Văn phòng Đăng ký đất đai: Phải quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2014

(TN&MT) - Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể là phải lập Văn phòng Đăng ký đất đai trước 30/12/2015.
   
(TN&MT) - Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể là phải lập Văn phòng Đăng ký đất đai trước 30/12/2015. Tuy nhiên, hiện việc xây dựng cơ chế hoạt động cũng như tài chính cho văn phòng này vẫn chưa được xây dựng, điều này đồng nghĩa với việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai tại nhiều địa phương còn đang rất hạn chế…
   
Hiu qu song chưa chuyên nghip!
   
  Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, thực tế qua thí điểm mô hình văn phòng một cấp này có rất nhiều ưu điểm so với hai cấp trước đây. Cụ thể là, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ, quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng. Đồng thời, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, sổ đỏ được bảo đảm đúng quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.
   
  Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn cho người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại ngày càng chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay.
   
  Theo Nghị định 43 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì trước cuối năm 2015 các địa phương trên cả nước phải xây dựng và triển khai các văn phòng này. Đến nay đã có một số địa phương triển khai, chủ yếu ở các tỉnh trước đây được thí điểm mô hình sau đó chuyển tiếp như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nam. Tuy nhiên, khi triển khai các địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp do thay đổi cấp quản lý, thay đổi nhân sự, thay đổi cơ chế tài chính, từ đó đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới không thể giải quyết trong thời gian ngắn, trong phạm vi thực hiện thí điểm mới chỉ giải quyết tạm thời. Đặc biệt, cơ chế tài chính, hoạt động còn chưa có quy định cụ thể, dẫn tới việc hoạt động gặp nhiều trở ngại.
   
Nhân lc vn là khâu then cht
   
  Theo thống kê, hiện cả nước có 5 tỉnh, thành phố chyển từ Văn phòng hai cấp trước đây sang Văn phòng Đăng ký đất đai. Trong đó, đi đầu là tỉnh Đồng Nai đã chuyển từ 1/7/2014, đây là một trong những tỉnh thí điểm đề án về Văn phòng Đăng ký đất đai. Theo đại diện của  Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, địa phương đã căn cứ theo hướng dẫn của Nghị định 43 Chính phủ để thành lập, nhưng khi triển khai gặp không ít khó khăn, bởi số lượng cán bộ, công nhân viên từ cấp tỉnh tới cấp huyện chỉ có 89 biên chế/ 700 người. Nhiều ngành khuyến khích văn phòng tự chuyển sang tự chủ vì sau gần hai năm triển khai thí điểm, văn phòng đã thu được hơn 123 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 12 tỷ đồng, nhưng vấn đề đặt ra  là nhiều quận, huyện nhu cầu người dân cao thì có nguồn thu, còn nhiều nơi đã ổn định thì nguồn thu này gần như không có.
   
  Đồng quan điểm với Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, đại diện Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cho rằng, hoạt động của văn phòng cũng đang gặp phải một số khó khăn. Trong quá trình chuyển đổi các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thành các chi nhánh, nhân lực được chuyển về vừa ít về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số trường hợp trước khi bàn giao về đã là cán bộ trong biên chế, nhưng sau khi bàn giao, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế ít hơn nhiều (tiếp nhận 15 viên chức nhưng chỉ có 6 chỉ tiêu biên chế), điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của cán bộ, làm cho nhiều người không yên tâm công tác. Bên cạnh đó, một số chi nhánh còn thiếu nhiều thiết bị làm việc như máy tính, máy quét, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cập nhật hồ sơ đăng ký vào cơ sở dữ liệu. Phòng làm việc của các chi nhánh hiện nằm trong trụ sở UBND các huyện, thành phố, không thuận tiện cho người dân đến giao dịch.
   
  Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, tới đây Bộ sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch, nhất là vấn đề về biên chế và cơ cấu tài chính. Tuy nhiên, về cơ cấu tài chính sẽ được xây dựng theo nguyên tắc Nhà nước sẽ trả kinh phí văn phòng cho các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý Nhà nước; người dân và doanh nghiệp phải trả phí cho các dịch vụ công. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
   
Trường Giang