Yên Dũng - Bắc Giang: Lợi dụng dự án để khai thác đất sét trái phép?

Khoáng sản - Ngày đăng : 23:01, 21/12/2017

(TN&MT) - Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác đất sét trái phép  tại khu đất  dự án làm mặt...

 

(TN&MT) - Mặc dù các cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu dừng mọi hoạt động khai thác đất sét trái phép  tại khu đất  dự án làm mặt bằng của Công ty TNHH Lian Tech tại xã Yên Lư. Tuy nhiên,  một số đối tượng vẫn  ngang nhiên cho máy xúc, ô tô vào khai thác đất trái phép mang đi bán, bất chấp lệnh cấm(?!).
 

Đất sét đang được chuyển lên ô tô ở khu đất của dự án Công ty Lian Tech.
Đất sét đang được chuyển lên ô tô ở khu đất của dự án Công ty Lian Tech.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thước, Chủ tịch xã Yên Lư cho biết: Nhận được phản ánh về việc khai thác và vận chuyển đất đi nơi khác tại khu đất  dự án của công ty TNHH Lian Tech, thôn Vân Lư, xã đã báo lên các cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng và cử cán bộ địa chính xã kết hợp với các phòng ban của huyện xuống lập biên bản  và đình chỉ việc khai thác đất trái phép trong dự án của công ty này.

 

Trước đó, ngày 24/10/2017 Phòng TN&MT huyện Yên Dũng phối hợp với UBND xã yên Lư tiến hành kiểm tra thực tế tại khu đất  dự án của Công ty TNHH Lian Tech phát hiện có 1 máy xúc nhãn hiệu Komatsu PC 300LC của Cty TNHH Xây dựng Đăng Dương đang thực hiện mức đất sét trong khu vực dự án. Theo báo cáo của Giám đốc Cty Đăng Dương ông Vũ Anh Tuấn cho biết: Cty đang thực hiện san lấp mặt bằng cho công ty TNHH Lian Tech, trong quá trình thực hiện có bóc tách lớp đất mầu trước khi đổ đất san lấp mặt bằng, tại vị trí công ty TNHH Lian Tech dựu kiến xây dựng ao nhân tạo( gần cuối khu đất dự án), có mức sâu so với mặt bằng, diện tích khu vực đã đào xúc khoảng 500m2 (20m x 15m và 10m x 20m, chiều cao trung bình khoảng 1m), một phần đất sét đào lên đã được vận chuyển đến nhà máy gạch Thạch Bàn (Cty Cổ phần gạch gói Thạch Bàn), một phần chất tải tại bờ sông Cầu, thôn Đông Hương xã Nham Sơn, cạnh cầu Yên Dũng. Tại buổi làm việc Phòng TN&MT đã yêu cầu Công ty Đăng Dương dừng ngay hoạt động vận chuyển đất ra khỏi khu vực dự án của Cty Lian Tech...
 

Hiện trường vụ khai thác đất.

 

Từ kết quả kiểm tra thực tế trên, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đề nghị UBND xã Yên Lư phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển đất trái phép trên địa bàn ... Trường hợp để xảy ra tái phạm việc khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Yên Lư phải chịu trách nhiệm kiểm điểm về các nội dung nêu trên.

 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Đăng Dương dừng ngay hoạt động vận chuyển đất ra khỏi khu vực dự án của Cty Lian Tech. Mục sở thị yại khu đất phóng viên thấy tình trạng khai thác đất sét ở đây vẫn đang hoạt động khai thác bình thường, một máy xúc đang múc đất sét lên ô tô. Nhiều ô tô ra vào để “ăn” đất, đất được chở xuống cảng gần cầu Yên Dũng để chuyển lên thuyền chở đi tiêu thụ. Tại hiện trường cả một khu đất bị đào bới toang hoang có chỗ sâu đến 5m để khai thác đất sét.
 

Tại hiện trường, những người khai thác đất  ở đây cho biết: Công ty đang làm san lấp mặt bằng cho dự án của Cty Lian Tech, đất sét ở đây khai thác lên bán cho các nhà máy gạch sau đó lại chở đất về để san lấp lại để ăn chênh lệch từ từ việc khai thác đất.
 

Hiện trường vụ khai thác đất.


 

Tiếp tục điều tra, phóng viên được người dân tố cáo cho biết: Thời gian qua, dù nhiều khối đất sét được khai thác trái phép và việc khai thác được thực hiện trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ xử lý theo kiểu “nửa vời”. Lợi nhuận từ việc khai thác đất sét là rất lớn, song mức xử phạt hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức răn đe, nên doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, bên cạnh tăng mức xử phạt, thì cần phải truy thu khối lượng khoáng sản đã khai thác, và xử lý trách nhiệm đối với chính quyền địa phương để buông lỏng quản lý mà nơi quản lý đầu tiên là UBND xã Yên Lư, nơi để xảy ra tái phạm việc khai thác đất sét trái phép. Tiếp đó là trách nhiệm của UBND huyện Yên Dũng, trách nhiệm của lãnh đạo huyện đến đâu khi để xảy ra vấn nạn này?.
 

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Đối với dự án, nếu chủ dự án không thực hiện đúng nội dung của dự án, thì trách nhiệm xử lý phải thuộc về UBND tỉnh Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm xử lý vấn đề, tránh tình trạng lợi dụng dự án được cấp phép rồi đi đào đất sét mang bán là việc làm trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản. Đã đến lúc UBND tỉnh Bắc Giang cần cũng phải xem xét để  đình chỉ dự án, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Nếu vẫn bất chấp pháp luận vi phạm nhiều lần thì phải thu hồi dự án.  Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như cảnh sát kinh tế, thuế cũng cần phải vào cuộc làm rõ các đối tượng là các doanh nghiệp gạch đang tiêu thụ đất trái phép, do người khác nhặt nhạnh mà có, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, luật sư Hà Thị Thanh nhấn mạnh.
 

Cũng theo điều tra của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian qua có khá nhiều đối tượng, đầu nậu, lợi dụng việc có giấy phép “đào ao, thả cá” để hoạt động khai thác đất trá hình. Cũng do khai thác đất trái phép lãi lớn nên nhiều cá nhân, đơn vị mặc dù đã bị cơ quan chức năng phát hiện và đình chỉ nhưng vẫn cố tình lén lút tiếp tục khai thác đất trái phép ngay tại nơi trước đây đã vi phạm, bất chấp pháp luật.
 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần kiên quyết, xử lý nghiêm tình trạng này trước khi quá muộn. Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.