Sơn La: Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 17:28, 31/01/2019
Năm 2018, Sở TN&MT Sơn La đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Thanh Hóa trong quản lý nhà nước về khoáng sản, vận chuyển và tàng trữ khoáng sản khu vực giáp ranh 2 tỉnh; quyết định về tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai… Ban hành quyết định bổ sung 5 điểm mỏ vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Sơn La...
Trong năm, Sở TN&MT đã tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 8 giấy phép thăm dò khoáng sản, 10 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản với 10 điểm mỏ của 9 tổ chức; đóng cửa mỏ với 3 mỏ; thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản…
Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cơ bản đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu khoáng sản, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường… với số tiền thu ngân sách năm 2018 hơn 45,3 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 4,2 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tiếp tục được đẩy mạnh. Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nơi có hoạt động khoáng sản trái phép tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn tình trạng tái hoạt động khoáng sản trái phép.
Qua đó, đã phát hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thực hiện lập biên bản và giao cho UBND cấp huyện chỉ đạo, thực hiện thu hồi các vật dụng liên quan đến các hoạt động trái phép, xử phạt hành chính theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ ở một số địa phương, như khai thác cát lòng hồ Sông Đà thuộc địa phận 3 huyện Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên; khai thác cát lòng sông Mã, huyện Sông Mã.
Công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản với các tổ chức, doanh nghiệp đã cấp phép được quan tâm triển khai đồng bộ. Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La có 39 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực do UBND tỉnh cấp, trong đó 2 giấy phép đang tạm dừng hoạt động. Qua kiểm tra và rà soát 39 giấy phép cho thấy, còn một số vi phạm như: Một số đơn vị chưa lập hồ sơ thuê đất; chưa thông báo ngày bắt đầu xây dựng mỏ và ngày khai thác, nộp thiết kế mỏ, chưa có thông báo bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; chưa thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường…
Nhìn chung, năm 2018, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt những kết quả tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân. Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản ngày càng chặt chẽ, đúng quy định, theo hướng cải cách thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với loại hình quy mô sản xuất nhỏ, như tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ, yêu cầu có giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường trong hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, cách tính và phương thức thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Sơn La kiến nghị UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật khoáng sản; công tác thanh, kiểm tra và các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường đầu tư kinh phí phục vụ các dự án điều tra cơ bản, quy hoạch lĩnh vực ngành nhằm tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Bộ TN&MT hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh, huyện.