Quảng Nam: Người dân mòn mỏi chờ “sổ đỏ” đất lâm nghiệp

Đất đai - Ngày đăng : 17:03, 17/06/2019

(TN&MT) - Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015-2020 được ban hành, hiệu lực từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ bìa đỏ) đất lâm nghiệp đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.
Việc chậm cấp GCNQSD đất đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng
Việc chậm cấp GCNQSD đất đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng

Hệ lụy từ bản đồ sai

Quảng Nam có hơn 700.000 ha diện tích đất lâm nghiệp (chiếm 69,9% diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó diện tích có rừng trong quy hoạch 3 loại rừng là 559.658ha, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du. Hiện tỉnh đang triển khai bảo vệ rừng theo nhiều chính sách với tổng diện tích 366.475 ha, chiếm 81,4% diện tích rừng tự nhiên hiện có. Trong đó, diện tích rừng thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP là 64.410ha.

Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, người dân ở miền núi tỉnh Quảng Nam sẽ được hưởng lợi rất đáng kể, bởi đối tượng được áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, gồm: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm với diện tích tối đa 30ha một hộ gia đình. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung tối đa không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Ngoài ra, còn có trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy với định mức 15kg gạo/khẩu/tháng và tối đa không quá 7 năm.

Nhưng, điều kiện để người dân nhận được những mức hỗ trợ nói trên là bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Tuy vậy, ở tỉnh Quảng Nam, chỉ một số ít người dân có được sổ đỏ, còn lại là vẫn canh tác trên diện tích đất chưa được công nhận. Nguyên nhân được xác định là bị sai số liệu bản đồ đo đạc theo tỉ lệ 1/10.000. Sự sai lệch này bắt đầu từ việc thực hiện đo vẽ chi tiết bằng thiết bị GPS cầm tay.

Ông Hồ Văn Sơn (45 tuổi, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, nhiều năm nay gia đình ông chưa được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp. Điều này đã gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế từ rừng của gia đình.  

“Địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi ngân hàng để trồng rừng, nhưng khi rừng đến tuổi khai thác thì bị làm khó. Vì chính quyền yêu cầu phải chứng minh được rừng trồng trên đất có nguồn gốc rõ ràng”- ông Sơn cho hay.

Tại huyện Nam Trà My, tính đến năm 2011, tổng hồ sơ được lập 10/10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My là 1.695 hồ sơ, nhưng số sổ đỏ đã cấp cho người dân mới chỉ 731. Đây cũng là lý do khiến người dân rất khó tiếp cận ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, sở dĩ việc chậm đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí, cần ít nhất 8 tỷ đồng để thực hiện.

Cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bảo vệ rừng
Cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bảo vệ rừng

Sớm đo đạc, chỉnh lý lại

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, ngoài khó khăn thiếu kinh phí cho đo đạc, tính pháp lý khi đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp còn gặp trở ngại lớn là ranh giới giữa thực tế quản lý và trong hồ sơ không thống nhất, đặc biệt là quy hoạch 3 loại rừng. Với tỷ lệ sai sót lớn trong sổ đỏ, đất lâm nghiệp đã cấp dễ phát sinh tranh chấp giữa các hộ khi thực hiện chi trả.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay,trước năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam được Bộ Tài nguyên Môi trường chuyển giao một dự án phiên bản đồ vệ tinh 1/10.000. Trên cơ sở bản đồ vệ tinh đó, toàn tỉnh Quảng Nam lập thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là khu vực miền núi.

Sau khi mọi thủ tục hoàn thành và đem sổ đỏ phát cho người dân thì xảy ra trường hợp không phù hợp với thực tế đất đai mà người dân đang sử dụng. Do vậy, nhiều địa phương đã ban hành sổ đỏ nhưng không phát cho người dân được. Toàn bộ số sổ bìa đỏ này đang được các địa phương cất giữ.

Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo giao chính quyền các huyện tổng hợp lại nhu cầu cần cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho người dân và lên kế hoạch thực hiện hàng năm để gửi về Sở TN&MT. Các Sở TN&MT, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư sẽ phối hợp xác định nguồn bố trí thực hiện hàng năm để báo cáo về UBND tỉnh Quảng Nam để đưa ra quyết định.

“Để giải quyết các vướng mắc, tỉnh Quảng Nam sẽ dùng nguồn kinh phí 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để chuyển về cho các địa phương thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý.”- ông Lê Trí Thanh khẳng định.

Hiện nay, các địa phương đã tổng hợp xong số liệu và gửi về Sở TN&MT. Đồng thời, Sở TN&MT cũng làm việc với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư để chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên ở các khu vực: Rừng sản xuất của người dân nhưng ở giáp với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Nhà nước để phân định rạch ròi đất được cấp sổ đỏ của người dân với đất được cấp sổ đỏ của Nhà nước; Những khu vực có liên kết trồng cây cao su giữa doanh nghiệp với người dân góp đất để trồng cây cao su để thực hiện hợp đồng hợp tác cho đúng.

Thực tế trong công tác bảo vệ rừng tại Quảng Nam cho thấy, rừng và đất lâm nghiệp là công cụ sản xuất quan trọng nhất đối với người dân miền núi, đặc biệt là với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Nhằm đảm bảo cho người dân có đất sản xuất, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tỉnh Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.