Hoài Ân (Bình Định): Tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 20:54, 18/08/2018

(TN&MT) - Thời gian gần đây, UBND huyện Hoài Ân và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong ngăn chặn, xử lý các...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, UBND huyện Hoài Ân và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác cát, đất trái phép; dần dần đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương vào trật tự, đúng quy định pháp luật.
 

mot diem mo khai thac cat
UBND huyện Hoài Ân triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ; từng bước đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương vào trật tự, đúng quy định pháp luật (Ảnh: Một điểm mỏ khai thác cát tại xã Ân Thạnh).


Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện có 25 điểm mỏ cát lớn, nhỏ nằm dọc theo sông Kim Sơn và Lại Giang. Trong đó, sông Kim Sơn có 16 điểm mỏ thuộc địa phận các xã Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa; sông Lại Giang có 9 điểm mỏ phân bổ tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ.

Trong số 25 điểm mỏ cát có 15 điểm mỏ nằm trong quy hoạch khai thác thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của UBND tỉnh. Những điểm mỏ cát còn lại quy mô nhỏ, chưa được cấp thẩm quyền cấp phép; chủ yếu chính quyền địa phương tạo điều kiện để người dân khai thác làm nhà ở và xây dựng các công trình dân sinh.

Khoảng 2 - 3 năm trước đây, khi ngành chức năng và chính quyền các địa phương chưa “siết” việc quản lý, tình trạng người dân lén lút khai thác cát trái phép thường xuyên diễn ra. Thực trạng này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, mà còn dẫn đến việc sạt lở đất ven sông, suối và ảnh hưởng môi trường.

Nguyên nhân là do các điểm mỏ cát có quy mô nhỏ, phân tán, địa tầng mỏ mỏng; người dân địa phương thường “tranh thủ” khai thác bằng phương pháp thủ công để phục vụ mục đích dân sinh. Ngoài ra, một số xã, thị trấn chưa sâu sát trong việc quản lý, ngăn chặn; chưa kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân, cho biết: Trước thực trạng trên, UBND huyện xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thành lập Ban chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện. Kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoạt động khai thác đất, cát trái phép; vận động người dân tham gia bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; cam kết không khai thác đất (đất đồi, đất ruộng) khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, Phòng TN-MT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các cuộc kiểm tra chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường trong hoạt động khoáng sản. Chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra và tham mưu đề xuất UBND huyện xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.

UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát; xây dựng barie đóng cửa các điểm mỏ cát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép. Đơn cử, xã Ân Đức đóng 4 điểm, Ân Tường Tây đóng 2 điểm, Ân Mỹ đóng 2 điểm, Ân Tín đóng 1 điểm… Ngoài ra, các địa phương phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các ban, ngành của huyện trong việc kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBNBD huyện Hoài Ân, nhìn nhận: Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc kiểm tra, giám sát nên thời gian gần đây, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện từng bước đi vào trật tự, đúng quy định pháp luật. Hiện trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, các đơn vị đều khai thác đảm bảo mốc giới, tuân thủ quy trình khai thác; không gây sạt lở, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống dân sinh. Những điểm mỏ cát quy mô nhỏ, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép khai thác cũng được UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ.

“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân và các tổ chức nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với chính quyền cơ sở trong quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản nói chung, hoạt động khai thác cát nói riêng. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ khoáng sản, tránh thất thoát tài nguyên”, ông Nguyễn Hữu Khúc nhấn mạnh.