Quản lý tổng hợp vùng bờ đảo Phú Quý: Khơi dậy tiềm năng vùng đảo quý

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014

(TN&MT) - Quản lý tổng hợp vùng bờ được thừa nhận là phương pháp tiếp cận thích hợp nhất để giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái và phát triển ở các vùng...
(TN&MT) - Quản lý tổng hợp vùng bờ cho đến nay được thừa nhận là phương pháp tiếp cận thích hợp nhất để giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái và phát triển ở các vùng bờ biển hiện tại và trong tương lai. Vùng bờ huyện đảo Phú Quý là một trong  những đảo giàu tiềm năng nhưng còn chưa được khai phá, chính vì vậy việc tiếp cận một chính sách mới khá thuận lợi và là một cách nhìn đúng đắn của tỉnh Bình Thuận đối với hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc.
   
   
Nhận diện tác động …
   
  Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quản lý tổng hợp vùng bờ là đánh giá được tiềm năng, xác định những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, từ đó mới điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính vì vậy, ngay từ khi áp dụng thực hiện quản lý tổng hợp trên vùng đảo này, tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường thực hiện Dự án đánh giá những ảnh hưởng của tự nhiên, con người và biến đổi khí hậu lên vùng đảo.
   
  Theo kết quả điều tra, đây là khu vực có hệ sinh thái rất đa dạng và  có năng suất sinh học cao song cũng là nơi tiếp nhận nguồn thải từ trên đảo ra biển và từ biển nhâm nhập vào, có thể nói đây là khu vực rất nhạy cảm về môi trường. Trong khi đó đây là khu vực diễn ra hoạt động khai thác rất nhộn nhịp bởi  đây là vùng có hai ngư trường lớn với tổng diện tích  trên 183.000 hải lý vuông (tương ứng 628.000km2), trong đó ngư trường vùng biển sâu hơn 200m là 120.000 hải lý vuông, gần gấp đôi ngư trường thềm lục địa. Trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng này được đánh giá vào khoảng 2,5 đến 3 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác hàng năm từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn , trong đó có nhiều sản phẩm biển có giá trị kinh tế như cá mực, cá chỉ vàng, cá múc, cá mập…
   
  Bên cạnh đó, ảnh hưởng của sóng gió và nhiệt độ cao hàng năng cũng làm cho tố độ phong hóa, xói mòn và bồi tụ ven đảo diễn ra với tốc độ cao, hiện tượng xói lở diễn ra với mức độ ngày càng lớn. Huyện đảo Phú Quý có hơn 10 khu vực bị xâm thực với tốc độ từ 3 – 5m mỗi năm, trong đó có một số đoạn xâm thực nặng với tổng chiều dài trên 1.5000m. Hiện tượng sạt lở cũng diễn ra mạnh mẽ từ khu vực núi Cao Cát kéo dài tới khu vực bãi Triều Dương. Sạt lở diễn ra mạnh song hiện tượng bồi tụ lại không lớn, vì vậy đây là một yếu tố rất đáng quan tâm khi xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng tại đây.
   
Điều chỉnh quản lý – “đánh thức” niềm năng
   
  Để phát triển kinh tế biển đảo, tỉnh Bình Thuận xác định, đầu tư cho các công trình chống sạt lở, ứng phó BĐKH, nước biển dâng là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì vậy, tỉnh đã liên tục đầu tư cho các hoạt động xây dựng các công trình đê kè, chống sạt lở. Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: Năm 2011, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện hơn 72 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, một số công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên đảo. Trong đó, đáng kể là công trình nâng cấp mở rộng đường vành đai bao quanh đảo, xây dựng chống sạt lở và công trình kè chống xâm thực ổn định bờ biển giai đoạn 1, các tuyến đường đôi ở trung tâm huyện Phú Quý.
   
  Với sự năng động của chính quyền địa phương và lợi thế về vị trí địa lý, năm 2013, Phú Quý cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão có quy mô 11 ha tại huyện đảo Phú Quý với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Theo ông Hưng, dự án nhằm đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu cá có công suất tối đa 600CV vào neo tránh bão an toàn, nhất là các tàu hoạt động đánh bắt cá xa bờ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề biển trên đảo Phú Quý. Nhờ những nguồn vốn đầu tư trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên đảo với GDP bình quân đầu người đạt 776 USD.
   
  Để tăng cường các hoạt động giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, UBND huyện Phú Quý  cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, tuyệt đối nghiêm cấm dưới mọi hình thức các hoạt động khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển bằng phương pháp hủy diệt; nghiêm cấm việc khai thác cát, san hô nơi bờ biển; cấm khoan, đào giếng tự phát…
   
  Tập trung khai thác tiềm năng du lịch bền vững, Bình Thuận cũng đang đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trong đó có tàu khách cao tốc tuyến Phú Quý – Phan Thiết, xây dựng  hệ thống khách sạn, resort cao cấp, các dịch vụ giải trí, cũng như công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến… Với hàng loạt những hoạt động, những quyết sách trong việc điều chỉnh hướng phát triển kinh tế biển đảo, tiềm năng phong phú, đa dạng của huyện đảo Phú Quý đang dần được “đánh thức”.
   
K.Liên