Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ thủy lợi, thủy điện trước mùa mưa bão
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:28, 07/08/2018
Nếu vỡ đập sẽ nguy hiểm vì chưa có phương án ứng phó...
Theo tìm hiểu, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 330,2MW. Tuy nhiên, chỉ có hồ thủy điện A Lưới xây dựng phương án vỡ đập, các hồ còn lại chưa xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi hồ chứa có sự cố vỡ đập...
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, qua kiểm tra trực quan, các hồ chứa nước thủy lợi chưa phát hiện sự cố lớn, các công trình đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một số hạng mục phụ trợ bị hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp, một số công trình đường và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp.
Các hồ chứa nước thủy điện thì các chủ đập đã tiến hành lắp đặt, bổ sung camera giám sát tại các vị trí thước nước thượng lưu đập, hạ lưu đập, tại các cửa tràn... Các chủ đập phối hợp với các địa phương rà soát, cảnh báo khi vận hành, xả lũ, tuyên truyền cho người dân cách phòng chống, xử lý tình huống khi xả lũ tăng cường; rà soát kiểm tra hệ thống các trạm đo mưa, thiết bị quan trắc, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý và dự báo phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện.
Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số hồ chứa nước thủy lợi đầu tư lâu năm hệ thống quan trắc lún, thấm, bắt đầu hư hỏng nhưng chưa có kinh phí khắc phục. Số lượng hồ đã đến thời hạn kiểm định cần thực hiện 53/56 hồ nhưng chưa được kiểm định do khó khăn về kinh phí thực hiện.
“Chỉ có hồ Tả Trạch và hồ Thủy Yên vừa mới đưa vào vận hành nên các công trình đều đảm bảo. Hồ thủy điện A Lưới xây dựng phương án vỡ đập, các hồ còn lại chưa xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp hồ chứa khi có sự cố vỡ đập; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt theo các cấp báo động và kịch bản điều tiết hồ chứa. Việc cung cấp thông tin vận hành đến với người dân vùng hạ du còn chậm...”- ông Hùng thông tin.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai thi công 7 thủy điện gồm: A Lin B1, A Lin B2, A Lin Thượng, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ và Thượng Nhật; với tổng công suất lắp máy 112,5MW.
Cần chủ động
Sự cố vỡ đập tại Lào vừa qua là lời cảnh báo cho nhiều địa phương tại Việt Nam, đặc biệt là nơi có nhiều hồ thủy điện, thủy lợi như Thừa Thiên Huế.
“Nên đa dạng hình thức cung cấp thông tin trong mùa mưa bão đến người dân. Ngoài tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện truyền thống, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội tạo sự lan tỏa thông tin...”- ông Phan Thanh Hùng nhận định.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện công tác dự báo thời tiết có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án phòng chống lụt bão. Vì vậy, ông Thọ đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tăng cường các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết để từ đó chủ động trong phòng tránh, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Đối với các chủ hồ đập, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các chủ đập thủy điện xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập; các chủ đập tăng cường bố trí đầy đủ vật tư dự trữ, nguồn điện dự phòng tại đầu mối để chủ động xử lý khi có tình huống; đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc, camera để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như cần tổ chức các đợt diễn tập phòng chống lụt bão cho cán bộ, nhân viên tại các công trình thủy điện.
“Nhiều thủy điện đã vận hành, khai thác và có nguồn thu gần 10 năm, thì không lý gì không đầu tư được các thiết bị này. Các chủ hồ phải đầu tư, còn tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào, vận hành và kết nối ra sao thì các ngành chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể”- ông Thọ nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đập thủy điện cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm tốt công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn hồ đập các công trình thủy điện trước mùa mưa lũ năm 2018. Qua đó, xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những mất mát về người và tài sản.
“Một số đơn vị quản lý hồ đập vẫn chưa hoàn thành công tác trồng rừng thay thế, đề nghị triển khai nhanh, nếu không sẽ xây dựng các chế tài xử phạt. Đồng thời, các đơn vị đang vận hành cần báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo dự báo thu ngân sách trên địa bàn...”- ông Thọ nhấn mạnh.