNSteel có 2 đơn vị có lò cao là: Cty CP gang thép Thái Nguyên, giai đoạn I có sản lượng bình quân 210.000 tấn/năm, nhưng nhu cầu lại cần khoảng 400.000 tấn quặng sắt/năm. Cùng với đó, dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đi vào hoạt động từ đầu năm 2014, với công suất 500.000 tấn quặng sắt/năm, nhu cầu nội bộ khoảng 900.000 tấn/năm, do đó còn thiếu tới gần 50% phải mua ngoài.
   
  Để đảm bảo phục vụ cho các nhà máy sản xuất trong nước, hạn chế tình trạng "chảy máu" tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg. Chỉ thị quy định về việc cấm XK các loại khoáng sản trong đó có quặng sắt để dành cho việc chế biến sâu trong nước, hạn chế việc thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường.Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, chủ trương này đã bị một số DN lợi dụng để ép giá quặng sắt trong nước, khiến các DN khai thác quặng sắt càng thêm khó khăn, không có điều kiện tái đầu tư chế biến sâu.
   
  Còn  ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, chủ trương cấm XK quặng sắt của Chính phủ là nhất quán. Trên thực tế, trữ lượng còn lại của quặng sắt trong nước không nhiều (khoảng 1,3 tỷ tấn, không tính quặng sắt laterit Tây Nguyên chất lượng thấp). Vì vậy, Chính phủ chủ trương ưu tiên cho chế biến sâu, không XK quặng gây nhiều hệ lụy khó kiểm soát.
   
Theo thông tin từ chuyên gia môi giới chứng khoán Fat Prophets, các công ty mỏ miền Tây nước Úc gồm Atlas Iron, BC Iron và Gindalbie Metals bị thiệt hại nặng nề nhất, một số mỏ của Trung Quốc cũng đã đóng cửa. Còn ông Freya Beamish, nhà kinh tế học Hồng Kông cho biết trên Lonbard Street Research, giá quặng sắt đang ở giai đoạn suy thoái và có thể kéo dài trong nhiều năm.
    
   
Bài và ảnh: Minh Anh