Lào Cai: Giải bài toán khó cho tích tụ ruộng đất

Đất đai - Ngày đăng : 07:28, 26/11/2018

(TN&MT) – Tích tụ ruộng, đất là chủ trương lớn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng, đất tạo “cánh đồng mẫu lớn” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Đời sống của nhiều hộ dân ở xã Sa Pả huyện Sa Pa đã khởi sắc nhờ… “tích tụ sản phẩm” dược liệu Atiso cho doanh nghiệp
Đời sống của nhiều hộ dân ở xã Sa Pả huyện Sa Pa đã khởi sắc nhờ…  “tích tụ sản phẩm” dược liệu Atiso cho doanh nghiệp

Thực trạng

Ông Phan Văn Ngũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dược Đông Nam Á (Nghệ An) có cơ sở 2 ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên ngao ngán chia sẻ: Chúng tôi cần 50ha đất tập trung để trồng ớt. Trong khi nhiều hộ dân ở đây có đất bỏ không, doanh nghiệp chúng tôi và cả cán bộ chính quyền cơ sở đến đặt vấn đề xin thuê là họ từ chối. Suốt 2 năm qua vất vả ngược xuôi khắp địa bàn hai huyện Bảo Yên – Văn Bàn, chỉ thuê được 20 ha đất sản xuất. Diện tích đất sản xuất không đủ lớn, nằm phân tán trên địa bàn hai huyện khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí sản xuất vì phải vận chuyển nhân công, vật tư và sản phẩm đi chế biến, tiêu thụ…

Tương tự, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường (Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm “cánh đồng mẫu lớn” tại Lào Cai để tự mình đứng ra sản xuất các loại rau xanh trái vụ, đưa về thị trường Thủ đô tiêu thụ.

Ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Trường (Hà Nội) chia sẻ: Doanh nghiệp chúng tôi đến Lào Cai từ cuối năm 2017, đến nay mới thuê được gần 1 ha đất của một số hộ dân ở huyện Sa Pa để xây dựng mô hình sản xuất rau xanh trái vụ. Việc tích tụ ruộng, đất thành cánh đồng mẫu lớn để doanh nghiệp tự đứng ra sản xuất trên địa bàn vùng cao là vô cùng khó khăn. Nó khác hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu của tôi khi còn ở dưới xuôi nghe người ta nói, trên vùng cao bà con dân tộc cho nhau cả quả đổi để trồng cây…

Không chỉ ở Sa Pa nơi “tấc đất tấc vàng”, tại huyện Si Ma Cai, theo ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì: Tâm lý bà con sợ mất đất sản xuất và lo không biết làm gì sau khi cho thuê đất là nguyên nhân chính khiến việc tích tụ đất đai ở Si Ma Cai đến nay chưa thực hiện được một đơn vị diện tích nào. Trên thực tế đã có doanh nghiệp tìm đến đề nghị với huyện và phối hợp với chúng tối đi vận động bà con dồn điền đôi thửa để thuê từ 30 - 50 ha ruộng bậc thang, tổ chức sản xuất rau xanh nhưng không hộ dân nào đồng ý.

Được biết, trên toàn tỉnh Lào Cai tới nay mới có khoảng 120 ha ruộng, đất được tích tụ thành “cánh đồng mẫu lớn”, cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất.

Diện tích đất liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.
Diện tích đất liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.

Lời giải nào cho bài toán tích tụ ruộng đất?

Đi về cơ sở trong thời gian gần đây, chúng tôi nghe thấy nhiều người dân nói về cụm từ “tích tụ sản phẩm” với tâm thế vui tươi, khác hoàn toàn so với khi họ nói về… “tích tụ ruộng đất”.

Tìm hiểu cụ thể được biết, bản chất của “tích tụ sản phẩm” là dựa trên mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nhiều hộ dân để sản xuất một loại sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và số lượng đủ lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điểm sáng tạo trong mô hình liên kết “tích tụ sản phẩm” là, chính quyền cơ sở giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất tại địa phương.

Cụ thể, chính quyền cơ sở cử cán bộ chuyên môn tập trung tìm hiểu, nghiên cứu tìm ra những sản phẩm nông nghiệp phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân ở thời điểm hiện tai. Tiếp đó là vận động, họp dân để bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch sản xuất. Kế đến là mời gọi và lựa chọn doanh nghiệp để thực hiện kí kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.

Cán bộ cơ sở và đại diện nhiều doanh nghiệp, HTX nói với chúng tôi từ khi xuất hiện cụm từ “tích tụ sản phẩm” họ không còn phải “đau đầu” tìm cách tích tụ ruộng, đất mà vẫn mở rộng được vùng nguyên liệu. Đơn cử, Hợp tác xã Mai Anh đứng chân trên địa bàn xã Sa Pả, huyện Sa Pa suốt 6 năm (từ 2012) nỗ lực vận động nhân dân tiến hành dồn điền, đổi thửa nhưng cũng chỉ thuê được 10 ha đất ruộng để tổ chức sản xuất rau xanh các loại.

Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm, từ năm 2016 đến nay, nhờ tích tụ sản phẩm, HTX Mai Anh, phối hợp chính quyền các xã Sa Pả, Hầu Thào, Tả Phìn… vận động được hàng trăm hộ dân tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên lên hơn 160 ha.

Ông Bùi Trọng Trung, Giám đốc HTX Mai Anh vui mừng chia sẻ: So với tích tụ ruộng đất thì tích tụ sản phẩm theo thình thức liên kết giúp người dân thấy yên tâm, thỏa mái hơn vì không sợ doanh nghiệp đến…“gom đất để đầu cơ trục lợi”. Nhờ đó, những HTX nông nghiệp như chúng tôi mở rộng được vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cũng nhờ giải pháp liên kết sản xuất tích tụ sản phẩm, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường (Hà Nội) cũng đã có vùng cung ứng nguyên liệu rau xanh rộng hơn 20 ha ở huyện Sa Pa và Bắc Hà.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân tham gia liên kết sản xuất để “tích tụ sản phẩm” với các doanh nghiệp tỏ ra rất phấn khởi. Anh Hạng A Sùng, thôn Sa Pả, xã Sa Pả chia sẻ: Trước đây đã có nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề thuê đất sản xuất, nhưng gia đình tôi và các hộ dân trong thôn  không ai cho thê. Bởi, ai cũng có tâm lý lo mất đất và lo khi không còn đất sản xuất, con cái thiếu việc làm sẽ dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, nếu cứ loanh quanh với việc sản xuất lúa thì đời sống của gia đình tôi và bà con trong thôn sẽ không khá lên được. Do đó, khi cán bộ xã đến vận động các hộ dân cùng sản xuất cây dược liệu atisô để bán cho doanh nghiệp thì ai cũng phấn khởi tham gia và đời sống của bà con trong thôn được cải thiện nhanh chóng.

Theo thống kê của  Sở NN&PTNT Lào Cai, tính riêng tổng diện tích đất liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân trong vụ Đông năm 2017 đã đạt 765 ha, tăng 503 ha so với năm 2016; giá trị sản xuất bình quân đạt 92 triệu đồng/ha, tăng 15% (12 triệu) so với cùng đơn vị diện tích canh tác không tham gia liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết: Cái được lớn nhất trong mô hình liên kết sản xuất để “tích tụ sản phẩm” là chúng ta đã chuyển giao được khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho đông đảo bà con nông dân vùng cao. Đồng thời, tạo ra được những vùng nguyên liệu lớn, tập trung để cung ứng cho thị trường. Để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, vai trò chính quyền cơ sở phải tiếp tục được nâng lên, đặc biệt là công tác lập kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất của cán bộ cơ sở cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ sản xuất của trung ương và của tỉnh cũng cần phải được tính toán để triển khai về cơ sở sớm hơn, ngay từ đầu vụ.