Kinh tế xanh - Bước đi bền vững cho công nghiệp khai khoáng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2013

Nền “kinh tế xanh”, hay còn gọi là nền "kinh tế sạch" mà mục tiêu là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch.
   
(TN&MT) - Nền “kinh tế xanh”, hay còn gọi là nền "kinh tế sạch" mà mục tiêu là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch. Đối với nước ta, sở hữu một lượng lớn khoáng sản về chủng loại và trữ lượng. Ngành công nghiệp khai khoáng đã hình thành và đòng góp không nhỏ vào GDP cả nước, nhưng cũng là ngành công nghiệp đang bị lên án là tàn phá môi trường ghê gớm nhất. Phát triển theo hướng “xanh” sẽ là hướng đi đúng đắn, bền vững mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cần lựa chọn.
   
Báo động ô nhiễm môi trường trong khai khoáng
   
  Công nghệ khai thác khoáng sản chủ yếu ở nước ta vẫn là lộ thiên. Đặc thù của công nghệ lộ thiên là có mức độ xâm hại đến môi trường rất lớn, đặc biệt là môi trường đất. Ví dụ, ở Quảng Ninh, để khai thác bằng cơ giới ở quy mô công nghiệp được 1 tấn than bằng công nghệ lộ thiên (chỉ tính bình quân cho khâu khai thác, chưa kể đến chế biến) bắt buộc phải khoan xuống lòng đất sâu 0,3 m; nổ khoảng 3 kg mìn khối lượng đất đá thải ra lên 12 m3 vào bãi thải; bơm thải ra môi trường khoảng 2 m3 nước bẩn; thải ra 1 kg chất thải khó tiêu hủy (lốp ô tô, vỏ bình ắc quy, dầu mỡ thải...).
   
Công nghệ sản xuất gạch tuynel thân thiện môi trường
   
  Tại Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có thống kê được toàn bộ đất đá thải từ khoảng 1.000 mỏ và điểm mỏ đang khai thác, chế biến trên phạm vi cả nước. Trong số đó có các cơ sở chế biến có quy mô mức độ công nghiệp như than Quảng Ninh, sắt Trại Càu (Thái Nguyên), đồng Sin Quyển (Lào Cai), đá trắng Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái), đá trắng Quỳ Hợp (Nghệ An)... đất đá thải không chỉ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà đặc biệt nó còn đang làm biến dạng địa hình, địa chất các nơi này.
  Còn đối với những khu vực khai thác titan sa khoáng ở các tỉnh miền Trung, cường độ phóng xạ đo luôn vượt mức cho phép đang là mối lo ngại đe dọa sức khỏe cho người dân nơi đây. Theo khảo sát về khai thác và sử dụng titan ở ven biển các tỉnh miền Trung cho thấy, nếu không khai thác thì cường độ phóng xạ vùng bãi cát, cồn cát chứa quặng ở mức phông bình thường cho phép (<30 u/Rh). Tuy nhiên, khi khai thác và tuyển quặng thì cường độ tăng lên rõ rệt: Tại các bãi thu gom tinh quặng sau tuyển qua vít xoắn cường độ phóng xạ khoảng 160 - 250 u/Rh (vượt ngưỡng an toàn); trên các tuyến đường vận chuyển quặng ở mỏ cường độ phóng xạ khoảng 20-50 u/Rh. Hơn nữa, vấn đề đáng nguy hại là không an toàn phóng xạ: Cường độ phóng xạ cao nhất tại các xưởng tuyển tinh, khảo sát tại một số vực xưởng tuyến cho thấy trước xưởng tuyển 4 -50 u/Rh, cổng và dọc đường trước xưởng tuyến 125 - 220 u/Rh; trong xưởng tuyển 124 - 2175 u/Rh (vượt ngưỡng 4 - 70 lần); chỗ để tinh quặng monazit lớn hơn 3000 u/Rh (vượt ngưỡng 100 lần); khu nhà ăn của công nhân 50 - 75 u/Rh; sân trước nhà ăn 26 - 41 u/Rh (đều vượt ngưỡng an toàn)... Như vậy, trường phóng xạ tại nhiều nơi ở khu vực khai thác sa khoáng titan ven biển là khá cao và rất cao so với ngưỡng an toàn phóng xạ, khả năng phát tán phóng xạ rất lớn gây nguy hại cho sức khỏe người lao động và dân cư lân cận.
   
Tạo cơ chế để thúc đẩy kinh tế xanh trong khai khoáng
   
  Với bản chất Kinh tế xanh là một công cụ để hướng tới phát triển bền vững và do vậy, về mặt vĩ mô cần sớm có các chính sách nhằm thúc đẩy việc thực thi phát triển Kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản được đẩy mạnh. Các chuyên gia về khoáng sản đã đưa ra gợi ý một số chính sách như: Chính sách về giá, thực hiện giá sản phẩm khoáng sản theo cơ chế thị trường nhằm các mục tiêu như buộc doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ chi phí, sản lượng và chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả; Khắc phục các tiêu cực do chênh lệch giá trong nước và giá xuất khẩu gây ra, nhất là việc xuất khẩu lậu; Khuyến khích quá trình khai thác, chế biến khoáng sản nâng cao hệ số thu hồi tài nguyên; Buộc khâu tiêu dùng sản phẩm khoáng sản phải sử dụng tiết kiệm.
   
  Thứ hai, Chính sách về phí, thuế, để tránh tình trạng tổn thất tài nguyên và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thuế tài nguyên cần chuyển từ cách tính theo sản lượng khai thác sang tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, tùy thuộc vào loại hình khoáng sản. Miễn giảm thuế đối với phần trữ lượng khai thác tăng thêm tùy theo từng trường hợp, để các doanh nghiệp tăng cường công tác tận thu và tiết kiệm khoáng sản.
   
  Chính phủ cần ban hành quy chế xây dựng các trung tâm dự trữ khoáng sản đối với các loại khoáng sản chưa có điều kiện chế biến sâu. Các trung tâm này nên đặt ở các địa phương có nguồn tài nguyên lớn về khoáng sản. Nhiệm vụ của các trung tâm là tổ chức thu mua tinh quặng thô để dự trữ cho chế biến sâu và kêu gọi đầu tư để sớm tiếp nhận công nghệ và hình thành các nhà máy chế biến sản phẩm sâu.
   
Minh Anh