Cần thiết quản lý nguồn tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 20:43, 16/03/2018

(TN&MT) - Để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, công bằng và bền vững cần dựa trên tiếp cận thị trường, căn cứ vào những quy luật thị trường điều chỉnh...
(TN&MT) - Để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, công bằng và bền vững cần dựa trên tiếp cận thị trường, căn cứ vào những quy luật thị trường điều chỉnh hành vi của bên sử dụng nước như yếu tố đầu vào, và bên xả thải nước như chất thải đầu ra của hoạt động kinh tế - xã hội.
 cần thiết phải quản lý tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường
Cần phải quản lý tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường (Ảnh minh họa)
Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước”, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường cần phải tuân thủ những nguyên tắc của thị trường để quản lý, một trong những nguyên tắc cơ bản là có cầu thì phải có cung, như vậy nếu xem xét khía cạnh đầu vào nước là tài nguyên thì nhu cầu đầu vào tài nguyên nước là hệ thống kinh tế và tiêu dùng nước của xã hội. Còn đối với nhà quản lý, yêu cầu nước thải ra môi trường phải đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng nước sạch buộc các đối tượng sử dụng nước phải xử lý hoặc giảm lượng nước thải ra môi trường. Công cụ điều tiết giữa cung và cầu nước trên thị trường phải sử dụng công cụ thị trường.

Đánh giá vai trò của tài nguyên nước với hoạt động kinh tế xã hội ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Đối với hoạt động kinh tế, nước đóng vai trò như một đầu vào sản xuất. Giá trị của nước là yếu tố cấu thành nên sản phẩm của các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ). Để đảm bảo mục tiêu sử dụng nước bền vững, nước cần được công nhận như một thứ hàng hóa kinh tế có giá trị kinh tế trong mọi sự sử dụng cạnh tranh.

Ở vị trí nước như chất thải đầu ra, hay là môi trường tiếp nhận nước thải cần xem xét đến những chi phí, tổn thất về môi trường nước do các hoạt động xả thải từ các hoạt động kinh tế, dân sinh trong nền kinh tế. Vấn đề nước thải phải được xem là một thành tố quan trọng của chu trình nước và cần được quản lý trong toàn bộ chu trình nước: từ việc khai thác nước ngọt, xử lý, phân phối, sử dụng, thu gom và sau xử lý để tái sử dụng cũng như bổ sung trở lại môi trường.

Lý giải sự cần thiết phải quản lý tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh cho rằng nước được coi như là một loại vốn tự nhiên thuộc sở hữu chung, chính vì vậy nếu không phân định rõ quyền tài sản về nước, cũng như phân bổ lợi ích cho các bên liên quan một cách hợp lý, sẽ dễ dẫn đến xung đột về nguồn nước. Vì tất cả các ngành đều sử dụng nước là yếu tố đầu vào. Chẳng hạn nước hồ Hòa Bình được sử dụng cho mục đích thủy điện, cấp nước nông nghiệp hạ du, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…, như vậy sẽ có những sự mâu thuẫn và xung đột khi sử dụng nguồn nước ở hồ này, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, vấn đề phân bổ thế nào cho hiệu quả.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT)
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) tại Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước”
“Sự cần thiết trên cũng thể hiện qua việc khai thác sử dụng tài nguyên thuộc sở hữu chung cần đảm bảo hiệu quả và công bằng. Trên khía cạnh hiệu quả, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước cần đảm bảo phân bổ tối ưu giữa các vùng và lãnh thổ, giữa các ngành nghề, các chủ thể trong nền kinh tế để phúc lợi xã hội đạt tối đa. Trên khía cạnh công bằng, khai thác sử dụng tài nguyên nước cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thế thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Công bằng còn thể hiện ở việc phân phối lợi ích từ tài nguyên nước. Với đặc điểm là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu chung, lợi ích nhận được từ khai thác nước cần được phân phối toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế (bao gồm cả các chủ thể hiện tại và tương lai)” - PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Thất bại thị trường trong khai thác sử dụng nước cũng dẫn tới sự cần thiết quản lý nước dựa trên tiếp cận thị trường. Thực tế cho thấy, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đang biểu hiện nhiều điểm thiếu bền vững, hay là thiếu hiệu quả và công bằng. “Các vấn đề thất bại trên khiến việc sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí và thiếu bền vững. Để sửa chữa những thất bại này, Nhà nước cần can thiệp với các công cụ thị trường nhằm điều chỉnh hành vi khai thác sử dụng nước như yếu tố đầu vào, và xả thải nước đầu ra trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội” - PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh cho biết.   

Việt Nam đã thực hiện một số công cụ chính sách quản lý dựa trên tiếp cận thị trường như: thuế tài nguyên nước; phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước; giá và trợ cấp tiền sử dụng nước; phí BVMT đối với nước thải; bồi thường thiệt hại gây ô nhiễm nước. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, quá trình thực hiện cho thấy những chính sách này còn bất cập, chưa phát huy được hết ưu thế của công cụ thị trường trong điều tiết khai thác sử dụng nước hiệu quả hơn cũng như những chế tài nhằm giảm thiểu xả thải gây ô nhiễm môi trường.

PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh cho rằng trong thời gian tới, ngành nước cần nỗ lực cải thiện và bổ sung chính sách để khắc phục tình trạng này dựa trên những nguyên lý cơ bản của thể chế kinh tế thị trường.