Cầu Long Biên: Bảo tồn để phát triển

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2014

(TN&MT) - Theo ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cầu Long Biên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời cũng nằm trong quy hoạch phát triển...
(TN&MT) - Giữ gìn cầu Long Biên nhưng phải gắn với phát triển chung của Thủ đô, giữ vững giá trị “chứng nhân lịch sử”, biểu trưng cho thành phố là những vấn đề được đặt ra trong Hội thảo “Cầu Long Biên: Giải pháp nào để gắn bảo tồn và phát triển?” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội.

Gắn bảo tồn với phát triển

 Nhiều hội thảo trước đó đã chỉ ra rằng, quá trình bảo tồn cầu Long Biên qua các thời kỳ cần gắn với thực tiễn, đặc biệt là lưu tâm đến khía cạnh văn hóa đối với một di sản kiến trúc, kỹ thuật xây dựng tầm cỡ và giàu tiềm năng khai thác cho phát triển đô thị như cầu Long Biên.
  
Cầu Long Biên đang cần có phương án cải tạo phù hợp.

 Dưới góc độ phát triển và quy hoạch đô thị, với trường hợp cụ thể về bảo tồn cải tạo nâng cấp cầu Long Biên cũng như xây dựng mới các kết cấu cầu để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải đô thị Hà Nội, đã có rất nhiều nghiên cứu mà các tổ chức trong và ngoài nước đã thực hiện trong các giai đoạn trước đây (trong đó đặc biệt phải kể đến các nghiên cứu của tổ chức phát triển Nhật Bản JICA và HAIDEP) đã đề xuất phương án bảo tồn cầu Long Biên phục vụ cho các hoạt động văn hóa du lịch bên cạnh chức năng giao thông và xây mới các kết cấu cầu cách xa đảm bảo không ảnh hưởng đến các giá trị hiện hữu của cầu Long Biên.

 Tại Hội thảo, khá nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm đề xuất phương án cải tạo tốt nhất cho cây cầu mà vẫn lưu giữ được nguyên vẹn các giá trị, khẳng định vị thế biểu tượng của cây cầu trong lòng người dân thủ đô.

 Theo các chuyên gia, với tuổi đời hơn 100 năm thì cầu Long Biên khó còn đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn kỹ thuật, nên được giảm tải dần lượng phương tiện qua lại, về lâu dài trở thành một cây cầu đi bộ. Ông Phạm Hữu Sơn - TGĐ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã đưa ra 3 phương án vị trí cầu đường sắt mới từng được trình bày trước Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, đồng thời phân tích đánh giá tính khả thi của việc thay thế, cải tạo lại tăng độ bền chắc cho cầu Long Biên mà vẫn giữ nguyên được hình dáng cây cầu.

 Kiến trúc sư Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp có nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn cây cầu chứng nhân lịch sử đã đưa ra đề xuất một dự án bảo tồn, cải tạo để phát triển cầu Long Biên trở thành điểm nhấn lịch sử, văn hóa du lịch. Thực tế cho thấy Hà Nội còn ít địa điểm tham quan, vui chơi để du khách quốc tế tìm hiểu. Nếu ý tưởng cải tạo, quy hoạch cầu Long Biên và khu vực xung quanh được hiện thực hóa chắc chắn sẽ là địa điểm hấp dẫn, níu giữ chân nhiều du khách ở Hà Nội thời gian dài hơn. Tuy nhiên theo phân tích của các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, dự án này chưa sát với thực tế khu vự hai bên sông Hồng và còn cần phải xem xét, kết hợp với đánh giá lại trên nhiều phương diện, đặc biệt cần gắn với quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

 Đặc biệt, hội thảo cũng nhấn mạnh việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn. Cần phải làm bài toán kinh tế sao cho dung hòa được việc lưu giữ các giá trị truyền thống với đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư một cách hợp lý, bền vững. Đây là yếu tố quan trọng đối với bất kì phương án nào.

Cần có cái nhìn tổng thể

 Theo ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cầu Long Biên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời cũng nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo tồn, cải tạo phải xem xét từ nhiều góc độ.

 Bàn về việc biến cầu thành bảo tàng, có khá nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, dù có cải tạo cũng vẫn phải tính đến mục đích phục vụ cho giao thông, không thể biến đây trở thành một “bảo tàng chết”. Bởi thực tế cho thấy, đã có khá nhiều công trình bảo tàng, triển lãm được đầu tư xây dựng hoành tráng, thậm chí mang tầm quốc gia nhưng lại không phát huy hết công năng sử dụng, gây lãng phí và không làm nổi bật được giá trị công trình. Chính vì vậy, mỗi đề xuất, dự án cần có những tính toán, điều tra nghiên cứu thực tế cụ thể, đặc biệt là tác động, tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

 TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, không nên đặt gánh nặng cho cây cầu bởi đây chỉ là một phần trong kho tàng di sản đồ sộ của Hà Nội. Bảo tồn di sản nhưng cũng đồng nghĩa với chấp nhận thích ứng với đời sống đương đại, hài hòa với không gian xung quanh và phù hợp với quy hoạch chung của Nhà nước.

 Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các chuyên gia đều chung nhận định, đó là phải nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm gìn giữ cây cầu, bởi thực tế, hiện trạng cầu Long biên đã quá xuống cấp. Nếu được quản lý và ứng xử phù hợp, chắc chắn cây cầu sẽ càng góp phần tạo nên hình ảnh một thủ đô văn minh, hiện đại nhưng không mất đi nét đẹp truyền thống.
                      Khánh Ly