Việc điều chỉnh khung giá đất tại Đà Nẵng khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh nợ nần bạc tỷ: Cử tri Đà Nẵng nói gì?.

Đất đai - Ngày đăng : 13:36, 25/04/2019

(TN&MT) - Tại các buổi tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện trên địa bàn nhằm chuẩn bị cho kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV. Nhiều Cử tri TP. Đà Nẵng đã nêu lại vấn đề về việc điều chỉnh giá đất mà trước đây Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh. Việc ban hành quyết định điều chỉnh giá đất khiến nhiều gia đình từ một số nợ chỉ vài chục, vài trăm triệu, xong biến thành con nợ bạc tỷ, dẫn đến hàng ngàn gia đình mất khả năng trả nợ, đành phải bán nhà trả nợ, tìm mua lại nhà, đất có giá trị thấp hơn để ổn định cuộc sống.  
ĐQBH kiêm Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết, quy trình ban hành văn quy phạm pháp luật Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 là đúng pháp luật
ĐQBH Võ Thị Như Hoa - Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cho biết, quy trình ban hành văn quy phạm pháp luật Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 là đúng pháp luật

Sau 10 ngày nghỉ Tết, hàng ngàn người dân vướng phải nợ nần bạc tỷ

Tại các buổi tiếp xúc cử tri ở các quận huyện, nhiều vấn đề nóng bỏng trong thời gian qua của TP. Đà Nẵng lẫn cả nước được cử tri nêu ra và đề nghị ĐBQH TP. Đà Nẵng báo cáo lên Quốc hội. Như: chuyện nâng điểm ở Sơn La, Hà Giang...; bạo lực học đường; việc khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND TP. Đà Nẵng; kết luận sai phạm đất đai và loạt quan chức bị bắt ở TP.Đà Nẵng...

Đáng chú ý nhất là hàng loạt cử tri lên tiếng về việc UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 về điều chỉnh giá đất khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp hơn 3 lần so với nợ gốc.

Đây cũng là vấn đề mà Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần phản ánh. Theo con số cơ quan chức năng cung cấp cho chúng tôi thì đến khoảng  gần 7.000 hộ dân thuộc diện này, trong đó, có khoảng 5.300 hộ thuộc diện nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm, có trường hợp nợ từ vài trăm triệu đồng lên đến vài tỷ đồng sau khi áp theo giá đất điều chỉnh mới của thành phố.

Tại hội trường tiếp xúc với đoàn ĐQQH ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, cử tri Phan Năm nói rằng, nếu theo giá đất cũ, gia đình ông phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 170 triệu đồng nhưng theo giá mới thì ông phải đóng gần 1 tỷ đồng. Đây là số tiền quá khủng khiếp, ông không thể nào trả nổi.

Nhiều cử tri khác cũng lên tiếng rằng, việc ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND của TP. Đà Nẵng liệu có hợp tình, hợp lý hay chưa. Họ phân tích rằng, Quyết định ra đời vào ngày 31/1/2019, tức 26 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và có hiệu lực vào ngày 11/2/2019, tức mồng 7 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

"Sau ngày 26 Tết thử hỏi còn ai làm việc để dân chúng tôi đi đóng tiền. Ngày 11/2, quyết định có hiệu lực đúng vào mồng 7 Tết - ngày đi làm đầu tiên của công sở. Chúng tôi trở tay không kịp...", cử tri nói.

Một cử tri khác nói với chúng tôi rằng, chính việc ban hành quyết định tăng giá đất vào dịp Tết như vậy  giống kiểu "đánh đố" người dân. Chẳng khác nào sau 10 ngày nghỉ Tết, hàng ngàn người dân vướng phải nợ nần bạc tỷ.

UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 về điều chỉnh giá đất khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp hơn 3 lần so với nợ gốc
UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 về điều chỉnh giá đất khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp hơn 3 lần so với nợ gốc

Giá đất TP. Đà Nẵng tăng rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường

Trước những phản ánh của cử tri, ĐQBH  Võ Thị Như Hoa - Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng  cho biết, quy trình ban hành văn quy phạm pháp luật Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 là đúng pháp luật. 

Theo đó, sau khi Sở TN&MT lấy ý kiến nhiều bên liên quan thì gửi sang Sở Tư pháp để thẩm định tính hợp pháp, khả thi, có trái Hiến pháp hay không...? Có hội đồng thẩm định giá!

"Thực tế vì sao cử tri thắc mắc giá đất cao là vì TP. Đà Nẵng trong quá trình thời gian dài giá đất đã biến động rất nhiều lần, nhưng hầu như các cơ quan chức năng không điều chỉnh. Năm 2018 là năm điều chỉnh mạnh nhất. Trước đây, TP. Đà Nẵng chỉ điều chỉnh theo hệ số giá đất. Theo quy định thì nếu hệ số điều chỉnh giá đất vượt quá 200% thì phải sửa đổi bảng giá đất. Chúng ta thấy giá đất TP. Đà Nẵng tăng rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường. Ví như, giá đất cao nhất là đường Lê Duẫn cao nhất 98.8 triệu đồng nhưng giá thị trường gấp 2,3..."- bà Hoa phân tích.

Bà Võ Thị Như Hoa cũng nhìn nhận rằng, khi triển khai Quyết định vào thực tế đã vướng phải một số khúc mắc. Trong đó, có trường hợp một số hộ giải tỏa. Ở đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có kiến nghị với Chính phủ vì trong quá trình các hộ giải tỏa được bố trí tái định cư thì chưa làm giấy tờ. Khi đi làm giấy tờ thì giá đất tăng cao mà thời hạn nợ cũng đã hết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến giao bộ Tài chính nghiên cứu xem xét vấn đề này.

Thứ hai, theo bà Hoa là đối tượng mà các cử tri hôm nay đã nói. Đối tượng ở trên đất đã mấy chục năm rồi thì đang phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Ở đây cũng toàn hộ dân nghèo gặp khó khi giá đất sau điều chỉnh tăng. 

Nói về vấn đề cử tri cho rằng, thời gian ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND khiến người dân trở tay không kịp, bà Như Hòa thừa nhận, đúng là hơi cập rập. Theo quy định, khi Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ban hành thì 10 ngày sau văn bản sẽ có hiệu lực. "10 ngày này rơi vào dịp Tết khiến người dân trở tay không kịp để đi nộp. Đó là vấn đề nảy sinh và UBND TP. Đà Nẵng đã thấy và nghiên cứu thêm, xem xét giải quyết vướng mắc cho bà con. Những gì thuộc thẩm quyền thì đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị"- bà Hoa kết luận.

Rất nhiều hộ gia đình sau khi bán nhà trả tiền đất phải đi mua đất hai lúa xây nhà trái phép để ở
Rất nhiều hộ gia đình sau khi bán nhà trả tiền đất phải đi mua đất hai lúa xây nhà trái phép để ở

Sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét

Phó Trưởng đoàn QBQH chuyên trách TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng, sẽ có kiến nghị đến UBND TP. Đà Nẵng cân nhắc xem có phương án nào để xử lý vấn đề này hay không. "Thời điểm ký và áp dụng bảng giá mới trùng vào dịp giáp Tết và sau Tết. Thành phố cũng đã thấy nên chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, phối hợp với các sở tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân”- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ gia đình khi nghe giá đất tăng lên hơn gấp 3 lần, vì sợ giá đất sẽ tăng nữa nên đã bán nhà để trả nợ tiền đất, số tiền còn lại họ tìm mua những lô đất, căn nhà có giá trị thấp hơn ở vùng ven thành phố để ổn định cuộc sống. Trong số đó, có không ít gia đình sau khi bán nhà, nộp tiền đất xong thì số tiền còn lại không đủ để mua được một căn nhà, đành phải đi ở nhà thuê. Hạnh phúc hơn, nhiều hộ gia đình vẫn còn đủ tiền để mua những lô đất không giấy tờ (đất màu, đất hai lúa – PV) sau đó chạy quy tắc dựng tạm lên căn nhà trái phép để ở.

“Nhiều nhà vì con cái phá phách, cờ bạc, rượu chè, không lo làm ăn thì mới rơi vào cảnh nợ nần túng quẫn, mất nhà, ở trọ. Đằng này, gia đình tôi có cờ bạc hay rượu chè chi mô, tối ngày lo làm ăn, trên mảnh đất của ông bà để lại. Từ khi làm dự án, giải tỏa, chuyển đổi ngành nghề, đất đai chỉ được bố trí lại đủ để ở, tiền đền bù không đủ để nộp tiền đất, được nhà nước cho nợ. Với số tiền đền bù ít ỏi, gia đình đã cất dựng một căn nhà cấp 4, ở ổn định được hơn 10 năm, đến nay buộc phải bán nhà trả nợ tiền đất. Gia đình tôi không ăn chơi nhưng cuối cùng cũng từ nhà to, xuống nhà bé rồi đến nay phải sống cảnh nhà thuê”, một số hộ dân chia sẻ trong uất nghẹn đầy nước mắt.     

“Đại đa số những hộ dân nợ tiền đất là do tiền đền bù không đủ để nộp tiền đất tái định cư nên thành phố mới tạo điều kiện cho nợ. Trong giấy tờ pháp lý giao đất tái định cư cho nợ tiền đất sử dụng đất, thành phố có quy đổi số tiền nợ ra vàng theo giá tại thời điển ghi nợ. Chính vì thế, giá đất có tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng đến số tiền đất mà người dân đã nợ trước đây, trừ khi giá vàng tăng. Nợ tiền đất đã được quy đổi ra vàng thì khi đóng trả tiền đất phải được tính theo đơn giá vàng tại thời điểm nộp nhân với số vàng được quy đổi trước đây, đồng thời tính thêm số tiền đã quá thời hạng cho nợ theo lãi suất ngân hàng. Đúng lý phải như vậy chứ”, một số cử tri phân tích thêm.

Ngoài ra, một số cử tri còn cho rằng, thành phố cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân khó khăn có điều kiện sớm hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước trên mảnh đất mình đang ở. Hằng năm, cần có những đợt ưu giảm cho các hộ dân đóng hết tiền đất nợ, vừa giúp cho người dân không quá khó khăn khi nộp trả tiền, đồng thời giúp thành phố sớm hoàn tất công tác thu nợ tiền đất tái định cư.