Bến Tre: Nuôi tôm biển ngoài quy hoạch còn diễn biến phức tạp

Đất đai - Ngày đăng : 08:54, 15/11/2018

(TN&MT) - Việc người dân tại tỉnh Bến Tre đã ồ ạt nuôi tôm ngoài quy hoạch và khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm trong thời gian qua mặc dù được các cấp chính quyền địa phương quan tâm xử lý nhưng tình hình này vẫn còn diễn biến phức tạp.
H1
Bến Tre hiện có khoảng 850ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch, với 2.261 hộ nuôi

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 850ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch, với 2.261 hộ nuôi. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt gần 180ha, chiếm 21% so với tổng diện tích nuôi ngoài quy hoạch. Diện tích nuôi ngoài quy hoạch còn tồn đọng chưa giải quyết là 670,5ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và Giồng Trôm.

Tổng số giếng khoan phát hiện là 2.587 giếng. Qua kiểm tra, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã cho trám lấp được 2.228 giếng. Hiện còn tồn đọng 359 giếng chưa được trám lấp do người dân dùng để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt gia đình, tập trung ở hai huyện biển Ba Tri và Thạnh Phú. Trong năm 2018, các huyện đã tổ chức thanh, kiểm tra và xử phạt 20 trường hợp với tổng số tiền 206 triệu đồng.

Nói về khó khăn và hạn chế, ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình nuôi tôm ngoài quy hoạch còn xảy ra tác động bởi các yếu tố về biến đổi khí hậu, có độ mặn xâm nhập sâu. Tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, thời gian đầu tư ngắn, hiệu suất lợi nhuận cao hơn so với các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác.

Cũng theo ông Cung, việc trám lấp giếng khoan của một số người dân chưa thật sự trung thực, cố tình che giấu, thậm chí ngụy trang dẫn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý chưa triệt để. Mặc dù tỉnh, huyện tích cực xây dựng các mô hình chuyển đổi trong vùng ngọt hóa nhưng hiệu quả chưa cao, vì vậy chưa đủ sức thuyết phục người dân để chuyển đổi từ nuôi tôm chân trắng sang các mô hình mới.

Còn theo nhận định của ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, việc xử lý vi phạm nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch thời gian qua ở các địa phương chưa thật sự quyết liệt, việc xử lý các trường hợp vi phạm đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Công tác trám lấp giếng chưa triển khai mạnh và đồng bộ.

Ông Lâm cho rằng, giải pháp trong thời gian tới là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với vùng ngọt hóa. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm như đưa phương tiện đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm.

H2
Bến Tre sẽ xử lý vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, kể cả vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước

Mới đây, làm việc với Sở, ngành và các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị liên quan thống nhất quy trình xử phạt đối với các hộ dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Vùng nào cần điều chỉnh, các địa phương nhanh chóng có báo cáo, nếu phù hợp tỉnh sẽ cho điều chỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Lập cũng lưu ý về vấn đề xử lý môi trường trong nuôi tôm biển hai giai đoạn tại các huyện biển hiện nay chưa được kiểm soát tốt đang gây thêm băn khoăn cho địa phương về những hậu quả do ô nhiễm nặng nề về môi trường nước trong thời gian tới. Qua đó, ông Lập đề nghị các địa phương nên quan tâm xem xét, xử lý việc xả thải của các trường hợp nuôi tôm hai giai đoạn tại địa phương của mình.

Liên quan đến vấn đề xử lý nuôi tôm chân trắng ngoài quy hoạch và khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm, vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương thông tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về quy hoạch và các văn bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền. Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra các huyện trong việc kiểm tra, trám lắp các cây giếng khoan không đúng quy định; xử lý vi phạm về khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, kể cả vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Đối với UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương có liên quan chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm, vi phạm về sử dụng đất sai mục đích theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các ngành, địa phương thuộc quyền quản lý để xảy ra trường hợp nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, nhất là để xảy ra tình trạng khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trái quy định.