Quảng Nam: Lên “dây cót” cho hồ chứa trước mưa bão

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 24/09/2014

(TN&MT) - Mùa mưa bão đã về, tỉnh Quảng Nam đang ráo riết lên dây cót chuẩn bị các kịch bản để giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.
(TN&MT) -Với địa bàn rộng, lại có nhiều núi cao và sông ngòi, Quảng Nam là một trong các tỉnh miền Trung luôn chịu ảnh hưởng nặng nề trước các tai ương của thiên tai. Mùa mưa bão đã về, tỉnh Quảng Nam đang ráo riết lên dây cót chuẩn bị các kịch bản để giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, đặc biệt là xiết chặt quy trình vận hành và xả lũ hồ chứa thủy điện.
    
Với địa bàn rộng, lại có nhiều núi cao và sông ngòi, Quảng Nam là một trong các tỉnh miền Trung luôn chịu ảnh hưởng nặng nề trước các tai ương của thiên tai.
     
   Thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong việc cắt lũ, điều tiết dòng chảy. Việc phát triển thủy điện ở những vùng điều kiện tự nhiên phức tạp đã xảy ra nhiều hệ lụy trong mùa mưa bão, vì vậy, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã xiết chặt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão năm nay.
    
   Ông Trương Xuân Tý- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước lớn nhỏ, hầu hết các hồ chứa đều nằm ở khu vực miền núi. Mùa mưa lũ năm nay, việc quản lý, vận hành và điều tiết xả lũ từ các hồ chứa, nhất là thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ từ các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện A Vương, thủy điện Đăk Mi 4... là mối quan tâm hàng đầu của địa phương”.
    
   Nhà máy thủy điện A Vương nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có địa hình biến đổi khá phức tạp và chia cắt mạnh. Địa hình có xu hướng nghiêng dần từ Tây sang Đông tạo cho lưu vực có độ dốc rất lớn và đồi núi ăn sát ra biển. Vùng núi là thượng nguồn các dòng sông nằm ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn Nam. Độ cao địa hình của vùng này  từ 1000 m trở lên, có địa hình dốc và đồng bằng hẹp. Vì vậy, lượng mưa hàng năm ở đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của hệ thống sông này.
    
   Lượng mưa trung bình hàng năm của Quảng Nam dao động từ 1690 mm đến 4000 mm. Thượng lưu các các con sông khu vực miền núi phía Tây và Tây Nam có lượng mưa lớn nhất, trên 3000 mm/năm. Vùng đồng bằng ven biển có lượng mưa trung bình khoảng 2000 - 2400 mm/năm. Nhìn chung, lượng mưa phân bố không đồng đều. Mùa mưa (tháng 9 - 12 hàng năm) chiếm 60 - 80% tổng lượng mưa. Mùa mưa cũng là thời điểm các loại hình thời tiết như: bão, áp thấp nhiệt  đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và các nhiễu động nhiệt đới khác hoạt động khá mạnh. Các loại hình thời tiết này có thể “đơn phương” hoặc kết hợp tương tác với nhau. Đặc biệt, một số trường hợp, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ liên tiếp vào khu vực này gây mưa trên diện rộng, tạo thành lũ lớn ở miền Trung.
    
   Trao đổi với báo chí, ông Ngô Xuân Thế - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện A Vương khẳng định, mùa mưa bão 2014 này, A Vương sẽ tăng tổng dung tích phòng lũ lên 84,83 triệu mét khối, tức dung tích tăng thêm là 49,6 triệu mét khối. Theo kịch bản phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của A Vương, khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa ở mức dưới báo động II (8m), A Vương sẽ vận hành lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng về để đưa mực nước hồ về cao trình 370m. Khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa 8,5m (giữa báo động II và III), thủy điện vận hành lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng về để cắt lũ cho hạ du, hồ tích dần nước đến mực nước dâng bình thường cao trình 380m.
    
   Khi hết lũ, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa dưới báo động I, nhà máy sẽ vận hành lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng về để đưa mực nước về cao trình 376m. Với địa hình như vậy, cộng với lượng mưa lớn tập trung vào mùa mưa làm cho dòng chảy lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn dồn về hạ lưu nhanh và khó kiểm soát. Đây là thách thức rất lớn cho công tác vận hành các đập thủy điện vào mùa lũ, đảm bảo an toàn đập cũng như vùng hạ du.
    
   Thực tế cho thấy công tác điều tiết xả lũ từ các hồ chứa thủy điện trong những mùa lũ trước đây đã gây ra không ít hệ lụy cho người dân vùng hạ du. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành hồ chứa đối với các công trình thủy điện, trước mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng phương án chi tiết trong việc đón lũ, xả lũ để giảm thiểu mức ảnh hưởng đối với vùng hạ du.
    
   Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các nhà máy thủy điện đã ký quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa. Theo đó, lãnh đạo các nhà máy thủy điện có trách nhiệm báo cáo kịp thời khả năng lũ đổ về các hồ chứa, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xả lũ, thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ cho các cơ quan chức năng và các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại.
    
   Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn, năm 2014 có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão đổ bộ vào nước ta. Khu vực tỉnh Quảng Nam có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, 6-7 đợt không khí lạnh, 5-6 đợt mưa lớn, 4-5 đợt lũ... Nếu như nhiều năm trước, mỗi khi đến mùa mưa bão, ở Quảng Nam, cụm từ “thủy điện xả lũ” như một “hiểm họa” chực chờ, góp phần cho mưa lũ thêm khốc liệt hơn, thì cận kề mùa mưa bão 2014 này, ở Quảng Nam đã có phần bớt đi gánh nặng lo âu ấy hơn, khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...
    
       
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn mới ban hành theo Quyết định 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/9-15/9 hằng năm, các hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải vận hành hồ chứa theo quy trình mới này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, hồ đập, góp phần giảm lũ hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Cụ thể, các thủy điện hạ mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ so với quy trình cũ. A Vương sẽ hạ mực nước đón lũ 6m, nâng cao trình lên 376m (cao trình cũ 370m), tăng dung tích phòng lũ 49,6 triệu m3, nâng tổng dung tích phòng lũ của nhà máy lên 84,83 triệu m3. Đăk Mi 4 hạ mực nước đón lũ 4m, nâng cao trình lên 255m (cũ là 251m), tăng dung tích phòng lũ 40 triệu m3. Sông Tranh cũng hạ mực nước đón lũ 7m so với cao trình cũ là 165m, tăng dung tích phòng lũ 133,3 triệu m3.
       
   
Bài và ảnh: XUÂN LAM – VĂN HÀ