Đã có bức tranh toàn cảnh về thiên tai, trượt lở, lũ quét khu vực miền núi

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 28/11/2014

(TN&MT) – Ngày 28/11, Bộ TN&MT đã bàn giao bước I từ Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”
   
(TN&MT) – Đó là niềm vui chung của đại diện 10 tỉnh miền núi được thụ hưởng từ Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Chính phủ mà Bộ TN&MT vừa chính thức chuyển giao Giai đoạn I vào sáng 28/11 tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
   
  Dự và chủ trì buổi chuyển giao quan trọng này có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quyên Quang Nguyễn Như Quang cùng lãnh đạo các đơn vị: Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Trung Tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, Văn phòng Bộ… cùng đại diện lãnh đạo 10 tỉnh miền núi gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà  Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An.
   
   
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi chuyển giao sáng 28/11
   
  Báo cáo tại hội nghị chuyển giao, TS Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nêu rõ: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết thất thường gây mưa lớn, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.
   
  Trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai phổ biến. Thiệt hại về người, cơ sở vật chất và môi trường do trượt lở đất đá gây ra thường nghiêm trọng hơn so với nhận thức và đánh giá hiện nay của xã hội. Nhìn chung các nghiên cứu về trượt lở đất đá từ trước đến nay thường chỉ được áp dụng trên diện rộng, ở tỷ lệ nhỏ và mang tính phân vùng dự báo định tính. Chưa có các công trình điều tra nghiên cứu và cảnh báo về nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá đủ chi tiết để phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiêt hại. Mặt khác, hầu hết các kết quả nghiên cứu điều tra trước đây chưa truyền tải được kết quả về địa phương. Điều đó dẫn đến nhận thức và khả năng phòng tránh trượt lở đất đá ở Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
   
  Để khắc phục được những hạn chế đã phân tích ở trên, đòi hỏi nhất thiết phải xây dựng được một chương trình điều tra, phân tích đồng bộ, áp dụng hệ phương pháp tiên tiến, phù hợp, nhằm đánh giá và cảnh báo về các tai biến trượt lở đất đá hiệu quả và kịp thời phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
   
  Nhằm điều tra tổng thể hiện trạng trượt lở đất đá các khu vực miền núi Việt Nam, đánh giá và khoanh định các phân vùng có nguy cơ trượt lở đất đá, để có cái nhìn tổng quát, định hướng phát triển kinh tế, dân cư, giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, trong đó Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là cơ quan chủ trì.
   
  Mục tiêu của Đề án là:1. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; 2. Nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
   
  Trong Giai đoạn I (2012-2015), Đề án đã triển khai công tác điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cho đến nay, Đề án đã hoàn thành các sản phẩm chính của Bước 1 là bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 10 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An, cùng các bản đồ thành phần đi kèm.Trên cơ sở kết quả điều tra và sơ bộ đánh giá các điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của toàn khu vực.
   
  Đề án đã khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.  
       
  Qua đó, Đề án đề xuất một số khu vực trọng điểmcầnđiều tra chi tiết ở các tỷ lệ 1:25.000 và 1:10.000. Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá khu vực miền núi tỉnh Lào Cai ở những bước tiếp theo của Đề án…
   
   
Đề án đưa ra bức tranh khá chi tiết bức tranh trượt lở tại khu vực Miền núi
   
  Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Viện, các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền núi để chúng ta có thể sớm hoàn thành Giai đoạn 1 của Đề án. “Các bản đồ này đã khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác công tác phòng, tránh , giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
   
  Để nâng cao hiệu quả công việc trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng đơn vị có liên quan cũng như 10 tỉnh thành hưởng lợi từ đề án cần chú trọng triển khai 3 nhiệm vụ: Thứ nhất đẩy nhanh tiến độ thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các tỉnh miền núi đã thực hiện công tác điều tra hiện trạng, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, có dân cư sinh sống và đang là khu vực trong điểm phát triển kinh tế xã hội.
   
Thứ hai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cảnh báo, dự báo thiên tai như, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão ở trung ương cũng như địa phương để chuyển tải nhanh các thông tin liên quan đến trượt lở đất đá, góp phần nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai. Và thứ ba phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, truyền thông từ Trung ương đến địa phương để triển khai công tác chuyển giao kết quả, nâng cao nhận thức cộng đồng về tai biến địa chất, trượt lở đất đá tăng cường khả năng ứng phó giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.
   
   
       
      Công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000tại 10 tỉnh nêu trên có sự tham gia của nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đóViện Khoa học Địa chất và Khoáng sảnlà cơ quan chủ trì. Công tác điều tra bằng khảo sát thực địa được thực hiện trực tiếp bởi các đơn vị: Liên đoàn Địa chất Tây Bắc, Liên đoàn Địa chất Đông Bắc, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc và Liên đoàn Địa chất Intergeo thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Miền Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia.
       
      Các công tác hỗ trợ và thành lập các bản đồ thành phần được thực hiện bởi Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trung tâm Lưu trữ Địa chất, Trung tâm Viễn thám Quốc gia và Hội đồng Đội Trung ương. Công tác hiệu chỉnh các bản đồ và báo cáo thuyết minh và chuyển giao kết quả tới các địa chỉ sử dụng sản phẩm của Đề án được thực hiện bởi Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
       
   
   
    
   Bài & ảnh: Việt Hùng