Tuyên Quang: Quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:08, 04/06/2019

(TN&MT) - Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chánh văn phòng Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Khoáng sản Tuyên Quang được phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và chủ yếu là các điểm mỏ phân tán nhỏ lẻ chỉ phù hợp với phát triển công nghiệp địa phương. Quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu ngân sách sẽ phục vụ đắc lực cho phát triển KT - XH địa phương.
img 20160706082055
Tuyên Quang siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Trần Liên

Tuyên Quang là tỉnh có đa dạng về khoáng sản (kim loại và phi kim loại), gồm: sắt, chì - kẽm, thiếc, mangan, antimon, barite, cao lanh - felspat... và các khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, cát, sỏi.

Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Chính phủ; ban hành các Quyết định: thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản với các tỉnh có địa giới hành chính giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên...

img 20171016092704


Công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản nói riêng luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao; qua thanh tra, kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, khoáng sản, nước và bảo vệ môi trường; phòng ngừa và ngăn chặn các dấu hiệu vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm; kiểm tra, xác minh, xử lý và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh của cơ quan báo chí; thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; do đó, việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Tỉnh Tuyên Quang không khuyến khích các dự án đầu tư có loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, lãng phí tài nguyên, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo kiên quyết không cấp phép cho các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản ven trục đường giao thông chính, khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu vực có nguy cơ tai biến địa chất, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống sản xuất của nhân dân, thực hiện điều tra, cắm mốc giới những khu vực cấm khai thác. Hạn chế và không cho phép sử dụng tàu cuốc trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông ở những nơi gần đô thị, khu dân cư và khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông.

khai thac cat song lo
Tuyên Quang đang siết chặt kiểm soát các tàu cuốc trên sông Lô. Ảnh: Hoàng Hải

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản ở một số nơi tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: bụi, tiếng ồn trong nghiền sàng, vận chuyển đá xây dựng, nguy cơ vỡ đập bãi thải khi có mưa to, lũ quyét trong khai thác quặng sắt lộ thiên,...

Để khắc phục tồn tại trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang đã xác định ngay từ công tác thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Kế hoạch bảo vệ môi trường; Phương án cải tạo, phục hồi môi trường được tuân thủ đúng quy định về phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kiểm tra trong mùa mưa lũ để kịp thời phát hiện, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có giải pháp khắc phục ngay nên đã hạn chế các sự cố môi trường xảy ra.

Phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản. Việc thực hiện cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ (lũy kế đến hết quý I/2019, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 130 dự án với tổng số tiền cấp quyền 340,9 tỷ đồng).

Quản lý chặt chẽ, có hiệu quả khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đóng góp đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến của tỉnh, như: sản xuất xi măng trên 1 triệu tấn/năm, luyện kim (luyện gang-thép 200.000 tấn/năm, mang gan 20.000 tấn/năm, luyện Antimon 800 tấn/năm), bột cao lanh-fenspat 435.000 tấn/năm, bột barite 300.000 tấn/năm, bê tông đúc sẵn… góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp.

Kết quả thực hiện các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2018 đã đạt: Giá trị sản xuất công nghiệp trong khai thác, chế biến khoáng sản 5.068tỷ đồng. Thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước 606,3 tỷ đồng (trong đó, số tiền cấp quyền đã nộp là 148,5 tỷ đồng; thuế tài nguyên và các loại thuế khác 269,4 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 188,4 tỷ đồng). Thực hiện tốt công tác quản lý khoáng sản đã tạo việc làm ổn định hằng năm, tăng thu nhập cho 1.311 lao động. Hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế  - xã hội địa phương và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.