Thừa Thiên Huế: Giám sát, thu hồi các dự án chậm tiến độ

Đất đai - Ngày đăng : 13:13, 08/12/2018

(TN&MT) - Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vừa diễn ra, đại diện HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dự án tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô chậm tiến độ
Nhiều dự án tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô chậm tiến độ

19 dự án bị chấm dứt hoạt động

Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thông tin, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với 11 khu đất, với tổng diện tích 31.588 m2; dự án giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức chỉ định chủ đầu tư, giao đất: 55 dự án với tổng diện tích 816.808,4 m2, thuê đất 144 dự án với diện tích 6.637.232,2 m2 (trong đó, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô có 29 dự án với tổng diện tích 2.109.450,6 m2).

Qua giám sát, Đoàn nhận thấy công tác giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Nhiều dự án sau khi được giao đất, cho thuê đất đã và đang triển khai với tiến độ thi công đảm bảo, góp phần làm thay đổi diện mạo ở khu vực đô thị và nông thôn; nhiều dự án đi vào hoạt động đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến nay triển khai rất chậm hoặc không triển khai trên thực địa, gây bức xúc trong nhân dân.

Cùng với đó, một số dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi để giao cho tổ chức khác quản lý, sử dụng song chưa được thực hiện dứt điểm. Một số dự án hết thời gian gia hạn song vẫn không triển khai, chưa khắc phục vi phạm.

Có thể kể đến như khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), được cấp phép đầu tư năm 2008 với diện tích thuê đất hàng trăm ha, vốn đăng ký 5.230 tỷ đồng.

Sau hơn 10 năm khởi công, đến nay dự ấn vẫn nằm trên giấy. Để đối phó với việc thu hồi đất, công ty đã 2 lần tiến hành kiểm đếm đất đai đối với các hộ dân trong vùng dự án nhưng chưa thực hiện đền bù. Trên đất từ sau khởi công dự án đến nay chỉ có một khu điều hành tạm bợ.

Dự án Làng Việt trăm tỷ “đắp chiếu” suốt nhiều năm tại TP. Huế
Dự án Làng Việt trăm tỷ “đắp chiếu” suốt nhiều năm tại TP. Huế

Tại huyện Phong Điền, một số dự án sau khi được giao đất vẫn chậm triển khai thực hiện; có dự án khởi công, động thổ nhưng bỏ hoang cả chục năm trời, gây lãng phí lớn tài nguyên đất, ảnh hưởng đời sống người dân. Điển hình là Nhà máy năng lượng pin mặt trời được đầu tư xây dựng tại xã Phong Hòa với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng.

Hay như dự án Khu du lịch Làng Việt, đặt tại thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP. Huế từng được đầu tư với tổng số vốn trên 100 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào quý II/2013. Tuy nhiên, hiện dự án dường như vẫn “án binh bất động”.

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo rà soát tiến độ thực hiện các dự án. Đến nay, đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động 19 dự án với vốn đầu tư là 12.169 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 222,8ha. Ngoài ra, sau khi rà soát, làm việc với các nhà đầu tư các dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ và các dự án không nằm trong danh mục theo Nghị quyết số 08, đã có 3 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt, 1 dự án thuộc danh mục đôn đốc tiến độ và 6 dự án không nằm trong danh mục theo Nghị quyết số 08 đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.

Tiếp tục giám sát

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chậm triển khai là do các dự án cũ nằm trong bối cảnh Chính phủ có quyết sách thay đổi lớn trong việc điều chỉnh các dòng vốn đầu tư, nhất là từ các doanh nghiệp nhà nước thông qua hình thức không cho phép đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, một số dự án của các doanh nghiệp nhà nước trước đây cấp phép đầu tư bị dừng lại, cần thời gian xử lý, huy động thêm nguồn vốn hoặc kết thúc dự án, song do các dự án này có tài sản trên đất dẫn đến chậm thu hồi.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư thời điểm trước 2007-2008 là nhà đầu tư có tiềm lực, sau thời điểm đó do khủng hoảng kinh tế nên rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu vốn nên không thể triển khai dự án đúng tiến độ.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (phải) kiểm tra các dự án chậm tiến độ tại huyện Phú Vang
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (phải) kiểm tra các dự án chậm tiến độ tại huyện Phú Vang

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn đề nghị giao các Ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND tỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó giúp UBND tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các các nhà đầu tư triển khai dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn theo quy định của pháp luật, đề nghị giao UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh rà soát, bổ sung danh mục dự án cần rà soát thu hồi; danh mục dự án giám sát đặc biệt nhằm tạo sự bình đẳng trong đầu tư, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo công khai, đúng trình tự, thủ tục; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật về đất đai; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về đất đai, nhất là chính quyền cấp xã, phương. Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.      

Ngoài ra, thực hiện công khai danh mục các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các website của các sở, ngành để người dân biết, giám sát. Củng cố pháp lý, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật khi thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ. Rà soát, đánh giá lại các quy hoạch chưa hoặc chậm triển khai, điều chỉnh một số quy hoạch không có tính khả thi, không còn phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch cần lưu ý ưu tiên quỹ đất quy hoạch dành cho các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế, trụ sở cơ quan hành chính của địa phương; quỹ đất tái định cư, quỹ đất nghĩa trang; ưu tiên chỉnh trang, tái định cư tại chỗ đối với những khu vực tập trung đông dân cư nhằm ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng; lấy ý kiến người dân theo đúng quy định.