Giành nhau đất rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/01/2014

(TN&MT) - Nghịch lý đang diễn ra là rừng ngày càng bị thu hẹp diện tích còn tranh chấp đất rừng giữa công ty lâm nghiệp và người dân diễn ra ngày càng gay gắt,...
   
(TN&MT) - Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh 8.891 ha rừng, đất rừng thuộc địa bàn 2 xã Ea Kuêh và Ea Kiết (huyện Cư M’ga, Đắk Lắk). Thế nhưng, công tác bảo vệ rừng ngày càng gặp khó khăn bởi người dân thiếu đất sản xuất trong khi đất rừng thì mênh mông. Nghịch lý đang diễn ra là rừng ngày càng bị thu hẹp diện tích còn tranh chấp đất rừng giữa công ty lâm nghiệp và người dân diễn ra ngày càng gay gắt, khó giải quyết do cả 2 bên đều bị giằng co bởi những khó khăn.
   
29 hộ dân đánh dấu diện tích đất của mình bằng bảng thông báo “Đất 29 hộ, không xâm phạm”
   
Loay hoay bảo vệ đất rừng
   
  Việc người dân lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất đã xảy ra và kéo dài từ nhiều năm nay. Thế nhưng, để thu hồi đất bị dân lấn chiếm không phải là việc làm dễ dàng. Từ năm 2008 hơn 64ha đất rừng của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã bị 29 hộ dân ở các xã Ea Tar, Ea Kiết, Ea Mroh và Quảng Hiệp lấn chiếm. Mặc dù phía công ty đã nhiều lần ra vào vận động, tuyên truyền, thậm chí dùng cả biện pháp cưỡng chế như phá bỏ hoa màu, dỡ bỏ lán trại để các hộ dân này di dời trả lại đất cho công ty trồng rừng nhưng vẫn…lực bất tòng tâm. Đất không đòi lại được, ngược lại còn làm cho mâu thuẫn giữa người dân và công ty ngày một lớn.
   
  Theo ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm thì toàn bộ số đất đai mà các hộ dân đang lấn chiếm đều thuộc quyền quản lý của công ty, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại lô 2, 3 khoảnh 13, tiểu khu 547A. Mấy năm nay bà con đã canh tác trái phép trên đất của lâm trường. Đối với diện tích này trong năm 2008, công ty kết hợp với Đoàn thực hiện chỉ thị 12 của UBND huyện cùng với UBND xã Ea Kiết đã giải tỏa toàn bộ hoa màu, lều lán của người dân và tiến hành trồng lại rừng bằng cây keo lai giâm hom, đồng thời tiến hành cho bà con làm đơn xin hợp đồng trồng rừng và ăn chia theo sản phẩm. Tuy nhiên, người dân không những không đồng ý mà còn chặt phá toàn bộ rừng keo để trồng hoa màu.
   
  Dường như quyết tâm giữ đất của người dân ngày một tăng cao khi họ bất chấp cả tính mạng để đánh trả với lực lượng kiểm lâm. Anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ kiểm lâm của công ty cho biết: “Bây giờ đi vào chỗ dân để kiểm tra và đòi đất chúng tôi phải tập hợp cả nhóm đông mới dám đi. Vì giờ người dân chống đối dữ lắm. Có đợt chúng tôi vào bà con sử dụng cuốc xẻng, dao rìu rượt đuổi ném đá làm tôi chạy bán sống bán chết”. Phá bỏ hoa màu, dỡ lán trại không ăn thua, công ty lâm nghiệp tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, kết quả mỗi cuộc họp vẫn là bên đòi bên giữ và rừng vẫn mất.
   
Người dân trồng hoa màu trên đất của lâm trường Buôn Ja Wầm
    
   
Mua bán đất rừng trái phép
   
  Tiếp xúc với các hộ dân trong diện lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất mới thấy hết những trăn trở mà người dân. Ông Triệu Tiến Thuận, người dân thôn 2, xã Ea Kiết (huyện Cư M’ga) chia sẻ: “Hồi tôi mua đất trên địa bàn Buôn Ja Wầm không có bìa đỏ nên không biết đất đó do công ty lâm nghiệp quản lý. Tự nhiên giờ bị thu hồi đất thì gia đình lấy gì sống nữa, tôi muốn lấy đất để làm ăn, nếu xảy ra chém giết ở trong rừng tôi cũng chấp nhận”. Cùng hoàn cảnh với hàng xóm, ông Dương Phúc Tài bộc bạch: “Năm 2011, tôi mua lại diện tích 3,5ha với số tiền 220 triệu đồng. Lúc đó tôi nghe nói đất không có tranh chấp nên tôi mới mua. Giờ thấy cán bộ lâm trường vào phá hết hoa màu nên tôi cảm thấy bức xúc và làm đơn khiếu nại để chính quyền giải quyết một cách thỏa đáng cho người dân”. Không riêng gì ông Thuận và ông Tài mà hầu hết 27 hộ dân còn lại đều rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như trên.
   
  Lý giải điều này, Ông Võ Đình Hoan, Chủ tịch UBND huyện Cư M’ga cho biết, đất mà 29 hộ dân đang canh tác tại xã Ea Kiết là đất của công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý, bảo vệ. 29 hộ dân này đã mua bán, nhận chuyển nhượng đất đai của các hộ dân do một số hộ người kinh lấn chiếm sau đó sang nhượng lại là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Xảy ra tranh chấp nguyên nhân cũng xuất phát từ việc các hộ dân tự ý sang nhượng đất trái phép không thông qua chính quyền địa phương và cơ quan được giao quản lý, sử dụng đất cũng như không tìm hiểu về nguồn gốc đất.
   
  Để giải quyết mâu thuẫn đang diễn ra, UBND huyện đã đề nghị các hộ dân cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc mua bán, sang nhượng đất từ các hộ người kinh cho ủy ban để tiến hành kiểm tra, xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho bà con. Về phần Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng do UBND tỉnh giao cho công ty quản lý, bảo vệ bị lấn chiếm làm nương rẫy, chuyển nhượng trái phép và báo cáo với UBND huyện. Huyện cũng sẽ chỉ đạo công an huyện tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá, lấn chiếm và chuyển nhượng đất rừng trái phép.
   
  Bảo vệ rừng là việc làm hết sức quan trọng, tuy nhiên cuộc sống của người dân cũng quan trọng không kém. Do đó, để giải quyết tranh chấp, người dân và Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cần phải hợp tác với nhau. “Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết, yêu cầu bà con không trồng cây dài ngày, xây dựng công trình kiên cố, chỉ được trồng cây hoa màu ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày và yêu cầu bà con giữ gìn trật tự an nình trên địa bàn” -  ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bày tỏ quan điểm.
   
                                                                           Bài & ảnh: Tuệ Minh