Lâm Đồng: Báo động tình trạng san gạt, khai thác đất trái phép tại Đạ Huoai

Khoáng sản - Ngày đăng : 16:26, 22/11/2018

(TN&MT) - Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản tạm ngưng thực hiện Quyết định số 1498 ngày 6/7/2017 quy định tạm thời về “san gạt, cải tạo mặt bằng...

 

(TN&MT) - Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản tạm ngưng thực hiện Quyết định số 1498 ngày 6/7/2017 quy định tạm thời về “san gạt, cải tạo mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng công trình phụ trợ sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh”, UBND huyện Đạ Huoai đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cùng thực hiện. Tuy nhiên hiện tại, ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đạ Huoai nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn bất chấp tiến hành san gạt, khai thác đất trái phép để trục lợi làm ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận.

Máy xúc vô tư san gạt đồi ngay chân đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi)
Máy xúc vô tư san gạt đồi ngay chân đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi)


Diễn ra tràn lan
 

Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) được đánh giá là một trong những địa phương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo ngưng các hoạt động san gạt, cải tạo và khai thác đất trái phép, tuy nhiên hiện nay, tình trạng này vẫn diễn ra ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn.
 

Vào giữa tháng 11, phóng viên (PV) đã có chuyến thực tế ghi nhận tình trạng san gạt, khai thác đất trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Qua đó cho thấy, tình trạng máy múc, xe chở đất vẫn liên tục hoạt động công khai nhưng không thấy các cơ quan chức năng địa phương có biện pháp ngăn chặn xử lý. Điển hình là địa bàn thị trấn Mađaguôi, theo thống kê sơ bộ của PV đang có ít nhất 7 điểm khai thác, san gạt đất hoạt động.

Thời điểm PV có mặt ghi hình ảnh, tại các tổ dân phố 3, 4 và 5 (thị trấn Mađaguôi) có nhiều quả đồi đang bị “xẻ thịt”. Trong đó, tại tổ dân phố 4 có 1 điểm khai thác đất với 2 máy xúc hoạt động liên tục và có khoảng 10 xe ben mang BS các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai liên tục ra vào chở đất.

Theo người dân địa phương, điểm múc đất này hoạt động công khai nhiều tháng nay. Nhưng khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra thì họ ngừng hoạt động, xong xuôi mọi chuyện lại “đâu vào đấy”. Ông N.N.G (Nguyễn Ngọc Giao - xin được dấu tên), ngụ tổ 4 (thị trấn Mađaguôi) phản ánh: “Suốt nhiêu tháng qua xe chở đất liên tục hoạt động, nhưng hầu hết đều không che bạt khiến đất đổ đầy đường. Chúng tôi không biết quy định của Nhà nước thế nào, nên họ múc đất trong đồi bà con không có ý kiến. Song trình trạng xe chở đất tha bùn đỏ đổ đầy tuyến đường 30/4 khiến bụi bặm mịt mù và gây trơn trượt làm ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con thì chúng tôi không thể chấp nhận. Thờ gian qua, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương về tình trạng này, nhưng đến nay vẫn không thấy chuyển biến gì. Vì thế, bà con chúng tôi rất bức xúc”.

Một điểm múc đất bên cạch Quốc lộ 20 (địa bàn xã Hà Lâm) ngang nhiên hoạt động
Một điểm múc đất bên cạch Quốc lộ 20 (địa bàn xã Hà Lâm) ngang nhiên hoạt động


Tương tự tại tổ dân phố 5, một quả đồi rộng hàng ngàn mét vuông đang bị đào đứt làm đôi. Với lượng đất đã được khai thác vận chuyển đi nơi khác thì điểm khai thác này đã diễn ra nhiều năm nay. Điều đang nói, thời điểm PV tiếp cận tại hiện trường có 6 xe ben mang BS tỉnh Đồng Nai liên tục ra vào chở đất. Qua tìm hiểu, quả đồi đang bị “xẻ thịt” là của một người tên Thông. Trong vai một người đi mua đất san lấp mặt bằng, chúng tôi đã tiếp cận được với ông Thông. Theo như lời ông Thông, phần đất ông đang xây dựng nhà xưởng cũng thuộc quả đồi đang đào nhưng giờ đã được san phẳng. Nếu múc hết quả đồi này, chắc phải mất ít nhất gần 1 năm nữa. Để bán được đất chắc chắn gia đình ông Thông phải lót tay” cho những người có trách nhiệm. Còn không thì còn “khuya” họ mới cho múc.
 

Trong khi đó, 2 điểm khai thác, san gạt đất tại tổ dân phố 3 nằm sát bên cạnh Quốc lộ 20 nhưng máy múc, xe ben vẫn liên tục hoạt động như chỗ không người. Trong đó, điểm múc đất nằm sát bên cạnh Tượng đài Liệt Sỹ huyện Đạ Huoai đã bị cày xới, khoét sâu rộng hàng ngàn mét vuông. Còn điểm san gạt tại chân èo Chuối, chiếc xe múc vô tư leo lên đỉnh đồi san gạt ăn sâu vào một quả đồi rộng lớn.
 

Một điểm múc đất bên cạch Quốc lộ 20 (địa bàn xã Hà Lâm) ngang nhiên hoạt động


 

Cùng với thị trấn Mađaguôi, thì xã Hà Lâm là một trong những địa phương để xảy ra tình trạng khai thác đất “báo động”. Bắt đầu từ khu vực giáp với thị trấn Mađaguôi đến trung tâm xã Hà Lâm có ít nhất 5 điểm san gạt, múc đất công khai nằm ngay mặt Quốc lộ 20. Thực tế cho thấy, hầu hết xe chở đất tại các điểm này đều là xe của các Công ty và tất cả đều không phủ bạt ngang nhiên chạy trên Quốc lộ. Tuy nhiện khi làm việc với chúng tôi, ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, cho hay: “Những điểm múc đất anh đang đề cập là do người dân múc để làm nhà và các điểm tập kết trái cây. UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng rất khó để cấm. Như tôi được biết, thì họ đều đóng phí san gạt và phí môi trường cho cơ quan thuế của huyện. Không tin thì anh để chúng tôi cho người dẫn anh tới các chỗ đang múc để thực tế”.
 

Xe chở đất không phủ bạt ngang nhiên chạy trên Quốc lộ 20
Xe chở đất không phủ bạt ngang nhiên chạy trên Quốc lộ 20


Cơ quan chức năng đã vào cuộc?
 

Liên quan đến hoạt động san gạt, khai thác đất tại địa phương, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) huyện Đạ Huoai. Theo ông Bình, sau khi UBND tỉnh có Văn bản chỉ đạo tạm ngưng các hoạt động liên quan đến san gạt, cải tạo đất thì trên địa bàn có 5 điểm múc đất đã được huyện Đạ Huoai ban hành văn bản cấm hoạt động. Đồng thời, Phòng TN - MT cũng đã ban hành hơn 10 văn bản tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và quản lý hoạt động san gạt, múc đất trên địa bàn. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp không tuân thủ quy định đã được cơ quan chức năng lập biên bản xử lý. “Do nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, nên việc các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm trong việc san gạt, múc đất trên địa bàn vi phạm các quy định là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên cơ quan chức năng rất khó liểm soát. Ngoài việc trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thì Phòng cũng đã phân công nhiệm vụ tới các xã, thị trấn để cùng thực hiện. Vì vậy, nếu các địa phương để xảy ra vi phạm thì phải chịu trách nhiệm chứ chúng tôi không quản lý hết được. Còn tình trạng xe chở đất không che bạt làm đường bụi bặm, trơn trượt là trách nhiệm của cơ quan công an” - ông Bình cho biết.

Xe chở đất ra vào tấp nập tại một điểm khai thác đất thộc tổ dân phố 3 (thị trấn Mađaguôi)
Xe chở đất ra vào tấp nập tại một điểm khai thác đất thộc tổ dân phố 3 (thị trấn Mađaguôi)


Cũng theo ông Bình, thời gian qua, địa phương đã nhiều lần gửi tờ trình và báo cáo thăm do các vị trí khai thác đất tới UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành liên quan để xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, đến hiện tại tất cả các tời trình, báo cáo thăm dò mà địa phương đã gửi vẫn chưa có hồi âm. Mặc dù huyện luôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nhưng rất khó cấm triệt để.
 

Xe chở đất ra vào tấp nập tại một điểm khai thác đất thộc tổ dân phố 3 (thị trấn Mađaguôi)


Như vậy, bên cạnh thị trấn Mađaguôi và xã Hà Lâm thì tại hầu hết các xã Đạ P’Loa, Phước Lộc, Mađaguôi, Đạ M’ri và thị trấn Đạ M’ri… tình trạng san gạt, khai thác đất trái phép vẫn diễn ra báo động, nhưng không được cơ quan chức năng can thiệp, xử lý. Trong khi chờ UBND tỉnh Lâm có văn bản chỉ đạo tiếp theo, thiết nghĩ huyện Đạ Huoai cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã và đang diễn ra trên địa bàn.