Giao đất dịch vụ ở Hà Nội: Chậm vì đâu?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/04/2014

(TN&MT) - Nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh công tác giao đất nhằm ổn định trật tự xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người dân bị thu hồi đất...
(TN&MT) - Mặc dù thành phố Hà Nội đã bàn hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các quận, huyện đẩy nhanh công tác giao đất dịch vụ nhằm ổn định trật tự xã hội, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay số hộ được nhận đất vẫn đạt thấp và còn hơn 50.000 hộ dân chưa được giao đất. Nguyên nhân của việc này là do thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, lãnh đạo các địa phương chưa thực sự vào cuộc…
   
Quận nào cũng muốn ứng… nghìn tỷ!
   
  Theo Sở TN&MT Hà Nội, đến nay thành phố mới trả nợ đất dịch vụ cho khoảng 16.852 hộ dân với 78,76 ha, đạt 21,7% tổng nhu cầu. Thành phố còn thiếu 3,03,89 ha đất dịch vụ.
   
  Lý giải nguyên nhân của việc này, Sở TN&MT cho rằng, do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ là rất lớn, vượt khả năng cân đối của một số địa phương. Đồng thời, do việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, một số khu đất dịch vụ tại các xã Vân Canh, La Phù, An Khánh, Kim Chung (huyện Hoài Đức) đã giải phóng mặt bằng, đang xây dựng hạ tầng nhưng lại không phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
   
Thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng, người dân chưa được giao đất.Ảnh: H. Minh
   
  Bên cạnh đó, nhiều cấp chính quyền của địa phương chưa vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, một số huyện như Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Trì, Gia Lâm... có quỹ đất nhưng chưa giao đất cho dân.
  Lãnh đạo nhiều địa phương kiến nghị thành phố ứng vốn năm 2014 cho công tác giải phóng măt bằng đất dịch vụ để kịp có đất giao cho dân. Đơn cử, tại 2 quận mới Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm đang xin ứng 2.500 tỷ đồng để có được tổng diện tích đất dịch vụ 85 ha. Trả lời kiến nghị này, lãnh đạo thành phố yêu cầu, 2 quận tìm giải pháp khác để cân đối. Bởi thực tế, nguồn vốn ngân sách hết sức khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lại rất lớn. Nếu quận huyện nào cũng muốn ứng cả nghìn tỷ đồng, chỉ để giải quyết nhu cầu đất dịch vụ, thì thành phố không cân đối được.
   
Rà soát tháo gỡ khó khăn
   
  Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Sở TN&MT kiến nghị thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm các Sở: TN&MT, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và Quỹ phát triển đất làm việc với các địa phương để rà soát tháo gỡ khó khăn. Qua đó, với những nội dung thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành thì có văn bản hoặc hướng dẫn giải quyết ngay; với các nội dung vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất các giải pháp báo cáo UBND thành phố quyết định. Với những quận huyện còn nhiều vướng mắc như Mê Linh, Hoài Đức, hàng tháng Tổ sẽ xuống kiểm tra, tháo gỡ khó khăn và báo cáo UBND thành phố chỉ đạo.
   
  Đối với UBND các quận huyện, thị xã cần lập kế hoạch giao đất dịch vụ trong năm 2014 để thống nhất chỉ đạo thực hiên. Khẩn trương lập phương án, tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ dân tại khu đất đã xây dựng hạ tầng  hoặc đang xây dựng. Đặc biệt, chủ động đề xuất các vị trí phù hợp, xin ý kiến của Sở Quy hoạch & Kiến trúc; chuyển các khu đất đấu giá không hiệu quả thành đất dịch vụ để giao cho các hộ dân trong tháng 4/2014; xây dựng kế hoạch, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật  báo cáo Sở tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư để cân đối, bố trí kinh phí thực hiện…
   
  Được biết, để tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép các địa phương được xác định giá đất làm căn cứ thu tiền khi giao đất dịch vụ tại thời điểm thu hồi đất. Thời điểm xác định giá thu tiền sử dụng đất được thực hiện khi khu đất đã được quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư hạ tầng khu đất. UBND thành phố cũng đồng ý cho các địa phương huy động theo nguyên tắc tự nguyện, người được giao đất cùng ứng kinh phí để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất. Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, cùng với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xác định giá đất, các địa phương xây dựng phương án giao đất dịch vụ, tạm thu tiền sử dụng đất để công bố công khai cho nhân dân được biết.
   
Một số quận, huyện đạt kết quả thực hiện khá như Đan Phượng đạt 76,5%, Thường Tín 61%, Phúc Thọ 43%, quận Hà Đông đạt khoảng 35,4%... nhưng nhiều nơi chưa giao được đất cho hộ dân nào như Thạch Thất, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm...
    
Trường Giang