Tái định cư trong các dự án thuỷ điện - Bài 1: Chính sách chưa đồng bộ

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2014

(TN&MT) - PGS. TS. Đặng Nguyên Anh chỉ ra rằng, về nguyên tắc, công tác di dân tái định cư phải đảm bảo yếu tố ổn định đời sống người dân tái định cư nhanh và...
(TN&MT) - Việc di chuyển, tái định cư để thực hiện các dự án thuỷ điện ở miền núi trên thực tế rất khác với các dự án giải phóng mặt bằng ở miền xuôi, đòi hỏi  những chính sách đặc biệt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên và con người.
  
Mỗi dự án làm một cách

 Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện khá nhiều dự án thuỷ điện đòi hỏi phải xây dựng các hồ chứa nước, hình thành đập thuỷ điện, có tác động nhiều đến sản xuất và ảnh hưởng  đến đời sống của đồng bào. Nhiều vùng trong khu vực lòng hồ, người dân phải di dời, thay đổi nơi cư trú và tái định cư trên nhiều địa bàn mới. Theo thống kê chưa đầy đủ thì riêng các công trình thuỷ điện trong nước đã có hơn 150 ngàn người dân bị ảnh hưởng trước đây và gần 400 ngàn người bị ảnh hưởng trực tiếp hiện nay.

 Theo PGS. TS. Đặng Nguyên Anh - Viện Trưởng Viện Xã hội học, ảnh hưởng lớn như vậy, nhưng cơ chế quản lý và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư lại không đồng bộ, mỗi dự án làm một cách. Chính điều này tạo nên sự thiếu thống nhất trong việc quản lý và thực thi chính sách, nảy sinh tư tưởng so sánh quyền lợi trong người dân, ảnh hưởng đến công bằng xã hội. Chính phủ ban hành các chính sách riêng cho mỗi công trình dự án dẫn đến các chính sách phục hồi sinh kế sau tái định cư tại các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi đến nay chưa thống nhất, mỗi dự án có mức đền bù, hỗ trợ khác nhau dẫn đến chưa công bằng trong công tác đền bù và hỗ trợ.

 Có thể thấy mức hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư thuộc dự án tái định cư tại Sơn La, Tuyên Quang cao hơn nhiều ở các dự án thuỷ điện khác như Cửa Đạt (Thanh Hoá), Bản Vẽ (Nghệ An), Đa Mi (Bình Thuận), Sông Hinh (Phú Yên)… Mức đền bù và hỗ trợ của thuỷ điện Tuyên Quang bình quân 450 triệu/hộ, Sơn La trên 500 triệu/hộ ở các dự án thuỷ điện mức thấp hơn bình quân khoảng 200 - 250 triệu/hộ làm nảy sinh thắc mắc giữa các địa phương, cộng đồng dân cư và người bị ảnh hưởng về chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. Những hộ di chuyển trước thường chịu nhiều thiệt thòi so với những người đi sau. Tình trạng có nhiều chính sách khác nhau trong việc đền bù thiệt hại và như tái định cư cho người dân không thấy công bằng thoả đáng trong chính sách hiện nay.
  
  
Một góc khu tái định cư Mường Lay - Sơn La.

 Thêm nữa, chính sách đền bù, tái định cư của nước ta mới chỉ dừng ở việc đền bù quyền sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, về thu nhập, về kinh tế như lợi thế trong vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, từ sản phẩm rừng… không được tính đến. Trong khi, đây lại là điểm rất quan trọng đối với đời sống người dân và đồng bào dân tộc.

 Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và dự báo về nhu cầu tái định cư không được đặt ra đúng với vai trò của nó nên càng làm cho công tác bố trí tái định cư lúng túng. Việc tái định cư thuỷ điện ở miền núi thường gặp nhiều khó khăn về đảm bảo đất đai canh tác. Đồng bào không chỉ bị mất đất sản xuất trực tiếp mà còn bị đe doạ do sinh kế bất ổn định và tài nguyên rừng không còn. Trên thực tế, hầu hết người dân tái định cư được đền bù diện tích hẹp hơn và chất lượng đất xấu hơn so với nơi xuất cư. Quỹ đất cho sản xuất bị thu hẹp, người dân phải tiếp tục khai thác rừng và tài nguyên nhằm đảm bảo nguồn sinh kế và an toàn lương thực cho gia đình. Hậu quả là đất và rừng ngày càng bị thu hẹp với chất lượng xấu đi.

Chưa chủ động quỹ đất tái định cư

 PGS. TS. Đặng Nguyên Anh chỉ ra rằng, về nguyên tắc, công tác di dân tái định cư phải đảm bảo yếu tố ổn định đời sống người dân tái định cư nhanh và bền vững về sinh kế, môi trường. Tuy nhiên, từ phía cơ quan quản lý, nhiều quy định chồng chéo và thay đổi liên tục khiến cho đời sống của người dân bị xáo trộn và hoang mang.

 Các địa phương không chủ động trong việc chuẩn bị trước quĩ đất tái định cư. Ngay cả khi có chủ trương chuẩn bị trước thì việc triển khai các thủ tục phê duyệt dự án, xây dựng công trình, cấp phát vốn cũng kéo dài khiến chủ trương này không phát huy được tác dụng. Có thể lấy ví dụ từ dự án thuỷ điện Tuyên Quang. Mặc dù công tác di dân được thực hiện từ tháng 11/2002 nhưng đến nay nơi đây vẫn không đường đi, không nước sạch, không trạm xá và người dân thì không nghề nghiệp, chưa biết ngày mai sẽ ra sao... Tình trạng phổ biến là người dân chưa được bàn giao mặt bằng sản ủi để có thể dựng nhà nhưng đã phải di dời khỏi nơi ở cũ. Ở khu tái định cư Làng Nẻ, xã Thanh Tương, huyện Na Hang của dự án thuỷ điện Tuyên Quang, các hộ dân từ thị trấn Na Hang chuyển về bị mất nghề buôn bán trước đây, những hộ thuần nông thì không được nhận đất canh tác hoặc đất không đúng chủng loại, kém chất lượng. Mỗi hộ được chia tối đa là 200m2 vừa đủ làm nhà và 1 khoảng sân, không có đất trồng rau, tăng gia canh tác.

 Tương tự, tại thuỷ điện Sông Ba Hạ, huyện Sông Hinh, Phú Yên, trên địa bàn huyện có 103 hộ thuộc diện phải tái định cư trong dự án nhưng đến nay chỉ có 31 hộ đã tái định cư, còn lại 72 hộ chưa di dời vì khu tái định cư không được xây dựng hoàn chỉnh, khoảng cách hai nơi ở quá xa, lại chưa có ruộng nước cho bà con sinh sống. Hiện nay, dự án thuỷ điện ở Phú Yên còn 1.990 đối tượng chưa được đền bù và việc bồi thường cho dân vùng di dời chủ yếu là bồi thường bằng tiền mặt mà chưa quan tâm đến giải quyết đất sản xuất cho dân.

Người dân cần cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ

 Đằng sau những vấn đề nói trên là những hạn chế, bất cập, có phần áp đặt chủ quan trong công tác di dân tái định cư, không phát huy được sự năng động, và chưa thực sự tìm hiểu nguyện vọng, lấy ý kiến của nhân dân. Cơ chế chính sách về đền bù, hỗ trợ có điều chưa hợp lý, sát thực tế, nội dung quy hoạch chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình và trình độ dân trí của người dân miền núi.

 Ngoài nơi ở và tái định cư, một vấn đề đặt ra là cần có chính sách, cơ chế tài chính để giải quyết việc làm sau khi tái định cư (gồm hộ phải di chuyển và hộ sở tại bị mất đất). Việc khôi phục lại đời sống, sinh kế của những hộ bị ảnh hưởng đòi hỏi thời gian lâu dài.

 Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ lâu dài để khôi phục thu nhập và đời sống của người dân chưa được chính sách xem xét với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm. Có thể nói, chính sách đền bù, tái định cư mới chỉ dừng ở việc đền bù sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác như nguồn sinh kế, thu nhập, vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, khai thác rừng, giá trị văn hoá truyền thống,… cho đến nay chưa được thực sự xem xét trong các kế hoạch tái định cư.

 Với tất cả những khó khăn mà người dân đang gặp phải hiện nay ở các khu tái định cư dự án thuỷ điện, có thể nói, nguyên tắc “cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” chưa được bảo đảm thực hiện. Hàng vạn con người lâm vào cảnh khó khăn hậu tái định cư, hàng nghìn hộ bị cắt giảm tiền đền bù và hỗ trợ một cách khó hiểu, thiếu rõ ràng, không minh bạch.

 Muốn người dân chấp hành chính sách thì trước hết việc thực thi chính sách phải rõ ràng, công khai minh bạch, dân chủ trong công tác đền bù, hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn, thiệt thòi với người dân.

Cẩm Tú