Hồi âm bài “Cấp gần một trăm héc-ta đất rừng trái pháp luật”: UBND huyện Thường Xuân trả lời quanh co, thiếu thuyết phục

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 29/05/2014

(TN&MT) - Phải chăng UBND huyện Thường Xuân trả lời UBND tỉnhThanh Hóa một cách quanh co nhằm lấp liếm sự thật?.
   
(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử ngày 7/5/2014 có bài: “Thường Xuân (Thanh Hóa) - Cấp gần một trăm héc-ta đất rừng trái pháp luật” phản ánh việc UBND huyện cấp trái thẩm quyền cho Công ty TNHH TMDV-XNK Nam An (Công ty Nam An) hơn 80 ha tại 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn Lương Sơn và Yên Nhân. Việc này không những gây bức xúc trong quần chúng nhân dân mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên môi trường lòng hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt.
   
   
  Ngày 19/5/2014, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được Công văn giải trình số 541/UBND-NN của UBND huyện Thường Xuân. Công văn nêu rõ: Ngày 11/7/2013, UBND huyện nhận được Văn bản số 68/CV- Cty-NA của Công ty Nam An về việc xin được triển khai dự án trồng cao su và trồng ớt lấy dược liệu xuất khẩu. Thì đến ngày 16/7/2013 (chỉ 5 ngày sau), UBND huyện Thường Xuân có Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty TNHH TMDV-XNK Nam An được mượn khoảng 80 ha đất rừng từ cos 108 đến cos 120 thuộc địa bàn 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân. Đây là khu đất trong phạm vi giải phóng vùng ngập lòng hồ Thủy điện Cửa Đặt để triển khai dự án  trồng cao su và trồng ớt làm dược liệu theo mô hình liên kết với hộ gia đình có điều kiện về đất đai trên địa bàn các xã trong huyện và triển khai trồng ớt dưới tán cao su từ 1-3 năm tuổi.
   
Huyện làm trái chỉ đạo của tỉnh?
   
  Câu hỏi đặt ra: Phải chăng UBND huyện Thường Xuân không hiểu luật hay cố tình vi phạm Luật Đất đai, vi phạm Quyết định số 559/2013/QĐ-UBND về việc: “ Ban hành quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Trong Điều 3 của Quyết định số 559, UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: “Về nguyên tắc, việc chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều này. Đối với những trường hợp có đủ cơ sở xem xét, UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương, địa điểm”. Như vậy, việc UBND huyện Thường Xuân ban hành Công văn văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty TNHH TMDV-XNK Nam An được mượn khoảng 80 ha là hoàn toàn sai với quy định trên. Và vì lý do gì mà UBND huyện bỏ qua các quy trình xét duyệt mà chỉ trong vòng 5 ngày đã ban hành Công văn đồng ý?. Tại sao trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất, thì đáng lẽ UBND huyện nên giao cho các hộ sản xuất, mà lại giao cho Công ty Nam An?.
   
  Ngay bản thân ông Đỗ Xuân Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Xuân cũng thừa nhận: Việc UBND huyện có Công văn giao gần một trăm héc-ta rừng cho Công ty Nam An thì Thường vụ Huyện ủy và bản thân tôi không nắm được. Ngay cả Công ty Nam An là Công ty nào tôi cũng không biết, vì trên địa bàn huyện Thường Xuân không có Công ty Nam An(!?). Việc UBND huyện ban hành Công văn số 887 cho Công ty Nam An mượn đất là không đúng pháp luật và trái thẩm quyền, vì việc mượn đất và cho thuê đất là thẩm quyền của UBND tỉnh.
   
  UBND 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân cũng có văn bản kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện vì đây là diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2020. Vì nếu xác định cos 108 đến cos 120 là diện tích bán ngập thì giao cho bà con để bà con có đất yên tâm sản xuất. Việc huyện cho Công ty Nam An mượn là không phù hợp, sẽ gây bất bình trong nhân dân, dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong xã hội, gây nhiều bất lợi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương…
   
   
   
Quanh co, lấp liếm sự thật?
   
  Ngay cả khi PV Báo Tài nguyên & Môi trường hỏi ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân: Dựa trên cơ sở nào để UBND huyện ra Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An mượn khoảng 80 ha đất tại 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân, thì ông Xuân vẫn còn nói: Làm gì có chuyện UBND huyện có Công văn đồng ý cho Công ty Nam An nào đó mượn đất(!?). Nhưng khi chúng tôi đưa ra Công văn số 887/UBND-TN&MT có chữ ký của chính ông Xuân, thì ông Xuân nói: Cả năm tôi ký nhiều Công văn quá nên không nhớ hết, có lẽ là tôi quên, mong anh thông cảm!.
   
  Rõ ràng việc UBND huyện ban hành Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An mượn khoảng 80 ha là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
   
  Nhưng tại Công văn giải trình số 541/UBND-NN, UBND huyện Thường Xuân lại cho rằng Báo Tài nguyên & Môi trường viết: “Chưa đúng sự thật?”. Trong khi sự thật đã quá rõ ràng như đã nêu ở trên. Phải chăng UBND huyện Thường Xuân trả lời UBND tỉnhThanh Hóa một cách quanh co nhằm lấp liếm sự thật?. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình vi phạm pháp luật./.
   
        
Điều 37, Khoản 1 và Khoản 2 Luật Đất đai quy định: “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo; giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư”.
        
    
   
 
Bài & ảnh: Tuyết Trang