Các giải pháp khoa học nạo vét cửa sông Đà Rằng Phú Yên

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/06/2014

(TN&MT) - Nhiều năm qua, cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào.
   
(TN&MT) - Cửa sông Đà Rằng là cửa sông quan trọng của tỉnh Phú Yên hướng ra biển, là nơi neo đậu cho khoảng 1.000 tàu cá của ngư dân phường 6 và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa); đồng thời là trung tâm mua bán cá ngừ đại dương lớn nhất duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Thực trạng trên đang được các cấp, ngành chức năng và nhà khoa học tìm giải pháp tháo gỡ mang tính bền vững.
   
Cửa sông Đà Rằng thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào
   
Yếu tố tự nhiên và sự xói lở, bồi lấp
   
  Vùng ven biển sông Đà Rằng là nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều lên xuống. Trong khi đó, ở khu vực cửa phía trong sông, dòng chảy chủ yếu do dòng triều cường chi phối nên khi triều lên, lượng bùn cát mang từ biển vào lắng lại trong khu vực cửa sông. Vì vậy, thời kỳ này, cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp, thu hẹp và xuất hiện các bãi bồi. Vào mùa mưa, sóng hướng Đông Bắc thổi thẳng vào cửa sông, dòng triều xuống kết hợp với lũ sông Ba đổ về mang một lượng lớn bùn cát và lắng đọng chủ yếu ở khu vực ngoài cửa sông. Phía trong sông có nhiều nơi bị xói mạnh do dòng lũ đổ về kết hợp với thủy triều lên và sóng biển vào sâu gây ngập lụt khu vực cửa sông Đà Rằng và lượng bùn bị lắng đọng làm bồi lấp phía trong cửa.
   
  Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, bình quân mỗi năm, bãi bồi khu vực cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp khoảng 15m bờ phải và 8,5m bờ trái. Bãi chắn cửa sông ít bị phá vỡ hay di chuyển vị trí, mà nổi cao hoặc hạ thấp xuống mặt nước. Tác động của các công trình hồ chứa, thủy điện ở thượng lưu sông Ba làm thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu, suy giảm lượng và chất lượng nước mặt của lưu vực sông, thay đổi qui luật của quá trình xâm nhập mặn vùng ven biển cửa sông; đồng thời giảm lượng bùn cát về hạ du và thay đổi dòng chảy, gây nên hiện tượng xói lở cục bộ và sạt lở bờ sông. Các công trình cầu, cống thoát nước, kè nắn dòng, hệ thống ao đìa nuôi trồng thủy sản… cũng góp phần làm thay đổi hướng, vận tốc dòng chảy và đưa bùn cát ra biển, gây xói lở cục bộ ở vùng cửa sông ven biển. Nạn khai thác rừng trên lưu vực sông làm lớp đất phủ bề mặt bị suy giảm, gây nên lũ lụt, cạn kiệt, xói lở và bồi tụ bờ biển.
   
  Còn theo Sở TN-MT Phú Yên, ngoài ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, yếu tố địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đâm ra biển, tạo ra những vùng tiểu khí hậu có nhiều nét riêng biệt trên các lưu vực sông cũng làm thay đổi đáng kể quy luật biến đổi dòng chảy, gây biến động lòng chảy, sạt lở bờ, bãi vùng ven biển cửa sông. Trong khi đó, cửa Đà Rằng chịu ảnh hưởng của thủy triều lớn, khu vực sông Ba nằm trong vùng nhật triều không đều với độ lớn triều trung bình kỳ nước cường từ 1,5 – 1,7m, kỳ nước kém khoảng 0,5m, trung bình hàng tháng có 20 ngày nhật triều, thời gian triều dâng nhiều hơn triều rút. Trong thời gian lũ xuất hiện, trị số tốc độ dòng chảy ở cửa sông quá lớ làm cho lòng dẫn bị xói sâu, cửa sông được mở rộng. Bên cạnh đó, dòng chảy lũ cũng tải một lượng lớn bùn cát từ thượng nguồn đổ về và lắng đọng trước cửa sông.
   
  Từ những hiện tượng trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (Bộ NN-PTNT) nhận định, việc xói lở, bồi tụ bờ biển và bồi lấp cửa sông Đà rằng là quá trình động lực thuộc loại phức tạp nhất trong lĩnh vực động lực sông – biển. Đây là một dạng thiên tai phổ biến xảy ra ở dọc bờ biển, cửa sông Việt Nam. Nguyên nhân là do tổng hòa các yếu tố tác động liên qua đến tiến hóa tự nhiên của dải ven biển cửa sông và tác động của con người.
   
Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu nạo vét cát, khơi thông luồng lạch cửa sông Đà Rằng
    
   
Nạo vét khoa học kết hợp với giải pháp công trình
   
  Theo nghiên cứu của ông Đinh Quang Vũ Bình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, việc nạo vét, khơi thông đường thủy, ổn định và phát triển đời sống dân cư ven sông Ba là vô cùng cấp thiết. Khả năng khơi thông đường thủy hạ du sông Ba bằng nạo vét kết hợp với công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ là hoàn toàn khả thi. Riêng đối với cửa sông Đà Rằng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (Bộ NN-PTNT) đề xuất hai phương án, nạo vét và không làm bất cứ công trình gì trên khu vực cửa sông (không xem xét các công trình trong cửa sông và khu vực cảng phía trong sông). Theo đó, khối lượng bùn cát cần nạo vét khoảng 300.000m3/năm và được chia làm hai đợt vào đầu và giữa mùa cạn với độ sâu cao trình -6m, đảm bảo cho các loại phương tiển nổi ra vào dễ dàng ngay cả khi triều cường thấp. Ngoài ra, có thể tiến hành xây dựng đập chắn cát với chiều dài 700m, cao trình đỉnh +1,5m.
   
  Từ kinh nghiệm thực tế, Tiến sỹ Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, cửa sông Đà Rằng bị bồi cạn làm cho tàu thuyền của ngư dân khó ra khơi, cập bến là thực trạng diễn ra nhiều năm. Vì vậy, việc nạo vét cửa sông và những cồn cát ngoài cửa biển là yêu cầu cấp thiết không những trước mắt mà cho cả lâu dài. Vấn đề quan trọng là cần có đánh giá tác động môi trường chính xác để tránh gây tác hại kèm theo; tăng cường trách nhiệm giữa các bên liên quan, đồng thời cử cán bộ giám sát, theo dõi diễn biến xói lở nếu có… Tiến sỹ Quang cũng lưu ý, trong mùa cạn kiệt, cửa sông bị bồi lấp thì mùa mưa lũ sẽ gây ngập lụt và bứt phá hai bờ sông. Theo Tiến sỹ Quang, cần xúc tiến triển khai dự án quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống đê kè chống xói lở hai bên bờ sông Đà Rằng với chiều dài mỗi tuyến từ 15 – 20km. Dự án xây kè chống xói lở không chỉ bảo vệ khu dân cư và cơ sở hạ tầng, mà còn kết hợp với hệ thống giao thông sẽ tạo ra diện mạo, cảnh quan xinh đẹp mới cho cả đô thị và nông thôn.
   
  Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, nạo vét cửa sông là rất nhu cầu cấp thiết, phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân ra vào đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tiến hành nạo vét ở đâu, như thế nào, khối lượng bao nhiêu phải có đánh giá tác động môi trường cụ thể, có luận cứ khoa học và các giải pháp công trình; đồng thời đảm bảo các nhóm lợi ích về nông nghiệp, môi trường, thủy sản, giao thông thủy và du lịch…
   
  Bài & ảnh: Phương Nam