Đắk Nông: “Hỗn loạn” tình trạng khai thác đá cây trái phép

Khoáng sản - Ngày đăng : 13:20, 30/01/2019

(TN&MT) - Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đã lợi dụng giấy phép khai thác đá xây dựng thông thường để khai thác, vận chuyển “lậu” khối lượng lớn đá bazan dạng trụ, cây đưa đi tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.
da1
Hiện trường khai thác đá cây trái phép tại thôn 10A, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil

Khai thác đá cây “lậu’

Chúng tôi đã có mặt tại thôn 10A, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, để tìm hiểu thực hư câu chuyện khai thác đá cây trái phép. Trong vai một chủ thầu xây dựng cần mua khối lượng lớn đá có quy cách để làm công trình, chúng tôi được một người đàn ông tên T (40 tuổi) dẫn vào khu vực đang khai thác đá cây. Tại đây, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng và sửng sốt trước một công trường “khai thác đá cây lậu” rất quy mô.

Trong thời gian trao đổi với ông T, chúng tôi thấy có hai xe đào cỡ lớn đang hoạt động. Một xe dùng búa để đập lấy từng cây đá (với chiều dài từ 2m - 5m, đường kính dao động từ 30cm - 60cm) trong lòng đất ra, xe còn lại có nhiệm vụ cẩu lên phía trên để xe tải vào vận chuyển đi tiêu thụ. “Đá cây ở đây khá đều và chất lượng hơn ở những nơi khác nên các thương lái thích mua ở đây hơn, về xẻ bán có giá” - ông T chia sẻ.

Qua tìm hiểu,  mỏ đá thôn 10A , xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil có quy mô hơn 17 ha. Tháng 02/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Thắng (Đắk Mil) 10,5 ha/17 ha để khai thác đá xây dựng. Riêng những khu vực còn lại đến nay chưa được quy hoạch, chuyển đổi và chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào khai thác.

da2
Xe tải vận chuyển hơn 10 cây đá chuẩn bị di chuyển ra Quốc lộ 14

Lợi dụng giấy phép

Ngoài hình thức khai thác trái phép, hàng loạt chủ mỏ đá lợi dụng cấp phép khai thác đá xây dựng để khai thác đá cây. Tình trạng này đã gây thất thoát rất lớn về thuế và tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng Phương Nam, tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác đá xây dựng vào năm 2013. Thời điểm chúng tôi có mặt, một số lượng khá đá cây đang được tập kết tại công trường khai thác.

Theo giải thích của ông Bùi Văn Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phương Nam, quá trình khai thác đá xây dựng, đơn vị chỉ tận thu đá cây với khối lượng không đáng kể. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 11/2018, Đội Phòng chống thất thu - Cục Thuế tỉnh Đắk Nông đã phát hiện Công ty khai thác một lượng lớn đá cây. Quá trình tiêu thụ số lượng đá cây này, Công ty chỉ kê khai và nộp thuế theo diện đá xây dựng. Do đó, Cục Thuế tỉnh đã lập biên bản xử lý hành chính và quyết định truy thu của Công ty hơn 120 triệu đồng tiền thuế…

Theo ông Đàm Quang Trung - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đắk Nông, hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp phép cho 25 mỏ đá cho các tổ chức, doanh nghiệp để khai thác đá xây dựng. Riêng đối với đá cây hay còn gọi là đá có hình cột trụ chưa được cấp phép. Trong quá trình khai thác đá xây dựng có lẫn đá cây nhưng các đơn vị phải thu gom, sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xác định các loại thuế, phí theo quy định mới được xuất bán.

da3
Đá cây sau khi khai thác được vận chuyển về tập kết tại một công ty

Thất thoát nguồn thuế

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Phong - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, theo quy định đá cây phải đóng thuế tài nguyên 15%, phí tài nguyên 50.000 đồng/m3. Khi xuất bán, đơn vị khai thác chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Tổng cộng, đơn vị khai thác và xuất bán đá cây phải chịu 25% thuế và phí môi trường 50.000 đồng/m3.

Hiện tại, theo Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND tỉnh Đắk Nông, 1m3 đá cây hay còn gọi là đá có hình cột trụ được tính 1,5 triệu đồng. Nếu mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có 1.000m3 đá cây (trị giá 1,5 tỷ đồng) bị khai thác, tiêu thụ trái phép, Nhà nước sẽ thất thoát khoảng 425 triệu đồng gồm tiền thuế và phí môi trường. Như vậy, mỗi tháng sẽ có khoảng 13 tỷ tiền thuế bị thất thoát.

Cũng theo ông Đàm Quang Trung - Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông, so với đá xây dựng, số tiền thu từ việc cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên đối với đá cây có giá trị rất cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được thực hiện, việc này đang tạo ra lỗ hổng làm thất thoát rất lớn tiền thuế và tài nguyên.

da4
Đá cây được vận chuyển về nhà máy cưa, xẻ để bán ra thị trường

Bất cập trong xử lý

Qua trao đối, đại diện lãnh đạo một số địa phương của tỉnh Đắk Nông tỏ ra “bất lực” trước tình trạng “khai thác đá cây lậu” như thời gian qua. Nguyên nhân, khi phát hiện khai thác trái phép đơn vị đã lập biên bản và xử lý hành chính. Tuy nhiên, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, quy định trong khâu xử lý còn bất cập, không thể xử lý dứt điểm…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện diễn ra lén lút, lợi dụng vào các ngày nghỉ như Lễ, Tết. Trong khi đó, cơ quan nhà nước với lực lượng mỏng, chỉ làm việc trong giờ hành chính nên rất khó kiểm soát vấn đề này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đàm Quang Trung cho hay: Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan liên quan, như: Công an, Thuế… phối hợp cùng xử lý. Trong đó, chú trọng xây dựng các giải pháp, biện pháp xử lý đồng bộ, đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành, địa phương nhằm tránh thất thu thuế, thất thoát tài nguyên… trên địa bàn tỉnh.