Thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/05/2014

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
   
(TN&MT) - Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
   
Việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm bảo vệ nguồn nước và giá trị gắn liền với nước
   
Bảo vệ nguồn nước và giá trị gắn liền với nước
   
  Theo quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012, hàng lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
   
  Việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là quy định mới của Luật tài nguyên nước, được ban hành nhằm kịp thời bảo vệ nguồn nước và các giá trị gắn liền với nguồn nước trước tình trạng lấn chiếm đất ven các sông, hồ để xây dựng nhà, xưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản… diễn ra ngày càng phổ biến, gây mất ổn định, sạt lở bờ, biến đổi cảnh quan, môi trường vùng ven nguồn nước, thay đổi hình thái lòng dẫn sông và vùng lòng hồ, cản trợ sự lưu thông dòng chảy, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái hệ sinh thái thủy sinh và các loài động, thực vật tự nhiên vùng ven nguồn nước, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa ven bờ.
   
  Cũng tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước quy định các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ gồm: hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước khác; hồ chứa tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác; đầm, phá tự nhiên; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng đối với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời quy định về trách nhiệm lập, quản lý hàng lang bảo vệ nguồn nước.
   
Cần thiết sớm ban hành hướng dẫn hành lang bảo vệ nguồn nước
   
  Trước thực tế trên, để bảo đảm việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, Bộ TN&MT cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là hết sức cần thiết.
   
  Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, 19 điều với những quy định cụ thể về việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
   
  Cụ thể, về phạm vi hành lang bảo vệ, theo dự thảo, đối với hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao có chức năng điều hòa ở các khu vực khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 5m tính từ mép bờ. Đối với đầm, phá tự nhiên và các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 20m tính từ mép bờ.
   
  Cũng theo dự thảo, đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi quan trọng quốc gia, phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế có tính đến mức nước dềnh đến đường biên giải phóng lòng hồ. Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đập đến đường biên giải phóng lòng hồ.
   
  Dự thảo cũng nêu rõ những quy định cụ thể về phạm vi hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch đối với sông, suối ở các khu vực từ miền núi đến trung du, đồng bằng.
   
  Theo Dự thảo, kinh phí lập hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi do chủ hồ đảm bảo. Kinh phí lập hành lang bảo vệ nguồn nước khác do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Nguyên Vũ