Quảng Trị: Hệ lụy từ khai thác cát trên sông Thạch Hãn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2014

(TN&MT) - Sông Thạch Hãn là địa giới giữa xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) và xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) của tỉnh Quảng Trị.
   
(TN&MT) - Sông Thạch Hãn là địa giới giữa xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) và xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) của tỉnh Quảng Trị. Trên dòng sông này, nhiều năm nay các thuyền khai thác cát được và không được cấp phép vẫn lén lút hoặc ngang nhiên "móc ruột" dòng sông khiến đôi bờ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân và đe dọa một số công trình công cộng.
   
Mt dòng sông, bên hút bên không
   
  Có mặt tại sông Thạch Hãn, chúng tôi trực tiếp chứng kiến cảnh hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Dòng sông đã xâm thực sâu vào đất ở cũng như đất sản xuất nông nghiệp của cả hai xã Hải Lệ và Triệu Thượng. Có đoạn bờ sông bị nước ăn sâu từ 30 - 50 m, có nơi sâu đến 100 m. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua dòng nước đã cuốn trôi hàng ngàn mét đất canh tác của người dân.
   
Những thuyền hút cát "cắm" ngay vòi vào bờ sông hút cát liên tục ngày đêm.
    
   
  Lâu nay người dân xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) đã phản đối tình trạng khai thác cát sạn trên sông Thạch Hãn. Nhưng ở phía bờ bên kia, tức thuộc địa phận quản lý của xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) các đơn vị được cấp phép khai thác vẫn hằng ngày đào bới dòng sông, và thỉnh thoảng, những vòi hút cát lại vươn sang địa giới xã Triệu Thượng. Chung một dòng sông, nhưng một bên được phép khai thác, bên còn lại không cho phép khai thác đã nảy sinh không ít bất cập trong quản lý.
   
  Bức xúc vì tình trạng các thuyền hút cát "lấn sân" sang địa phận xã Triệu Thượng để "trộm" cát, khiến bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống nên người dân ở đây đã tiến hành dùng cọc tre, giăng dây và treo biển giữa dòng sông để ngăn cản tình trạng "cát tặc". Nhưng biện pháp này không tồn tại được lâu, các chủ thuyền ngang nhiên nhổ cọc, cắt dây và lợi dụng thời điểm sáng sớm hoặc trưa để lấn sang phía bờ sông xã Triệu Thượng "hành nghề".
   
  Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vọng - Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng bức xúc: "Các tàu thường xuyên tới hút trộm cát; xã thì lực lượng mỏng, phương tiện không có nên không giữ nổi".
   
  Được biết, 3 năm trước đây ở bãi Tích Tường, xã Hải Lệ có Hợp tác xã khai thác cát sạn đường sông Triệu Phong khai thác trong vòng 3 năm và ngừng khai thác năm 2011. Sau đó, vào năm 2012, Công ty Thiên Phú được cấp phép khai thác tại địa đểm thôn Tích Tường và Như Lệ; và vào cuối năm 2013 Hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi Như Lệ cũng được cấp phép khai thác cát sỏi tại địa điểm thôn Như Lệ cho đến hiện nay.
   
Hu qu nhãn tin
   
  Trước đây, khi tình trạng khai thác cát chưa ồ ạt như bây giờ, người dân thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng đã dựa vào dòng nước trong vắt của dòng Thạch Hãn để phát triển nuôi cá chình với khoảng 42 hộ tham gia nuôi từ những năm 2009. "Cứ tưởng rồi đó sẽ là hướng đi làm giàu cho bà con, nhưng không ai ngờ, do khai thác cát sạn, nước sông đục ngàu làm cá chình chết dần. Nhiều hộ dân ở đây đành phải ngậm đắng nuốt cay bán đi những lồng cá chình và đi tìm kế sinh nhai khác”, bà Nguyễn Thị Toàn, thôn Tân Xuân buồn bã nói.
   
Nhiều ngôi nhà của người dân bị treo lơ lửng trên miệng "hà bá".
    
   
  Tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Đức Vọng - Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng khẳng định: Tại xã Triệu Thượng hiện có khoảng 5 -  6 km dọc bờ sông bị sạt lở, kéo dài từ thôn Tân Xuân, cho đến phường An Đôn (thị xã Quảng Trị). Những điểm sạt lở nặng nề nhất là Tân Xuân và Thượng Phước, có đoạn đã ăn sâu vào con đường cứu hộ cứu nạn dọc bờ sông và đe dọa trực tiếp đến đường dây truyền tải điện 500 KV chạy qua địa bàn xã.
   
  Không những người dân xã Triệu Thượng phải chịu trận do tình trạng khai thác cát trên sông Thạch Hãn gây ra mà chính ngay người dân xã Hải Lệ nơi đang được cấp phép khai thác cũng phải kêu trời vì sạt lở.
   
  Ngôi nhà của chị Ngô Thị Hồng, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ đã bị "xén" đi một nửa do sạt lở, phần nhà còn lại sẽ bị lôi xuống sông bất cứ khi nào. Không có điều kiện chuyển nhà đi nơi khác, nên gia đình chị Hồng chấp nhận đánh cuộc mạng sống cùng với số phận.
   
  Được biết, trước đó khoảng 100 hộ dân tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ đã được di dời đến khu tái định cư vì tình trạng sạt lở. Hiện nay, hàng chục hộ dân khác ở các thôn Tích Tường, Như Lệ đang hàng ngày thấp thỏm không biết lúc nào "hà bá" sẽ kéo ngôi nhà mình xuống sông. Và tình trạng các đơn vị khai thác cát vẫn đêm ngày "móc ruột" dòng sông vẫn cứ tiếp diễn như một chuyện đương nhiên.
   
  Một mùa mưa lũ sắp tới, tình trạng sạt lở bờ sông sẽ còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với cuộc sống của hàng chục hộ dân 2 xã Triệu Thượng và Hải Lệ sống ven sông Thạch Hãn, đe dọa nhiều công trình công cộng. Về lâu dài, nếu không có những biện pháp căn cơ hữu hiệu nhằm kiểm soát tình trạng khai thác cát trên sông sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Tình trạng nói trên rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị.
   
  Bài và ảnh: Hi Tân – Anh Dũng