Hệ lụy khai thác titan ở Miền Trung: “Sa mạc hóa” rừng phòng hộ

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/12/2013

Những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định… bị đốn chặt
(TN&MT) - Những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định… bị đốn chặt không thương tiếc để khai thác titan. Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão cho làng quê từ bao đời nay bị phá bỏ. Thảm thực vật bị hủy hoại, nguồn nước ngầm cạn kiệt, những núi cát được hình thành tạo ra những vết sẹo lồi lõm ven biển các tỉnh miền Trung.
   
Đánh đổi rừng phòng hộ lấy titan
   
  Theo thống kê, trong số 14 triệu tấn trữ lượng đã xác định, trên 9 triệu tấn là sa khoáng titan phân bố dọc các tỉnh ven biển miền Trung, trải từ Hà Tĩnh vào đến Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một con số khổng lồ nếu so với tổng trữ lượng titan đã xác định của toàn thế giới chỉ là 1.400 triệu tấn. Titan là vật liệu không thể thiếu đối với ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ. Titan và sản phẩm của chúng trở nên đắt hàng trong khoảng chục năm lại đây. Nhiều địa phương miền Trung nuôi ý chí thoát nghèo từ titan, cũng chính vì lẽ đó mà nhiều làng mạc ven biển của các tỉnh miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định… trở nên xơ xác trước tình trạng khai thác titan. Làng không còn xanh và người cũng không bình yên.
   
Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão từ bao đời nay bị phá bỏ bởi nạn khai thác titan
    
   
  Từ gần 15 năm nay, những cánh rừng phi lao vài chục năm đến trăm năm tuổi ở vùng cát ven biển các xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Mỹ (Gio Linh) của tỉnh Quảng Trị đã bị nạn khai thác titan đào xới, hủy diệt tan tành. Trơ lại giữa cát là hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ các máy hút cát. Trong “cơn lốc đen” khốc liệt ấy, quá trình sa mạc hóa và cạn kiệt nguồn nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân. Khi đi qua những vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), dễ dàng nhận thấy có đến hàng trăm máy khoan hình ốc vít đang “móc ruột” bãi biển, làng mạc để lấy titan.
   
  Ở xã biển bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tình trạng đào xới, hút cát diễn ra không kém phần khốc liệt so với các xã biển bãi ngang Gio Linh. Bờ biển dài hơn 3 cây số từ thôn Mạch Nước đến thôn Tân Hòa xác xơ, tiêu điều vì thứ “vàng đen” này. Con đê chắn cát dài hơn 300m thuộc thôn Tân Thuận bị những công ty khai thác titan san bằng, nay được làm mới vẫn cứ sụt lở, cây trồng giữ cát ven đê không bén nổi rễ do cát đã bị hút cạn kiệt nước...
   
  Bình Định là một trong những “vựa vàng đen” của Việt Nam, những năm 2008-2009, thời điểm đào xúc titan rầm rộ nhất, mỗi năm tỉnh Bình Định khai thác trên dưới 800.000 tấn, chưa kể khai thác lậu không khai báo. Hậu quả của việc nhắm đến “khúc nạc” titan trên tầng cát xám, ngon ăn, dễ đào là nhiều bãi biển miền Trung tan hoang. Hội chứng người người, nhà nhà đua nhau khai thác titan để lại những hậu quả khôn lường. Từ năm 2010, sản lượng quặng titan tại Bình Định đã chiếm 70% tổng sản lượng toàn quốc. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết thêm, trong năm 2012, sản lượng khai thác chế biến titan của Bình Định lên đến 450.000 tấn. Năm 2013, sản lượng dự kiến vẫn không dưới 400.000 tấn.
   
Hậu họa khôn lường
   
   
  Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh nên việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên vô cùng sôi động. Tại các tỉnh miền Trung, đã có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác. Tuy nhiên, phần lớn titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng chưa qua chế biến, do đó Nhà nước chỉ thu được khoản thuế tài nguyên ít ỏi. Không chỉ thế, lợi nhuận cao từ việc bán titan đã khiến người dân đua nhau khai thác thủ công, buôn bán tràn lan. Chảy máu tài nguyên và việc Nhà nước thất thu là bài toán không dễ giải của các nhà quản lý.
   
Thảm thực vật bị hủy hoại, nguồn nước ngầm cạn kiệt, núi cát được hình thành
tạo ra những vết sẹo lồi lõm ven biển các tỉnh miền Trung
    
   
  Titan đã trở thành cái “bẫy” khiến bất cứ ai cũng phải “sôi lên sùng sục”, từ doanh nghiệp, chính quyền, đến cộng đồng địa phương. Hậu quả là dọc các bãi biển miền Trung, công trường khai thác titan mọc lên như nấm. Việc khai thác titan tràn lan đã gây ra những hậu họa khó lường: mất rừng, mất tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe của dân chúng, và mất cả một bờ biển dài hàng trăm cây số, những dải rừng nhiều năm tuổi bị phá. Nhiều vùng quê yên ả bao năm qua, chỉ vì titan mà khắp nơi xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Việc khai thác, chế biến titan ở các tỉnh ven biển miền Trung không chỉ tàn phá rừng phòng hộ ven biển, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây nạn cát bay mà còn gây ra hậu quả hủy hoại các vùng biển lân cận.
   
  Bên cạnh đó, những hệ lụy trong việc khai thác titan ở miền Trung là khó bề giải quyết trong một sớm một chiều. Theo Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường tại miền Trung (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hậu quả là đã làm cho đất, nước ngầm một số khu vực nhiễm mặn, nhiều hecta đất cát ven biển bị đào xới; rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển bị suy thoái nặng nề; nguồn nước ngọt trong cồn cát ven biển bị ô nhiễm và nhiễm mặn; đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng…
   
  Chưa hết, trong quá trình khai thác titan, các đơn vị đã xả thải sau khai thác qua khu vực giáp biển mà không hoàn thổ sau khai thác; khai thác quá độ sâu, phạm vi cho phép đã làm thay đổi địa hình, mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở bồi lấp, có nguy cơ xảy ra hiện tượng hoang mạc hóa. Sức khỏe của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm phóng xạ trong quá trình khai thác titan.
   
  Bài và ảnh: XUÂN LAM - ANH DŨNG