Đà Nẵng tìm giải pháp cải thiện ô nhiễm nước thải đô thị

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2014

(TN&MT) - Là chủ đề Hội thảo Thực trạng xử lý nước thải đô thị tại Đà Nẵng diễn ra chiều 3/11.
   
(TN&MT) - Chiều 3/11, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Viêt Nam tổ chức Hội thảo Thực trạng xử lý nước thải đô thị tại Đà Nẵng và áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản.
   
  Toàn TP. Đà Nẵng có 7 quận, huyện nhưng mới chỉ có 4 trạm xử lý nước thải (Phú Lộc, Hòa Cường, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà). Hầu hết các trạm xử lý đều hoạt động theo công nghệ lạc hậu (công nghệ kỵ khí), hiệu quả xử lý thấp. Nước thải sau khi xử lý có mùi hôi, chất lượng nước thải ra môi trường không đạt quy chuẩn theo quy định. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường Công an TP. Đà Nẵng thì mẫu xử lý nước thải tại 4 trạm trên cho thấy thông số ô nhiễm Amoni đã vượt 1,33 đến 2,33 lần Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cho phép.
   
   
Quang cảnh hội thảo
   
  Thách thức trong xử lý nước thải đô thị của Đà Nẵng là toàn bộ hệ thống thoát nước tại các khu vực trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo khả năng thoát nước mưa cũng như thu gom triệt để nước thải sinh hoạt. Nước thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong địa bàn khu dân cư chưa qua xử lý xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố dẫn đến phát sinh mùi hôi tại các giếng tách dòng, nhất là các cửa xả ven biển. Hiện nay, nước thải của thành phố vẫn chảy thẳng ra biển với tổng cộng 51 cửa xả. Các cửa xả này thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, cát lấp, do đó, nước thải khi đổ ra biển, sông ao hồ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống của người dân. Ngoài ra, do hạn chế về năng lực và tài chính nên kỹ thuật xử lý nước thải tại Đà Nẵng vẫn chưa được nghiên cứu ứng dụng cũng đặt ra những thách thức về môi trường ô nhiễm nước thải đô thị.
   
  Tại Hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến có khả năng xử lý các nguồn nước thải đạt quy chuẩn của Việt Nam. Ông Kazutoshi Akasaka- Công ty tư vấn Nihon Suido đề nghị: Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng nên quy hoạch xây dựng theo kiểu kết hợp (nửa riêng), (gồm cống bao, giếng tách dòng...) để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo an toàn vệ sinh công cộng và ngăn tạp chất. Tại TP. Chigasaki (Nhật Bản), khi có mưa, trên 18.000m3 nước thải đầu tiên sẽ được lưu lại trong tuyến cống bao lưu trữ vận chuyển đến trạm xử lý nước thải. Tại Hội thảo, Công ty Metawater của Nhật Bản cũng giới thiệu, chia sẻ về hệ thống xử lý nước thải tiên tiến tiết kiệm năng lượng như: Công nghệ bể lọc nhỏ giọt sơ bộ; Công nghệ khoan kích ngầm… sẽ mở ra những hướng đi mới, phương án phù hợp để quản lý hiệu quả nước thải đô thị Đà Nẵng.
   
  Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng về kinh phí, kỹ thuật để tiếp cận với các giải pháp “Thoát nước và xử lý nước thải”. Về phía thành phố, các Sở, ban ngành và đơn vị liên quan sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho Đoàn khảo sát của JICA trong quá trình làm việc và triển khai dự án tại TP.
   
Tin, ảnh: Lan Anh – Viết Toàn