Nghệ An: Khó khăn trong quản lý khai thác cát trái phép ở miền núi

Khoáng sản - Ngày đăng : 16:35, 24/10/2018

(TN&MT) - Những  năm qua, việc quản lý hoạt động khai thác cát trái phép ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn do nhiều lý do. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng cát để xây dựng dân dụng cũng như các công trình khác khá lớn nhưng lại không có mỏ cát nào được cấp phép.

Tại các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… với đặc thù đồi núi cao, các sông suối nhỏ và có độ dốc lớn nên trữ lượng cát tại các khu vực này rất ít, thậm chí hiếm. Để có được cát phục vụ xây dựng, người dân phải mua cát từ các huyện miền xuôi hoặc là tự ra khe, suối để xúc tay hoặc hút trộm cát về phục vụ nhu cầu xây dựng.

Do không có cát phục vụ công trình nên tại sông Nậm Việc, xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) từng xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép
Do không có cát phục vụ công trình nên tại sông Nậm Việc, xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) từng xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép
 

Đơn cử như tại huyện Kỳ Sơn, tại các xã như Hữu Kiệm, Mỹ Lý… người dân thường hay xuống sông Nậm Mộ để xúc cát lên xe về dùng. Trung bình để xúc đầy được 1 xe cát thì từ 4-5 lao động cũng mất hàng tiếng đồng hồ. Và việc lấy cát nói trên cũng chỉ là khai thác trái phép.

Anh Lữ Văn Luân, làm nghề kinh doanh cát sỏi ở huyện Kỳ Sơn, cho hay: Lượng cát ở các sông suối trên địa bàn huyện Kỳ Sơn là quá nhỏ nên không đủ trữ lượng theo quy định để được cấp mỏ. Ở đây người dân chủ yếu đi hút trộm cát tại các khe suối theo quy mô nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu dân sinh. Do nhu cầu của người dân nên tôi thuê đất mở bến kinh doanh cát sỏi trên địa bàn, lượng hàng tôi phải mua tận dưới huyện Anh Sơn cách xa hàng trăm cây số nên chi phí vận chuyển lớn, giá cát cũng phải cao gấp đôi, gấp 3 so với giá gốc.

Tại lòng hồ thủy điện trên sông Nậm Mộ (huyện Kỳ Sơn) cũng từng xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép
Tại lòng hồ thủy điện trên sông Nậm Mộ (huyện Kỳ Sơn) cũng từng xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép
 

Còn tại huyện Quế Phong, tình trạng khai thác cát trái phép cũng đang diễn ra ở nhiều xã như Châu Kim, Quế Sơn, Cắm Muộn, Châu Thôn…

Theo ghi nhận của PV, tại các con sông ở Châu Thôn, Cắm Muộn luôn có sắn những bè tre có lắp máy hút và ống hút cát lên bờ. Ở những địa điểm này, cứ có xe đến “lấy hàng” thì chủ máy mới ra hút trực tiếp lên xe bán cho khách nên cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện kịp thời để xử lý vì thời gian diễn ra khá nhanh theo kiểu… “du kích”.

Bè và máy hút cát trái phép tại lòng đập thủy điện Châu Thắng trên địa bàn xã Quế Sơn (huyện Quế Phong) mới đây
Bè và máy hút cát trái phép tại lòng đập thủy điện Châu Thắng trên địa bàn xã Quế Sơn (huyện Quế Phong) mới đây
 

Tại khu vực lòng đập thủy điện Châu Thắng (thuộc xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) có một bãi tập kết cát ngay ven bờ. Phía dưới lòng đập là một bè nứa và một máy DongFong công suất lớn cùng với vòi cát có đường kính khoảng 15cm dài hàng chục mét từ dưới bè lên bờ để thường xuyên hút cát lên bán. Theo tìm hiểu của PV, điểm khai thác cát này chủ yếu của một cá nhân người bản địa làm để bán cho các nhà thầu thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc đang xây dựng ngay gần đó.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Châu - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, cho biết: “Vấn đề khai thác cát trái phép trên địa bàn của xã Quế Sơn chúng tôi tiến hành kiểm tra và xử lý thường xuyên. Thời gian qua hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã được dẹp bỏ”. Tuy nhiên, sau khi PV cho xem hình ảnh máy hút cát đang khai thác cát trái phép trong lòng đập thủy điện Châu Thắng, thuộc địa bàn xã này thì ông Châu mới biết và lấy điện thoại gọi cho cán bộ cấp dưới để kiểm tra thực tế.

Cát được bơm trực tiếp lên xe và tập kết ngay cạnh bờ đập thủy điện Châu Thắng
Cát được bơm trực tiếp lên xe và tập kết ngay cạnh bờ đập thủy điện Châu Thắng
 

Cũng theo ông Châu, việc xử lý khai thác cát trái phép trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nơi thường diễn ra khai thác cát lại xa khu dân cư, xa trung tâm xã nên nhiều khi không cập nhật được hết tình hình. Hơn nữa, nhu cầu cát xây dựng của người dân là thường xuyên, trong khi địa bàn huyện Quế Phong không có mỏ cát nào được cấp phép nên cũng gây khó khăn cho địa bàn.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng cho rằng, việc địa phương không có mỏ cát nào được cấp phép cho doanh nghiệp là khó khăn lớn cho người dân, cho doanh nghiệp trong nhu cầu xây dựng. Vì thế, địa phương thường xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép tại các sông suối để đáp ứng nhu cầu xây dựng nên công tác quản lý nhà nước về vấn đề này cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn, khó mà triệt để được.

Ông Phan Sỹ Thắng - Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn, kiến nghị: “Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình sông suối nhỏ và dốc nên trữ lượng cát xây dựng không đủ để cấp mỏ nên UBND tỉnh Nghệ An cần có cơ chế đặc thù cho phép địa phương tiến hành tận thu cát từ lòng hồ các nhà máy thủy điện để phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương, vừa bình ổn giá cát vừa ngăn chặn được hiện tượng khai thác cát trái phép nhỏ lẻ kéo dài niều năm qua”.