Gia Lai: Vẫn “nóng” khai thác khoáng sản trái phép

Khoáng sản - Ngày đăng : 12:32, 11/09/2018

(TN&MT) - Trước việc liên tiếp phát hiện nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn các huyện của tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn gửi ngành chức năng của tỉnh, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý khoáng sản trên địa bàn.
LAI1
Bãi đá chẻ trái phép tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai) đang chờ chở đi tiêu thụ

Theo ông Thái Anh Tuấn - Phó phòng TN&MT huyện Ia Grai, tháng 6/2018, Đoàn liên ngành do Sở TN&MT tỉnh Gia Lai phối hợp với Phòng TN&MT huyện Ia Grai tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn và phát hiện 02 đống đá chẻ vô chủ với khối lượng khoảng 300 - 500 viên đá chẻ tại lòng hồ thủy lợi Ia Hrung. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và tịch thu tang vật giao lại cho UBND xã Ia Hrung quản lý và xác định đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên sau đó, do mưa lớn, lượng nước dưới lòng hồ thủy lợi dâng cao, xã Ia Hrung không có căn cứ để tìm ra đối tượng vi phạm. UBND huyện Ia Grai đã kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Ia Hrung, Công an xã và cán bộ địa chính môi trường xã Ia Hrung. Vụ việc cũng đã được UBND huyện Ia Grai báo cáo UBND tỉnh Gia Lai.

Huyện Ia Grai là địa bàn thường xuyên phát hiện khai thác khoáng sản trái phép. Điều đáng nói, các đối tượng sau khi bị phát hiện và xử lý vì khai thác khoáng sản trái phép thì lại tiếp tục tái diễn vi phạm. Việc khai thác khoáng sản trái phép làm thất thoát tài nguyên và ảnh hướng lớn đến môi trường quanh khu vực. Nhiều địa điểm khai thác để lại hố sâu, không được phục hồi môi trường, gây mất an toàn cho người dân xung quanh.

Đầu tháng 8/2018, Phóng viên Báo TN&MT đã phát hiện và phản ánh về bãi khai thác cát trái phép với khối lượng 380m3 tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh). Địa điểm khai thác nằm tại vùng giáp ranh 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đối tượng vi phạm là người dân xã Ia Khươl và bắt đầu hút cát từ khoảng ngày 19/7/2018. Tuy nhiên, Tổ kiểm tra, truy quét khai thác khoáng sản trái phép do xã Ia Khươl thành lập trước đó lại không phát hiện ra bãi khai thác cát trái phép này.

Vụ việc kéo dài, đưa ra nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo xã Ia Khươl (Gia Lai) và xã Hòa Bình (Kon Tum) để tìm phương án xử lý. Tuy vậy, đến ngày 11/9/2018, ông Trần Quốc Nghị - Chủ tịch UBND xã Ia Khươl cho biết, hiện tại cả 02 bên vẫn chưa thể thống nhất được phương án xử lý cho vụ việc này.

LAI2
Bãi hút cát trái phép khối lượng lớn bị phát hiện tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh

Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp trên địa bàn như hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1906/UBND-CNXD gửi các ngành chức năng của tỉnh, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, giám sát UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong đó, chú trọng công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở các địa phương.

Cùng với đó, Sở TN&MT phải triển khai chế độ báo cáo, thông tin tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu rõ thông tin số vụ việc phát hiện; hình thức xử lý; tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với vụ việc được phát hiện bởi các phương tiện thông tin đại chúng thì phải kiểm tra phản ánh và thông tin lại kết quả kiểm tra cho các cơ quan thông tin truyền thông.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, có kế hoạch kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý. Đặc biệt là các vị trí có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa bao giờ hết “nóng” tại tỉnh Gia Lai, mặc dù, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý liên tục đưa ra nhiều biện pháp, văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát về vấn đề này. Như vậy, công tác quản lý khoáng sản tại tỉnh Gia Lai vẫn chưa thật sự chặt chẽ nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các vụ khai thác khoáng sản trái phép diễn ra. Tài nguyên khoáng sản và ngân sách Nhà nước vẫn bị thất thoát, mà môi trường thì vẫn bị xâm hại.