Tang thương trong "mắt bão"

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 02/10/2013

(TN&MT) - Miền Trung lại tiếp tục oằn mình trải qua cơn đại nạn mang tên siêu bão số 10 Wutip...
   
(TN&MT) - Miền Trung lại tiếp tục trải qua cơn đại nạn. Trận cuồng phong lớn nhất tại miền Trung nhiều thập kỷ qua mang tên Wutip đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hơn một trăm người, hàng ngàn hộ gia đình bổng trắng tay. Mặc dù đã lường trước hậu quả của siêu bão, nhưng những gì diễn ra với người dân vùng tâm bão từ Hà Tĩnh - Quảng Trị…hết sức tan thương, ngoài sức tưởng tượng.
   
Thành phố tan hoang
   
  Có thể ví trận bão Wutip(có tên gọi khác là cơn bão cánh bướm) đã oanh tạc khủng khiếp nhất của thiên tai giáng xuống miền Trung trong gần một thập kỷ qua, mà tâm điểm của nó là thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Khi bão đổ bộ vào, cả thành phố như quay cuồng trước sức gió. Tiếng gió hú như tiếng B52, tiếng kính vỡ, tiếng nhà đổ... như bom dội.
   
Nhiều hộ dân Quảng Bình rất đau đớn khi trở về sau bão không còn nhà cửa (Ảnh: CTV)
    
   
  Có mặt tại thành phố Đồng Hới sau một đêm cơn cuồng phong đi qua, chúng tôi chứng kiến cả thành phố tan hoang. Nhiều dãy phố ở các phường ven biển như Đồng Phú, Bắc Lý, Nam Lý…, trên 80% nhà dân bị tốc mái, hàng chục ngôi nhà bị sập đổ. Tuyến đường Lý Thường Kiệt cát lấp đầy, vỉa hè bị xới tung, có nhiều hố sâu hoắm như hố bom. Đường phố ngổn ngang, tắc nghẽn. Những cây cổ thụ bật gốc nằm chỏng chơ. Trụ điện gãy gục không sao đếm xuể. Cột ăng ten tín hiệu của trạm thu phát sóng thuộc Đài tiếng nói VN đóng trên địa bàn thành phố Đồng Hới bị gió quật gãy. Hè phố ngập ngụa tôn, rác, cửa kính, gạch vỡ. Những hàng cây nhỏ không đổ, bị bão vặt hết lá trơ trụi, những thân cây gầy khẳng khiu, xiêu vẹo. Điện mất, nước cúp, thông tin liên lạc tê liệt. Cả thành phố ảm đạm trong màu xám bạc.
   
  Không giấu được sự hoảng loạn, anh Nguyễn Thành Lộc (trú tại phường Đồng Phú), người chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của cơn bão hốt hoảng kể lại: "Gió biển thốc lên từng đợt, cuốn xoay tất cả mọi thứ. Vừa được một lúc thì căn nhà đổ sập xuống, gia đình tôi 4 người hoảng sợ chạy vội ra bên ngoài, nhưng gió thốc ngược lại. Cả gia đình bò lết ra được ống cống để trên đường, cả 4 người chui vào để tránh gió bão thổi cuốn ra biển. Gần 2 tiếng đồng hồ trú trong đó, dù gió đã lặng nhưng không ai dám ra, vì sợ...”.
   
Người dân dọn dẹp đống đổ nát còn lại sau bão 
    
   
  Có mặt tại khu dân cư dọc tuyến biển Nhật Lệ bão vừa đi qua, chúng tôi không khỏi bàng hoàng về những tác hại mà nó gây ra cho người dân nơi đây. Cả một dãy phố dài, với hàng trăm ngôi nhà hai bên đường ngổn ngang những tấm tôn đủ màu sắc nằm chỏng chơ dưới đất. Nhiều ngôi nhà, chỉ còn sót lại cái nền, vài miếng ván, viên gạch. Chị Nguyễn Thị Nguyệt đưa tay về phía dãy nhà đối diện - nơi căn nhà nhỏ mà hai vợ chồng chị mới xây xong đã bị bão cuốn sạch, đau lòng: "Cả mấy tấm ảnh thờ cũng bay mất tìm chưa ra". Thương cảm hơn là gia đình ông Trần Bá Dương, gia đình ông 8 người dắt díu nhau đi tránh bão. Bão tan, cả nhà kéo về thì hỡi ôi, ngôi nhà đã tan hoang.
   
  Tại phường Đồng Phú, hơn 80 % nhà dân đã bị gió cuốn phăng gần hết mái. Đến chiều qua, hàng chục người dân ở khu này còn đội mưa, bì bõm lội nước đi vớt từng tấm tôn về chắp vá mà trú qua đêm.  Hàng chục hộ gia đình sống cạnh trạm thu phát sóng của Đài TNVN được một phen hú vía vì trụ ăng-ten cao 150m không đứng nỗi trong cơn cuồng phong đã gãy ngang đè xuống làm hai người tử vong.
   
  Hôm nay, nhiều hoạt động cứu trợ đã chuyển hàng đến với người dân tâm bão do đường QL1A đã được thông trở lại. Hoạt động khắc phục hậu quả, cứu trợ tại Quảng Bình đang diễn ra hết sức gấp gáp. Sáng và chiều 3/10, lượng mưa ở Quảng Bình đã giảm, do vậy hoạt động cứu trợ khá thuận lợi. Tất cả các lực lượng trong tỉnh gồm: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công An tỉnh, sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Đoàn… đã được huy động để tiến hành khắc phục hậu quả sau bão và chuyển hàng cứu trợ đến người dân.
   
Làng quê tiêu điều sau bão
   
  Bão Wutip đi qua đã làm cho bao vùng quê bị vùi dập đến tơi bời. Làng nón lá Ba Đồn, huyện Quảng Trạch(Quảng Bình) mới hôm qua còn rộn rã tiếng chào mua, hôm nay tiêu điều xơ xác. Sông Gianh sau bão buồn tẻ, không thấy một bóng đò xuôi ngược. Các xã Quảng Hải, Quảng Tiên, thị trấn Ba Đồn biến dạng rất khó nhận ra.
   
Hậu quả mà bão Wutip để lại rất nặng nề( Ảnh: Báo Quảng Bình)
    
   
  Vượt qua cầu Quảng Hải khi mực nước sông Gianh đang lên, chúng tôi về xã Quảng Tiên trong cơn mưa sau bão. Đường quê, lối xóm ngập ngụa rác rưởi. Một vài túp lều dựng tạm sau bão làm nơi tậm trú của nhiều hộ dân càng làm cho khung cảnh thêm tan thương. Bên túp lều dựng tạm, một cụ già chừng gần tám mươi tuổi, khuôn mặt quắt queo, ánh mắt mờ đục, dường như nước mắt đã cạn khô trong đôi mắt già nua. Chỉ người đàn ông cụt chân ngồi ngơ ngác bên đống đổ nát, cụ xót xa nói: "Nhà này chỉ còn đứa cháu mười lăm tuổi là còn chút sức vóc. Tôi thì già rồi, bác nó thì thế đấy. Bão lột hết rồi. Bây chừ không biết tính răng". Hỏi ra được biết, cụ Thảo ở cùng đứa cháu ngoại và người con trai cụt cả hai chân bị bệnh tâm thần. Vốn đã túng thiếu, nghèo đói, giờ gặp cơn hoạn nạn này...
   
  Huyện Quảng Ninh không năm nào tránh khỏi thiệt hại nặng do thiên tai, cơn bão Wutip ập đến như một đòn đánh bồi, làm cho vùng đất nghèo khó này phải gánh chịu thêm bao vất vả. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Quảng Ninh, do ảnh hưởng của bão số 10, toàn huyện đã có 5 người bị thương, 30 nhà dân bị sập, trên 22.500 nhà dân và 200 trụ sở cơ quan bị tốc mái, 8 tàu thuyền trú bão bị chìm, trên 45 cột điện trung thế và 5 cột BTS bị gãy đổ, hàng nghìn m3 đất đá và hàng chục km kênh mương bị xói lở, hàng chục ngàn tấn thóc của nhân dân bị ướt. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu lên đến 456 tỷ đồng .
   
Tan hoang thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) sau bão
    
   
  Chúng tôi về huyện Bố Trạch, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử 2010 của tỉnh Quảng Bình. Tại đây, một địa chỉ thân quen mà anh em phóng viên chúng tôi đã được người dân giành trọn niềm tin đã điện báo tình hình ngay sau khi bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Thống kê sơ bộ, đến nay huyện Bố Trạch có đến 35.520 nhà bị sập và tốc mái, 1 người chết, 1 mất tích, 18 người bị thương, gần 8.000 cây cao su gãy đổ… Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 2.730 tỉ đồng.
   
  Trong những ngày này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại vùng tâm bão cùng đoàn cứu trợ, cứu nạn tiếp cận được với một số địa phương bão đi qua và chứng kiến không ít cảnh rơi nước mắt thê lương, thiếu cái ăn, cái mặc xuất hiện ở nhiều vùng quê tội nghiệp.
   
  Trao đổi nhanh qua điện thoại với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Để giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho bà con, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương bám sát địa bàn để đưa dân trở về nhà sau. Huy động các lực lượng để giúp dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Tăng cường trợ giúp lương thực, thực phẩm để giải quyết cuộc sống hàng ngày cho người dân. Các ban, ngành liên quan phải huy động lực lượng để đảm bảo giao thông, vệ sinh phòng dịch và đề phòng trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
   
        
Báo cáo sơ bộ thiệt hại do bão số 10 gây ra
        
Theo báo cáo sơ bộ của bốn tỉnh chịu thiệt hại nặng là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), bão số 10 đã làm bốn người chết (đều tại Quảng Bình) và 31 người bị thương (trong đó Quảng Bình 12 người, Quảng Trị 17 người, Thừa Thiên-Huế hai người). Bão cũng làm sập 23 nhà (Quảng Bình 6 nhà, Quảng Trị 11, Thừa Thiên-Huế 6 nhà); 4.842 nhà bị tốc mái (Quảng Bình 808 nhà; Quảng Trị 3.666 Thừa Thiên-Huế 368 nhà). Bão còn gây thiệt hại nặng hệ thống điện, làm cho các tỉnh bị ảnh hưởng của bão mất điện trên diện rộng.
        
Ngành điện lực nhiều địa phương cũng cho biết, đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, theo phương châm khắc phục đến đâu, đóng điện đến đó, để người dân có điện sinh hoạt, sửa sang lại nhà của, các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.
        
    
                                                            
   
  Bài & ảnh: Đức Cảnh - Đức Thiệu