Ký kết thỏa thuận tài trợ cho Nghiên cứu tác động thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/06/2014
(TN&MT) - Lễ Ký kết thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia cho Nghiên cứu tác động thủy điện trên dòng chính sông Mê Công diễn ra...
(TN&MT) - Chiều ngày 17/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức Lễ Ký kết thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia cho Nghiên cứu tác động thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Quang cảnh Lễ ký kết. Ảnh: Hoàng Minh
Tham dự Lễ ký kết có Tiến sỹ Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hugh Borrowman - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ Hợp tác quốc tế,.. và một số đơn vị liên quan khác.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mê Công và là nơi định cư của hơn 22% dân số Việt Nam. Hàng năm, đồng bằng sông Cửu Long nhận được nguồn lợi lớn từ thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt là khoảng 475 tỷ m3 nước chiếm khoảng 60% tổng lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam; 160 triệu tấn phù sa cùng chất dinh dưỡng. Do vậy, sông Mê Công đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.
Với tiềm năng lớn về nông nghiệp, trong những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp tới 50% tổng sản lượng lương thực và hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 85 triệu người Việt Nam và nhu cầu thế giới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, nguồn tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do sự gia tăng dân số, mở rộng diện tích tưới tiêu và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất điện trong lưu vực. Cụ thể, ở thượng nguồn lưu vực sông Mê Công, Trung Quốc đang xây dựng 14 nhà máy thủy điện trên dòng chính với tổng công suất lắp đặt là 23.000 MW. Ở hạ nguồn, các nước Camphuchia, Lào và Thái Lan cũng đang chuẩn bị xây dựng 11 dự án thủy điện dòng chính, trong đó có việc xây dựng dự án thủy điện Xayaburi do Chính phủ Lào triển khai bắt đầu vào tháng 11 năm 2012.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, hiện đã có nhiều cảnh báo được đưa ra khi các dự án trên hoàn thành sẽ gây ra các tác động đáng kể không chỉ về mặt môi trường mà còn gây tổn hại đến sinh kế của người dân trong lưu vực, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Với mục tiêu đáp ứng các mối quan tâm ngày càng gia tăng của các quốc gia ven sông và cộng đồng lưu vực về tác động của thủy điện dòng chính Mê Công, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tiến hành triển khai “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công”.
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết: Bắt đầu từ tháng 7 năm 2013, với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế - Tập đoàn DHI Đan Mạch và các công ty liên kết, nghiên cứu đã đạt được những cột mốc quan trọng đầu tiên với sự ra đời của Báo cáo khởi động đầu tiên vào cuối năm 2013. Điều đó cho thấy nghiên cứu đạt đúng tiến độ đề ra nhằm hoàn thành vào cuối năm 2015.
“Với những nỗ lực để có được kết quả đánh giá mang tính định lượng về tác động gây ra bởi các dự án thủy điện dòng chính ở hạ lưu sông Mê Công lên thủy văn, trầm tích, sinh thái, chuyển dòng,… cũng như các tác động lên điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường của đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu sẽ tạo ra nền tảng nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các nước thành viên trong Ủy hội sông Mê Công nhằm hướng tới sự phát triển bền vững về tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc tới Chính phủ Australia, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Chính phủ Lào vì sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ trong thời gian qua. “Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để sử dụng quỹ hiệu quả nhằm hoàn thành tốt nghiên cứu này” - Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nói.
Thanh Huyền – Thúy Hằng