Quản lý tổng hợp vùng bờ Nghệ An: Phân vùng quản lý nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng bờ

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/10/2014

Về thủy sản, theo điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại ở Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35 - 37 nghìn...
(TN&MT) - Nghệ An là địa phương ven biển có tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế vùng bờ, nơi đây tập trung khá nhiều khoáng sản sắt với trữ lượng lớn và phát triển nghề cá vào bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, khi các ngành cùng tận dụng thế mạnh, khai thác tài nguyên vùng bờ  triệt để vào thiếu đồng bộ đã gây không ít mâu thuẫn, chồng chéo, có nguy cơ dẫn đến cạn kiệt và hủy hoại tài nguyên. Để từng bước giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
   
Thế mạnh vùng bờ và nguy cơ suy thoái môi trường
   
  Nghệ An có 82km bờ biển, trải dài qua 4 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như Cửa Lò, Bãi Lữ, Mũi Rồng (Nghi Lộc), Cửa Hiền, Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) và các đảo có thể phát triển du lịch như đảo Ngư, đảo Lan Châu. Ưu điểm của biển Nghệ An là bãi cát dài và mịn, nước biển trong xanh, sóng hiền hoà, đặc biệt vùng ven biển có trên 300 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, cùng với nhiều lễ hội dân gian truyền thống.
   
   
UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ đến năm 2020. Ảnh: MH
   
  Hàng năm, Nghệ An đã thu hút trên 1,2 triệu lượt khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng, doanh thu đạt trên 250 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 6.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch và hàng chục ngàn lao động gián tiếp ngoài xã hội. Hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng 50 - 60% trong giá trị sản xuất ngành du lịch, 1,5 - 2% giá trị sản xuất trong khối dịch vụ của tỉnh, 0,5 - 0,7% trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh.
   
  Về thủy sản, theo điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại ở Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35 - 37 nghìn tấn/năm.
   
  Trữ lượng cá ở vùng có độ sâu trên 30m trở ra chiếm 60%; cá nổi chiếm 30%, cá đáy chiếm 70%, lượng cá nổi có khả năng khai thác dễ hơn. Cá biển ở Nghệ An có tới 267 loài trong 91 họ, tập trung nhiều vào các loài như cá trích 30 - 39%, cá nục 15 - 20%, cá cơm 10 - 15%. Tôm biển có 8 loài sống tập trung ở vùng nước nông 30m trở vào; tôm he khả năng khai thác lớn, chiếm 30% tổng số tôm. Có hai bãi tôm chính: Bãi Lạch Quèn diện tích 305 hải lý vuông, trữ lượng 250 - 300 tấn, khả năng khai thác 50%; bãi Diễn Châu diện tích 425 hải lý vuông, trữ lượng 360 - 380 tấn, khả năng khai thác 50%. Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.
   
  Nghệ An còn có nhiều loại khoáng sản khác nhau, phân bố tập trung, có trên địa bàn nhiều huyện. Các loại khoáng sản của Nghệ An có chất lượng cao, nguyên liệu chính gần nguyên liệu phụ, gần đường giao thông nên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất xi măng, gốm sứ, bột đá siêu mịn, gạch lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, lâu nay do các ngành phát triển theo hướng “mạnh ngành nào, ngành ấy quy hoạch” dẫn đến tình trạng ở một số khu vực có biểu hiện suy thoái chất đất, ô nhiễm môi trường nước và mất dần nguồn lợi thủy hải sản. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, khu chế xuất bám theo vùng bờ cũng tạo gánh nặng lên môi trường sinh thái vùng biển này, làm mất dần khả năng cạnh tranh du lịch, sinh thái và đa dạng sinh học vùng.
   
Khoanh vùng quy hoạch, quản lý nghiêm ngặt
   
  Để từng bước giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa các ngành cùng khai thác kinh tế biển, kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghê An đến năm 2020 đặt mục tiêu xây dựng được sơ đồ phân vùng và các quy định sử dụng đối với đới bờ tỉnh Nghệ An. Qua đó, đề xuất các hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến 2020 để từng bước triển khai kế hoạch  vùng và cung cấp cơ sở khoa học để nghiên cứu, tham khảo công tác lập quy hoạch, kế hoạch giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường đới bờ của tỉnh.
   
  Phạm vi không gian thiết lập kế hoạch được lấy theo phạm vi đới bờ đã xác định trong khuôn khổ dự án Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An. Về phía biển gồm có vùng biển ven bờ có ranh giới ngoài cách bờ 6 hải lý và được mở rộng để bao gồm các đảo Hòn Ngư, Hòn Mắt; về phía đất liền gồm các huyện, thành phố, thị trấn ven biển của tỉnh như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh.
   
  Theo đó, phân vùng sử dụng đới bờ Nghệ An được phân thành 4 nhóm; trong đó, nhóm vùng được bảo tồn nghiêm ngặt là khu vực Đảo Mắt với diện tích gần 3km2, cao 218m, biển sâu 24m bao gồm hai hòn lớn và các hòn nhỏ nối với nhau. Trong khu vực này hoạt động được phép là  trồng rừng, thả các loại động vật hoang dã, xây dựng công trình an ninh quốc phòng, hoạt động cải tạo hoặc nâng cấp vùng bảo tồn. Đặc biệt cấm các hoạt động đánh bắt thủy sản thương mại, săn bắt động vật, khai thác cây ngập mặn và các loại thủy sinh. Nghiêm cấm các công trình sản xuất, hoạt động đổ chất thải và các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sinh.
   
  Vùng này có một số hoạt động kinh tế được phép nhưng cần có điều kiện, đó là: Đánh băt thủy sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giao thông thủy, hoạt động tham quan du lịch sinh thái, xây dựng công trình dân sinh và hoạt động điều tra khoa học.
   
  Nhóm vùng cần được phục hồi, bảo vệ bao gồm vùng rừng ngập mặn tại các huyện, thành phố, thị xã ven biển bao gồm Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Lò và ven sông Lam; vùng đệm của vùng bảo tồn là khu vực quanh đảo Mắt và vùng vành đai biển được xác định là dải đất dọc bờ biển Nghệ An, trừ các khu vực  của lạch, đoạn bờ biển dạng vách núi đã có độ rộng từ mép nước. Vùng này được phát triển ừng phòng hộ và các khu nuôi trồng thủy sản, xây dựng công viên cây xanh với mục đích giải trí, bãi tắm, bãi du thuyền…
   
  Đặc biệt, tỉnh cũng xác định rõ khu vực phát triển công nghiệp chỉ được quy hoạch và phát  triển tại Khu công nghiệp Đông Hồi, Hoàng Mai, Thọ Lộc, Nam Cấm và Bắc Vinh… trong các vùng được quy hoạch, UBND tỉnh Nghệ An cũng đưa ra quy định nghiêm cấm đổ chất thải rắn và nước thải không đạt tiêu chuẩn vệ sinh; khai thác, sử dụng tài nguyên nước không hợp pháp và xả chất thải chưa qua xử lý vào nguồn nước…
   
Minh Thái