Yên Bái: Phát động Tết trồng cây theo gương Bác Hồ

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/02/2014

(TN&MT) - Ngày 6-2 (mùng 7 Tết Nguyên đán), toàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức phát động “Tết trồng cây” theo gương Bác Hồ vĩ đại.
   
(TN&MT) - Ngày 6-2 (mùng 7 Tết Nguyên đán), toàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức phát động “Tết trồng cây” theo gương Bác Hồ vĩ đại. Theo đó, hàng nghìn cây xanh được các cơ quan chức năng cũng như người dân địa phương cùng trồng để bảo vệ môi trường.
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: Trong những năm qua Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành truyền thống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái vào mỗi độ Xuân về. Tết trồng cây là động lực thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng rừng, kết quả nhiều năm qua cho thấy chỉ tiêu trồng rừng toàn tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2013, là năm thời tiết diễn biến bất lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, song toàn tỉnh vẫn trồng được 15.007,2 ha đạt 100,05% kế hoạch giao. Để phát huy truyền thống, vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ 2014. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái thực hiện “Tết trồng cây”. Vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
   
Ông Hoàng Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Lục Yên hăng hái tham gia lễ hội Tết trồng cây
    
   
  Được biết, Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, với nhiệt độ trung bình từ 22-230C, lớp vỏ phong hóa dày đã tạo ra thảm thực vật phong phú về chủng loại và  giàu về trữ lượng. Do điều kiện địa hình và khí hậu có sự chênh lệch giữa các vùng nên thực vật Yên Bái được chia ra các vành đai thực vật khác nhau với các kiểu rừng chủ yếu sau. Vành đai rừng nhiệt đới: Vùng đồi núi thấp (độ cao dưới 600-700m) đất đai rừng này phân bố ở khu vực vùng núi thấp thuộc thung lũng sông Hồng, sông Chảy, trong các bồn địa Văn Chấn, Lục Yên có đặc điểm: rừng kín, thường xanh quanh năm. Phần lớn là rừng thứ sinh,  tầng ưu thế sinh thái không khép tán, cây thân gỗ, nhiều dây leo chằng chịt, có nhiều tầng nhưng phân tầng không rõ. Thành phần thực vật chủ yếu gồm các loại cây họ sấu trò xanh, sếu tán, sui... dây leo có sóng mây, dưới tán rừng còn có cây họ chuối, ráy, hoàng tinh... Vành đai rừng á nhiệt đới: Núi cao trung bình (600-700m đến 1.700 - 1.800m). Đất đai rừng này phân bổ ở khu vực đỉnh núi Con Voi, các bậc thềm của vùng núi cao ở huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, vành đai này có đặc điểm: Thành phần thực vật khá đơn giản so với vành đai nhiệt đới, thường có cây thấp, cây bụi, thảm cỏ xanh. Đặc biệt dây leo cũng ít hẳn và thường ngắn, nhỏ, chỉ  quấn quanh cây thân gỗ, thực vật phụ sinh phát triển mạnh bám vào thân, cành, lá cây khác ở trên tất cả các tầng và nguy cơ cả trên mặt đất, phần lớn là họ dương xỉ, họ lan, họ ráy... cây rừng chủ yếu là: sồi, dẻ, càng lồ... các cây dược liệu như tam thất, dương quy, hoàng bá, đỗ trọng....
   
  Vành đai rừng cận nhiệt đới: Núi cao (trên 1.700m), vành đai này phân bố ở vùng núi cao thuộc dãy Hoàng Liên - Pú Luông, Phu Sa Phìn, Phu Chiêm Ban. Đai rừng này có quần thể thể thực vật mang nhiều đặc tính của thực vật vùng ôn đới, thực vật rừng là rừng hỗn giao giữa lá cây rộng và lá cây kim như pơmu, thông, sa mộc, liễu sam; cây lá rộng có sồi, dẻ, đỗ quyên. Rừng thường có một hoặc hai tầng, trên, thân, cành, lá  và cả mặt đất có rêu, dương sỉ, địa y như thành lớp dày.
   
Toàn cảnh buổi lễ phát động trồng cây ở huyện Lục Yên – Yên Bái
    
   
  Ngoài 3 đai rừng chính ở trên, thảm thực vật ở Yên Bái còn có các kiểu rừng đặc biệt sau: Rừng nhiệt đới trên núi đá vôi: Với đặc trưng là có những cây thân gỗ cứng vật quý như ngiến, đinh, chò chỉ, dây leo như song, mây, cây tầm gửi như phong lan mọc trên thân cây to, ngoài ra còn có chuối, ráy. Loại rừng này phân bố ở khu vực núi đá vôi ven sông Chảy như ở huyện Lục Yên và bồn địa Văn Chấn. Rừng tre nứa trên đất phát triển trên đá cuội kết, phù sa cổ: là loại rừng thuần vàu, nứa; trong điều kiện ít ẩm, khô, thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất mỏng, nghèo chất dinh dưỡng; tỷ lệ mùn thấp, nếu khai thác kiệt sẽ thoái hóa trở nên cằn cỗi, độ che phủ kém, đất có sự rửa trôi về mùa mưa, thường phân bố ở các xã Hoàng Thắng, Xuân Ái, Yên Hợp huyện Văn Yên; xã Y Can, Âu Lâu huyện Trấn Yên; Động Quan, Trung Tâm của huyện Lục Yên và rải rác ở một số nơi khác. Thảm thực vật có vai tro rất quan trọng trong việc giữ đất và giữ cho cân bằng sinh thái, bảo vệ môi sinh. Song do phá rừng làm nương rẫy, khai gỗ không hợp lý làm cho thảm thực vật rừng bị phá, đất mặt bị rửa trôi, độ phì của đất giảm nhanh chóng, làm cho đất khô, chai cứng, thậm chí còn đến tích tụ kết vón, đá ong theo thời gian rất khó phục hồi lại.
   
  Tính đến tháng 8 năm 2010, diện tích đất có rừng toàn tỉnh Yên Bái đạt 406.230,9 ha, trong đó: rừng tự nhiên 231.563,7 ha, rừng trồng 174.667,1 ha; đạt độ che phủ trên 58,4%. Trong đó đất rừng quế tập trung có khoảng 20.000 ha. Đất có rừng của Yên Bái được phân bổ ở các huyện, thị xã trong tỉnh; thực hiện chủ trương đóng cửa rừng của Chính Phủ tinh trạng khai thác trái phép đã được quản lý và giảm đáng kể. Việc khai thác gỗ rừng trồng được tổ chức quản lý theo kế hoạch và thiết kế, không khai thác trắng. Tổng trữ lượng của các loại rừng của Yên Bái có 14.080,719 m3 gỗ và 114.638.800 cây tre, nứa, vầu các loại (theo số liệu kiểm kê rừng năm 1998). Theo kết quả kiểm kê rừng tự nhiên của Yên Bái chủ yếu còn ở hai cấp trữ lượng III và IV; cấp trữ lượng III: 151-225 m3/ha, chiếm 18,2%; cấp trữ lượng IV: 76- 150 m3/ha, chiếm 34,2%. Cá biệt có nơi rừng còn đạt 250m3/ha, nhưng không đáng kể vê diện tích. Trữ lượng rừng của Yên Bái tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Yên Bình và Lục Yên. Hệ động vật hoang dã ở Yên Bái còn đa dạng về thành phần như loại hươu, nai, lợn rừng, tê tê... và các loại côn trùng khác, tập trung chủ yếu ở các dãy núi cao như dãy núi Hoàng Liên, dãy núi Con Voi.
   
   
  Còn theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh đã trồng mới được 15.007 ha rừng, vượt 7 ha so với mục tiêu đã đề ra. Trong đó, có 13.138 ha rừng sản xuất tập trung, 1.000 ha rừng phòng hộ, trên 1.303.000 cây phân tán.  Để đạt được mục tiêu này, từ cuối năm 2012 Chi cục Phát triển lâm nghiệp Yên Bái đã cùng các huyện, thị, thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thiết kế, chuẩn bị đất và xây dựng kế hoạch giao cụ thể tới các xã. Đồng thời, Chi cục còn chỉ đạo Ban quản lý rừng các địa phương, các nông, lâm trường chuẩn bị trên 6 triệu cây giống các loại đạt tiêu chuẩn, đáp ứng cơ bản đủ giống cho trồng rừng vụ xuân. Ngoài ra, Chi cục còn tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho tổ chức và cá nhân trồng rừng. Chi cục cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các tổ chức, cá nhân trồng rừng, các huyện, thị... cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, giống và đối tượng được hỗ trợ, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện kịp thời. Đi đôi với công tác chỉ đạo trồng rừng, việc hỗ trợ một phần giống, phân bón của Chương trình trồng rừng sản xuất theo các chương trình, dự án đã được Chi cục triển khai có hiệu quả.  Các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn... cũng đã chủ động tăng cường hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật “ba cùng” với bà con để vận động, tuyên truyền hướng dẫn cho các chủ vườn ươm, nhân dân về kỹ thuật làm đất, gieo cây giống và trồng, chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các chủ rừng.  Hiện nay, tất cả các diện tích rừng mới trồng trên địa bàn tỉnh đều phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Đa số diện tích keo trồng vụ xuân nay đã lên cao 80 cm, cá biệt có diện tích cây keo đã cao tới 1m.
   
  Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Yên Bái khẳng định việc trồng rừng không chỉ sớm hoàn thành kế hoạch năm mà chất lượng rừng trồng năm nay cũng tốt hơn năm trước. Đặc biệt, đối với trồng rừng kinh tế các giống cây được lựa có chất lượng gỗ tốt, năng suất cao, trồng liền ô liền thửa tạo vùng rộng lớn, đáp ứng cho chế biến.  Thời gian tới, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Yên Bái tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân trồng nốt phần diện tích còn lại, đồng thời chăm sóc rừng và tỉếp tục triển khai việc gieo ươm giống để chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm 2014... 
   
  Bài & ảnh: Hà Thúy