Quyền sử dụng đất trong các khu rừng đặc dụng: Còn nhiều chồng lấn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/11/2014

(TN&MT) - Đó là một trong 3 nội dung quan trọng tại Hội thảo: Thực thi Luật BV&PTR Việt Nam 2004 – một số phát hiện và khuyến nghị từ cộng đồng
   
(TN&MT) - Đó là một trong 3 nội dung quan trọng đã được các chuyên gia đến từ Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng 10 tỉnh thành cùng thảo luận tại Hội thảo: Thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Việt Nam 2004 – một số phát hiện và khuyến nghị từ cộng đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 25/11.
   
   
Quang cảnh hội thảo
   
  Tham dự hội thảo có hơn 100 khách mời từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực lâm nghiệp.  Một số vấn đề về quá trình thực thi Luật BVPTR 2004 liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng được Mạng lưới Đất rừng phát hiện đã được đưa ra trình bày, thảo luận tại hội thảo. Hội thảo là bước đầu tiên trong tiến trình thực hiện nội dung của văn bản đã ký kết giữa LHHVN và TCLN nhằm tổ chức một hội thảo lớn hơn: “Đánh giá Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 dưới góc nhìn của các tổ chức xã hội dân sự” trong thời gian tới.
   
  Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Sau 10 năm có hiệu lực Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Việt Nam 2004 đã có tác động  tích cực đến sự phát triển rừng cũng như đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BV&PTR cũng đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
   
  Để có những thông tin, đánh giá thiết thực trong quá trình thực thi Luật BV&PTR, Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập tổ chuyên gia đánh giá độc lập ở 10 tỉnh thành về các vấn đề: Đánh giá việc thực thi, Luật BV&PTR 2004 liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng; Đánh giá hiện trạng chồng lấn quyền sử dụng đất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam; Lồng ghép giới trong thực thi Luật BV&PTR 2004 và một số vấn đề dưới Luật liên quan.     
   
  Nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm đó là nghiên cứu “Hiện trạng chồng lấn quyền sử dụng đất tại các khu rừng đặc dụng Việt Nam” nhằm nghiên cứu nhằm tìm hiểu và đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, tác động của tình trạng chồng lấn về quyền sử dụng đất rừng giữa các hộ gia đình và ban quản lý các khu rừng đặc dụng đồng thời đề xuất các phương án giải quyết.
   
   
Một góc rừng quốc gia Bái Tử Long
   
  Sau khi thực tế tại Tám điểm nghiên bao gồm: Vườn Quốc Gia (VQG) Bái Tử Long (Quảng Ninh), VQG Cát Tiên, VQG Bạch Mã và KBTTN Phong Điền (Thừa Thiên Huế), KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông và Phu Canh (Hòa Bình), KBTTN Kim Hỷ (Bắc Cạn) và KBT Sao La Quảng Nam (Quảng Nam), hát hiện ban đầu của nghiên cứu cho thấy, chồng lấn quyền sử dụng đất tại các khu rừng đặc dụng Việt Nam là hiện tượng tương đối phổ biến.
   
  Theo số liệu mà nghiên cứu “Hiện trạng chồng lấn quyền sử dụng đất tại các khu rừng đặc dụng Việt Nam” đưa ra, gần 30% trong tổng số 128 các KBT/VQG hiện đang phải đối mặt với tình trạng này. Trong số đó, phần lớn là các khu rừng đặc dụng được thành lập trong giai đoạn 1995-2005, do quá trình quy hoạch và thành lập các khu vực này đã bao trùmcả phần đất lâm nghiệp mà các hộ gia đình đã sử dụng lâu năm và/hoặc đã được nhà nước cấp quyền sử dụng lâu dài c theo Nghị định 02/1994/CP.
   
  Nghiên cứu cũng ghi nhận những khó khăn và thách thức của các địa phương trong việc giải quyết triệt để bất cập này do thiếu hướng dẫn pháp lý và nguồn lực. Trong khi đó, tình trạng này trở thành rào cản cho Ban quản lý các VQG/KBT thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên; đồng thời cũng gây khó khăn cho cộng đồng địa phương trong cơ hội tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất rừng và rừng một cách hợp pháp; làm suy yếu mối quan hệ giữa các bên liên quan đến quản lý bảo vệ rừng địa phương.
   
  “Nghiên cứu đã chỉ ra các bài học và khuyến nghị cho quy hoạch rừng đặc dụng, áp dụng cơ chế đồng quản lý rừng và vận dụng hiệu quả các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, khai thác gỗ hợp pháp... Đây cũng là tiền đề để các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh các quy phạm Pháp luật hợp lý nhằm hạn chế những bất cập trong quản lý rừng nói chung và rừng đặc dụng nói riêng” – TS Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho hay.
   
Hải Ngọc