Thái Nguyên: Chỉnh trị sông Cầu, phát huy tài nguyên đất đai phát triển kinh tế

Đất đai - Ngày đăng : 12:17, 10/05/2019

(TN&MT) - Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên thống nhất cao bằng Kết luận 59-KL/TU, ngày 07/10/2016 và được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua Nghị quyết 25/NQ-HĐND tỉnh ngày 27/10/2016 chuyển từ Dự án thành Đề án. Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc khẳng định, tỉnh Thái Nguyên quan điểm với Đề án này là nhất quán vì đây là công trình trọng điểm, đang tích cực trong việc tính toán nguồn lực, nhất là việc xác định các loại quỹ đất, tính ra giá trị, tiến độ dù có bị chậm nhưng phải tuân thủ pháp luật hiện hành.
IMG 6886
Tỉnh Thái Nguyên đang quyết tâm xây dựng kết cấu hạ tầng hai bên bờ sông Cầu, phát triển thành phố Thai Nguyên  khang trang, hiện đại

Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu có mục tiêu chỉnh trị sông Cầu được phân khai thành 9 dự án thành phần, đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Tổng số vốn đầu tư khoảng 9.811 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất dọc theo hai bờ sông Cầu và suối Mo Linh khoảng 400ha đất. Thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đô thị 2 bờ sông Cầu triển khai từ 2017 - 2025. Dự án do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết: Mục tiêu của Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu có nhiệm vụ chỉnh trị sông Cầu, đảm bảo an toàn phòng chống lũ cho khu vực 2 bên bờ sông Cầu, thành phố Thái Nguyên và các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên); khôi phục khả năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Cùng với đó, Đề án sẽ xây dựng hoàn thiện đô thị hai bên bờ sông cầu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị theo quy hoạch được duyệt, kết nối thành phố Thái Nguyên hiện hữu với các khu đô thị mới phía bờ Đông thành phố, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào dịch vụ du lịch của TP. Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân dân giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Các dự án hoàn thành sẽ tạo cảnh quan đô thị văn minh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

IMG 7120
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên (bên trái) cho biết: Việc chỉnh trị sông Cầu sẽ phát huy tài giá trị hàng nghìn héc ta phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo phòng lũ, bảo vệ cuộc sống nhân dân

Trước mắt, tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện 3 dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên để phục vụ dân sinh và phát triển đô thị: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu, đoạn qua TP. Thái Nguyên, tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.272 tỷ đồng; xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bẩy và thượng lưu đập Thác Huống, tổng mức đầu tư 1.457 tỷ đồng; Xây dựng hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu, tổng mức đầu tư dự kiến 1.350 tỷ đồng.

IMG 6870
Chỉnh trị dòng sông là mục tiêu hàng đầu của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Cầu để phát huy tài nguyên đất đai phục vụ phát triển KT-XH

 

IMG 6892


Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết: Tháng nào UBND tỉnh cũng báo cáo Thường vụ về các dự án trọng điểm như núi Cốc, sông Cầu... Mấu chốt để tháo gỡ là tất cả các thủ tục pháp lý đều được chuẩn bị tích cực và triển khai chắc chắn, không được làm sai pháp luật đấy là điều khẳng định; dự án chậm nhưng lại có lý do khách quan. Tỉnh Thái Nguyên cũng quyết tâm xây dựng đô thị hai bờ sông Cầu, đây cũng là nguyện vọng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng bộ vì dòng sông Cầu là dòng sông chảy qua tỉnh Thái Nguyên 180 km, qua TP Thái Nguyên gần 20 km vậy nên không lý do gì trong quá trình phát triển đô thị mà không gắn với sông Cầu.

Ông Vũ Hồng Bắc khẳng định: Quan điểm của tỉnh, dù khó khăn đến mấy vẫn phải khắc phục để thực hiện dự án này. Dự án này mang tính chất phát triển dài hơi của địa phương, sông Cầu phải gắn với đô thị. Đây là quan điểm chung nhất quán, tùy từng giai đoạn mà tỉnh Thái Nguyên có bước đi phù hợp không thể nôn nóng vì nó liên quan đến các loại quy hoạch tiếp tục hoàn thiện để thực hiện bền vững. UBND tỉnh Thái Nguyên mới làm việc với nhà đầu tư, đang tích cực trong việc tính toán nguồn lực nhất là việc xác định các loại quỹ đất, tính ra giá trị nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Theo văn bản cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, cơ quan chắc năng sẽ đôn đốc và hiện nay nhà đầu tư cũng có kế hoạch. Công trình này cũng có nhiều nhiệm vụ nên cũng phải triển khai dần dần. Chẳng hạn, trong các nhiệm vụ của dự án này, các dự án có nói đến cầu qua sông Cầu cũng phải cân đối dần dần, không phải cùng lúc xây dựng hàng loạt cây cầu mà phải tìm nguồn vốn cho từng cây cầu. Tỉnh Thái Nguyên cũng báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng khuyến khích các địa phương tranh thủ các nguồn lực, trong đó cũng mong muốn Thái Nguyên nhanh chóng có những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội.

IMG 6873
Các đơn vị thi công đang thực hiện công tác khoan thăm dò địa chất, quan trắc hai bên bờ sông để đưa ra phương án tối ưu kè bờ sông Cầu

Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh cho rằng, từ nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã nhìn thấy việc phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu và chỉnh trị hai bờ sông Cầu rất cần thiết và quan trọng. Do hệ thống đê toàn đê đất mà chúng ta chưa có điều kiện đầu tư kiên cố, nên hàng nghìn héc ta đất nằm trong hành lang thoát lũ, không khai thác, không phát triển đô thị được. Muốn chỉnh trị được sông Cầu, các bước phải thực hiện dày công: Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng thành phố Thái Nguyên (thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt), đến nay đã hoàn thành. Quy hoạch chung quyết định toàn bộ hệ thống giao thông chính trong khu vực. Tiếp đó là điều chỉnh quy hoạch hành lang thoát lũ, muốn sử dụng được đất đai phải điều chỉnh dòng thoát lũ. Theo quy định, đất đai nằm trong hành lang thoát lũ là không được phép xây dựng bất cứ công trình nào. Việc điều chỉnh thoát lũ rất phức tạp, nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thông sông Cầu và sông Thái Bình, thẩm quyền phê duyệt của tỉnh, nhưng đến nay các cơ quan Trung ưng đã có ý kiến thống nhất xong.

Theo ông Khánh, phương án điều chỉnh chính thức đã được trình lên cơ quan chức năng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Nhà đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực xúc tiến điều chỉnh theo yêu cầu của tỉnh Thái Nguyên. Đây là dự án trọng điểm, cần khẩn trương thực hiện để phòng lũ, bảo vệ các công trình phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn cho nhân dân nên cần tập trung các nguồn lực. Dự án vẫn đang trong giai đoạn thực hiện, trong qua trình xây dựng “đường găng tiến độ” vướng chỗ nào thì tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung, mục tiêu là năm 2023 sẽ hoàn thành dự án chỉnh trị sông Cầu, nhưng nguyên tắc là đảm bảo chất lượng và đúng pháp luật. Tỉnh Thái Nguyên vẫn đang kiểm soát chất lượng, tiến độ dự án.

Chỉnh trị thành công dòng sông Cầu sẽ phát huy tài nguyên đất đai, phục vụ phát triển kinh tế.  Khi triển khai dự án UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Thái Nguyên để biểu quyết, dân chủ, đúng chủ trương chứ đâu phải tự ý thay đổi. Ban đầu nó là 1 Dự án, nhưng do ngân sách Trung ương không có nguồn, nếu cứ để Dự án như vậy thì không có nguồn vốn nên phải chuyển thành Đề án, thẩm quyền của tỉnh. Đây là một phương án, cách làm sáng tạo, linh hoạt vì chuyển về thẩm quyền của địa phương để chủ động đầu tư xây dựng, không đợi chờ ngân sách Trung ương.

Mặc dù gặp khó khăn về tài chính, song hiện nay đơn vị nhà đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát vẫn đang tiếp tục triển khai các phần việc khoan thăm dò, quan trắc bờ sông để đưa ra phương án tối ưu về phương thức kè; tích cực điều chỉnh dự án trình UBND tỉnh phê duyệt. Các công đoạn, quy trình điều chỉnh quy hoạch thực hiện mất nhiều thời gian, song cũng đã hoàn thành, là cơ sở để tiếp tục thực hiện xây lắp các hạng mục công trình phục vụ chống lụt cho một vùng dân cư Thái Nguyên.