Rừng xay ở Phú Yên bị xâm hại nghiêm trọng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/08/2014

(TN&MT) - Hàng nghìn người dân đổ về các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân (Phú Yên) cưa hạ cây xay để hái trái bán, tận diệt tài nguyên, hủy hoại...
   
(TN&MT) - Nạn tàn phá rừng ươi vừa dứt (hết mùa), nửa tháng trở lại đây, hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân (Phú Yên) cưa hạ cây xay để hái trái bán, làm tận diệt tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái.
   
Xe mô tô của những người đi hái xay dựng trong rừng La Hiêng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân
   
  Mới đầu mùa, nhưng trong nhà anh T.V.T ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa đã có tới 10 bao tải trái xay (khoảng 400kg), đó là chưa kể xay phơi trước sân. Anh T. kể: “Chuyến đi trước, tôi cùng mấy người trong xóm vươt đèo dốc Đứng vào rừng Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân để hái xay. Đến nơi, thấy hàng chục xe gắn máy của những người hái xay để dọc theo bờ suối. Qua 2 ngày tìm kiếm mà vẫn không tìm thấy một bóng cây xay nào, đành phải lên tận rừng La Hiêng cũng thuộc huyện Đồng Xuân nằm 3 ngày ròng để hái trái”.
   
Trái xay được người dân phơi, bán khắp nơi
    
   
  Theo người dân, hiện các khu rừng già La Hiêng, Suối Mun, Chín Cụm (Đồng Xuân), thân cây xay cao từ 10 đến 15m, có cây cao hơn 20m đứng thẳng như trụ điện, không thể nào trèo hái trái được. Anh N.V.H, một người hái xay ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân cho hay: “Thân cây xay cứng như đá, chỉ cần nhánh nhỏ bằng đầu gối, nhưng cũng phải chặt cả buổi mới gãy. Nay người ta không dùng rựa chặt như trước kia, mà dùng cưa máy cắt trong vòng 10 phút là cây xay đường kính 50cm đứt tiện gốc”.
   
  “Tốp của tôi có 4 người, mang theo gạo và cá mặn lên ăn ngủ trong rừng Suối Mun 4 ngày, hái được 17 bao xay, bán với giá 30.000 đồng/kg, thu được trên 17 triệu đồng, chia mỗi người được 4 triệu đồng”. Anh N.V. D, ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, phân trần.
   
   
  Do xay được mùa, lại cho thu nhập cao, nên nhiều người đổ xô vào rừng tranh nhau chặt phá để hái trái, gây hủy hoại tài nguyên, tàn phá môi trường sinh thái. Đó là chưa kể đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, cây đổ đè uy hiếp tính mạng lẫn nhau. Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân thừa nhận, trước thông tin nhiều người dân vào rừng phòng hộ cưa xay hái trái, đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và mới đây đã bắt được một số đối tượng vi phạm. “Nghe tiếng máy cưa, chúng tôi băng rừng tìm đến nơi thì họ bỏ chạy. Diện tích rừng quá lớn (trên 22.000ha); trong khi đó, người đi hái xay lại đông và thường vào sâu bên trong, đêm ngủ tại chỗ, nên rất khó bắt và ngăn chặn triệt để”, ông Lộc nói.
   
  Bài & ảnh: Phương Nam