Bà Rịa - Vũng Tàu: Siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng

Đất đai - Ngày đăng : 13:15, 27/10/2018

(TN&MT) - Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 27.219ha. Tuy diện tích rừng không lớn so với các tỉnh trên cả nước, nhưng Bà Rịa -Vũng Tàu luôn gắn kết chặt chẽ công tác bảo vệ rừng với du lịch sinh thái, môi trường… để phát triển kinh tế, an ninh xã hội của địa phương.
R1
Nhiều cây gỗ to bị chặt phá ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

Chặt phá, lấn chiếm trái phép đất rừng

Những năm gần đây ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp; xây dựng trái phép nhà ở và khai thác khoáng sản trái phép trên đất rừng với quy mô lớn. Cụ thể, vào tháng 3/2018, tại địa bàn ấp Phước Tân 5 (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa), các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, bắt quả tang 01 nhóm đối tượng đang xẻ thịt ngọn đồi để lấy vật liệu san lấp.

Điều đáng nói là các đối tượng tham gia khai thác trái phép rất liều lĩnh và coi thường pháp luật vì ngọn đồi bị các đối tượng đào lấy vật liệu san lấp chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Tân Hưng khoảng 1km (gần tuyến đường Tân Hưng - Châu Pha). Trước khi phá đồi lấy đất, các đối tượng đã tự ủi, làm một tuyến đường tạm từ đường Tân Hưng - Châu Pha lên ngọn đồi. Khu vực khai thác trái phép rộng khoảng 1.000 m2 và tại hiện trường, có nhiều cây gỗ đường kính khoảng 30cm đã bị đốn hạ.

Còn tại Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, từ nhiều năm qua đã có hàng trăm hộ dân lấn chiếm trái phép đất rừng để canh tác và sinh sống. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu, tính tới tháng 6/2018, diện tích đất rừng bị lấn chiếm lên đến hơn 1.668ha nằm trong phân khu phục hồi sinh thái. Hiện có 760 hộ lấn chiếm trái phép để canh tác, trồng tiêu, điều, tràm… và một số loại cây ăn trái.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mấy năm gần đây, tình trạng chặt phá rừng ngập mặn, làm đùng nuôi trồng thuỷ sản đang diễn ra phức tạp, điều đó khiến cho rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ. Rừng ngập mặn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh…

R2
Rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang bị suy thoái nghiêm trọng

Đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển rừng

Để đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, giai đoạn này, toàn tỉnh dự kiến trồng 3.390ha rừng và 131.000 cây phân tán, với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng. Trong đó, có trên 63 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Nguồn kinh phí xã hội hóa một phần được trích từ Quỹ phát triển rừng được thu từ các nguồn cho đơn vị, doanh nghiệp thuê môi trường rừng để kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh còn có chủ trương giao khoán rừng cho người dân, từ đó, người dân được tự chủ làm kinh tế trên đất lâm nghiệp nhưng có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác chăm sóc bảo vệ rừng; tiếp tục đẩy mạnh công tác mạng lưới cộng tác viên, kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, tạo mối liên hệ chặt chẽ và tham mưu chính quyền địa phương các cấp nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã giao cho các ngành chức năng và các địa phương có rừng, đất rừng… tiếp tục đẩy mạnh công tác tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các giải pháp đồng bộ, nhằm bảo vệ rừng tự nhiên, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, phát triển rừng trồng trên diện tích đất chưa có rừng có khả năng trồng rừng, bảo vệ và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Trong đó, đặc biệt tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt đối với hai khu rừng nguyên sinh là Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu 11.142ha nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Vườn Quốc gia Côn Đảo 5.831ha thuộc huyện Côn Đảo. Bởi, hai khu rừng nguyên sinh này có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ, cân bằng sinh thái, bảo đảm môi sinh - môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch và có vị trí đặc biệt trong công tác quốc phòng - an ninh của địa phương.