Miền Trung: Hạn nặng, nguy cơ thiếu nước trầm trọng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/06/2014

(TN&MT) - Người dân miền Trung đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng hơn bao giờ hết.
   
(TN&MT) - Đã nhiều ngày qua, tại các tỉnh miền Trung không có mưa, hạn hán đang “hoành hành” trên diện rộng các tỉnh trong khu vực, mực nước trên các sông lớn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình đó đó, người dân miền Trung đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng hơn bao giờ hết.
   
Hàng trăm ha diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh miền Trung phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới 
Nắng nóng, hạn hán và thiếu nước
   
  Đà Nẵng đang bắt đầu bước vào mùa khô hạn. Hiện, trên các dòng sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã cạn kiệt, nhiễm mặn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du. Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng khô hạn của khu vực Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng sẽ diễn ra từ nay đến hết cuối tháng 8/2014. Theo ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng: “Trong 4 tháng đầu năm 2014, các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50% - 90% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, dòng chảy từ thượng nguồn các năm suy giảm, nhiễm mặn xâm nhập khá sâu vào vùng hạ lưu”.
   
  Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang vào mùa khô hạn. Nhiều vùng trong tỉnh người dân thiếu nước sinh hoạt, ruộng đồng bỏ hoang. Vụ hè thu tới, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.000ha đất sản xuất bỏ hoang vì thiếu nước. Nhiều nông dân ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn phân trần: “Lượng nước Thạch Nham hoặc hồ đập thì không có, chủ yếu là nước ao. Tuy nhiên, nhiều năm qua số lượng ao bị bồi lấp rất nhiều. Người dân dù có nao vét nhưng cũng không đáp ứng được. Không có nước nên ruộng đành bỏ hoang”.
   
  Tương tự, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay làm cho 33 hồ chứa nước nhỏ ở tỉnh Bình Định cạn khô, nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ sản xuất hè thu sắp tới. Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 13 hồ chứa ở các địa phương không còn nước và 20 hồ có nguy cơ là sẽ xả hết nước. Do vậy xác định vùng thiếu nước trong khoảng 3.000 ha, từ đó phối hợp với các địa phương để có định hướng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như trong chỉ đạo sản xuất”.
   
  Còn tại tỉnh Quảng Nam, lưu lượng nước trên các dòng sông những tháng đầu năm 2014 thiếu hụt, mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, nguy cơ thiếu nước nặng nhất vào khoảng tháng 7 và tháng 8/2014. Hầu hết các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 0,5 đến gần 2m. Hiện, các nhà máy thủy điện đồng loạt đóng các cửa xả nước nên khu vực hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn độ mặn lên rất cao so với ngưỡng cho phép. Tại Trạm bơm Tứ Câu, huyện Điện Bàn, độ mặn đo được trong ngày hôm nay (1/5) là 15/1000, Trạm bơm Duy Thành 14/1000, cầu Cao Lâu 8/1000.
   
Thủy điện phải xả nước chống hạn
   
  Để khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã xây dựng nhiều giải pháp chống hạn, nạo vét kênh mương, xây đập tạm ngăn mặn, tăng cường công suất máy bơm… Theo ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, trước nhu cầu cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha lúa và rau màu vụ hè thu, cộng với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong mùa khô năm nay đã hiển hiện. Hiện nay, mặn đã xâm nhập vào khu vực Cầu Đỏ, buộc nhà máy nước Đà Nẵng đã phải bơm nước từ đập An Trạch, cách xa 8km về phía thượng nguồn để dẫn nước về nhà máy xử lý.
   
  Theo các chuyên gia, trước mắt, Đà Nẵng cần nhanh chóng có quy hoạch cụ thể cho nhà máy nước tại các sông trên địa bàn như sông Cu Đê và Túy Loan bởi nguồn nước tại các sông này đang sạch và ít bị ô nhiễm. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả các trạm bơm, thành phố cần có kế hoạch nạo vét các sông ngòi để tăng khả năng cấp nước. Đồng thời, nâng cấp các công trình đầu mối và kênh mương của các công trình thủy lợi trên sông để tăng khả năng trữ nước và hệ số sử dụng nước.
   
  Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Địa phương này cũng đã phê duyệt kinh phí 20 tỷ đồng để chống hạn cho vụ hè thu tới. Quảng Nam đang áp dụng tất cả các biện pháp từ phi công trình cho đến công trình để đảm bảo nước cho vụ hè thu. Đối với biện pháp phi công trình, việc đầu tiên là phát động cho toàn dân sử dụng tiết kiệm nước, sau đó đến các hệ thống quản lý hồ chứa và vấn đề điều hành nước. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan phải giữ nước, quản lý nước cho thật chặt chẽ”.
   
  Mới đây, Tổng cục Thủy lợi đã có cuộc họp với lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực miền Trung và các chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Qua đó, thống nhất các thủy điện A Vương, Đăk Mi4, Sông Tranh 2 sẽ xả nước với lưu lượng ít nhất từ 39m3/s đến 110m3/s. Trong thời gian xả nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các địa phương cũng như các ngành chức năng cần linh hoạt điều phối xả nước cho phù hợp giữa lợi ích của thủy điện và lợi ích của địa phương.
   
  Bài và ảnh: Xuân Lam