Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái trên bán đảo Sơn Trà

Khoáng sản - Ngày đăng : 18:32, 21/05/2019

(TN&MT) - Bán đảo Sơn Trà có tiềm năng du lịch, lại là nơi sinh sống của các loài sinh vật quý hiếm, chính vì thế việc phát triển du lịch sinh thái tại đây vừa là cơ hội phát huy tiềm năng nhưng cũng là thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bán đảo Sơn Trà là “viên ngọc quý” của tự nhiên với nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, tuy nhiên việc bảo vệ và phát triển rừng vẫn là mục tiêu quan trọng nhất
Bán đảo Sơn Trà là “viên ngọc quý” của tự nhiên với nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, tuy nhiên việc bảo vệ và phát triển rừng vẫn là mục tiêu quan trọng nhất

Nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm khó khăn

Sơn Trà có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 3.609,3 ha; trong đó rừng đặc dụng là 2.536,7 ha, độ che phủ đạt 58,74%.

Bán đảo Sơn Trà có địa hình núi phức tạp, hiểm trở gây khó khăn trong công tác chữa cháy rừng. Trên bán đảo có một số tuyến đường giao thông và điểm dừng chân nằm ngay trong vùng lõi của rừng đặc dụng, chính vì vậy một số người lợi dụng tham quan trên bán đảo để thực hiện hành vi khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép, lực lượng kiểm tra rất khó xử lý. Bên cạnh đó, việc có nhiều người lên bán đảo Sơn Trà ngắm cảnh, chụp hình gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh trưởng của loài Vooc. Có nhiều loài quen với sự xuất hiện của con người nên mất đi tập tính tự nhiên dẫn đến dễ bị săn bắt.

Bán đảo Sơn Trà có phong cảnh đẹp với nhiều địa điểm chek in thú vị cho các bạn trẻ ưa khám phá, ngắm cảnh, lại phong phú và đa dạng về hệ sinh thái nên thu hút tính thám hiểm của du khách nước ngoài. Nhiều du khách đã mạo hiểm đi sâu vào rừng khi không thông thuộc địa hình, rồi cắm trại qua đêm dễ dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự, nguy cơ xâm nhập vào rừng trái phép và cháy rừng rất dễ xảy ra.

Tuy chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới biển đông, ít khô hạn hơn so với các tiểu vùng khác nhưng hàng năm bán đảo Sơn Trà luôn có nguy cơ cháy rừng cao do tác động ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch tại khu vực. Tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài, trong đó có các tỉnh khu vực miền trung nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Nhất là khu vực miếu thờ và khu du lịch tâm linh ở ven rừng thường hay cúng thắp hương, đốt giấy vàng mã… dễ phát sinh cháy rừng.

Phát triển du lịch tại Bán đảo Sơn Trà là cơ hội phát huy tiềm năng, nhưng cũng là thách thức đối với công tác quản lý nhất là công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo vệ rừng là mục tiêu tiên quyết

Tiềm năng của bán đảo Sơn Trà rất hấp dẫn để phát triển du lịch, tuy nhiên, quận Sơn Trà cũng như TP. Đà Nẵng xác định bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho bán đảo Sơn Trà mới là nhiệm vụ và mục tiêu hàng đầu. Chính vì thế, thời gian qua, việc quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện rất nghiêm túc.

Trong năm 2018, quận Sơn Trà đã hợp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Thành lập đội tuần tra liên ngành bảo vệ rừng và phòng cháy rừng với 15 thành viên.

Năm 2018, đã trồng phục hồi 1,53 ha rừng; trồng bổ sung, phục hồi1.500m2 sim
Năm 2018, đã trồng phục hồi 1,53 ha rừng; trồng bổ sung, phục hồi1.500m2 sim

Đội tuần tra liên ngành xây dựng Kế hoạch và tổ chức 70 đợt kiểm tra, truy quét ngăn chặn phá rừng, mua bán vận chuyển lâm sản động vật rừng trái phép, truy quét bảo vệ rừng. Tổ chức 308 đợt tuần tra trên các tuyến đường xung quanh bán đảo Sơn Trà, nhắc nhở du khách không cắm trại qua đêm, không sử dụng lửa tại khu vực ven biển. Lập biên bản và xử lý 12 vụ vi phạm gồm 8 vụ vi phạm các quy định chung về QLBVR và 04 vụ vi phạm quy định về quản lý động vật rừng.

Đặc biệt, một số nhà hàng quán ăn, cơ sở mua bán chim cảnh, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, các hộ dân sống ven rừng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, trồng rừng trên bán đảo Sơn Trà đã ký cam kết về bảo vệ rừng, PCCCR.

Trong năm 2018, trên bán đảo Sơn Trà không xảy ra vụ cháy nào, các đơn vị đã trồng phục hồi 1,53 ha rừng; trồng bổ sung, phục hồi 1.500m2 sim.

Năm 2019, quận Sơn Trà tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phát triển rừng gắn với quy hoạch, kế hoạch, đề án, phương án của thành phố trong năm 2019. Bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên động vật rừng, thực vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; quản lý sử dụng hài hòa tài nguyên rừng của khu bảo tồn thiên nhiên và vùng đệm cho mục đích bảo tồn thiên nhiên kết hợp du lịch sinh thái theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao độ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu đến mức thấp nhất các hành vi, vi phạm của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu thiệt hại tài nguyên rừng do các hành vi vi phạm và do cháy rừng gây ra.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng, Công an, Quân đội và địa phương trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng, PCCCR. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong việc quản lý một số hoạt động tại bán đảo Sơn Trà sau khi được phê duyệt.

Vừa qua, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cũng đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo tồn thiên nhiên, mỹ quan đô thị, kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bán đảo Sơn Trà. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, nội quy tham quan, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài sản công cộng tại bán đảo Sơn Trà thì các đơn vị phối hợp thông tin và hỗ trợ đơn vị chủ trì ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quận Sơn Trà cũng kiến nghị về lâu dài để đảm bảo quản lý, bảo vệ rừng và quản lý hoạt động du lịch sinh thái trên bán đảo Sơn Trà hiệu quả cần có phương án, giải pháp kiểm soát tốt người và phương tiện ra vào bán đảo Sơn Trà. Có chủ trương quy hoạch các điểm dừng chân tại chân núi Sơn Trà và tổ chức bán vé, sử dụng các loại xe chuyên dụng để vận chuyển cho khách lên tham quan du lịch theo các tour, tuyến nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và đồng thời có nguồn thu phí để nộp ngân sách và đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu UBND quận Sơn Trà trình dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố trong việc quản lý một số hoạt động tại bán đảo Sơn Trà.