Đà Nẵng: Để xảy ra vi phạm đất đai, chủ tịch huyện bị truy trách nhiệm
Đất đai - Ngày đăng : 20:44, 08/10/2018
Theo cơ quan thanh tra, từ năm 2008 - 2018, UBND huyện Hòa Vang đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 29 hồ sơ, với diện tích 4.213m2. Tuy nhiên, tất cả diện tích đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều không căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng quy định tại khoản 3 điều 30 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003 và điều 52 Luật Đất đai năm 2013.
Về công tác tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh tra TP. Đà Nẵng cho rằng, trình tự, thủ tục trong công tác cấp còn có một số hạn chế, thiếu sót. Đơn cử như, tách và cấp chứng nhận khi chỉ có đơn xin tách thửa của người chuyển quyền mà không có đơn đề nghị của người được nhận. Có trường hợp người nhận tặng cho không ký tên trong hợp đồng tặng cho là không đúng quy định tại điều 135, 148 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.
Chưa hết, việc UBND xã Hòa Liên chứng thực vào hợp đồng tặng cho không có chữ ký của người nhận tặng cho đối với hồ sơ bà Trương Thị Thanh Mỹ là không đúng với quy định tại điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Qua rà soát, cơ quan có thẩm quyền này cũng nhận thấy có 10 trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp. Như vậy, các hộ trên đã sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm điều 6 Luật Đất đai năm 1993, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003 (nay là Điều 12, Luật Đất đai năm 2013). Nhưng, không có hồ sơ nào thể hiện việc xử lý của UBND xã Hòa Liên, UBND huyện Hòa Vang đối với các trường hợp nêu trên. Do đó, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang qua các thời kỳ đã không xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định tại Điều 143 Luật Đất đai 2003 và Điều 208 Luật Đất đai 2013. Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang và bộ phận tham mưu.
Từ kết luận thanh tra nêu trên, Thanh tra TP. Đà Nẵng truy trách nhiệm và yêu cầu UBND huyện Hòa Vang, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Liên tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục đối với những hạn chế, thiếu sót trên.
Như Báo TN&MT đã thông tin, việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng thời gian qua có nhiều bất cập. Đây cũng là khu vực đang gây nóng dư luận bởi tình trạng người dân bao vây, cấm cản hoạt động của 2 nhà máy thép gây ô nhiễm trên địa bàn. Trước đó, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Theo các hộ dân, đã hết thời hạn tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy nhưng bản thân các hộ dân chưa ngã ngũ câu chuyện “chọn thép hay chọn dân”. Đi không được, ở không xong, các hộ dân lâm cảnh bất an, lo ngại môi trường…
Đây không phải lần đầu các hộ dân kéo đến bao vây 2 nhà máy thép để phản đối hoạt động. Ngay từ đầu năm 2018, hàng trăm người dân liên tục kéo đến bao vây 2 nhà máy thép yêu cầu ngừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy này làm ô nhiễm môi trường khu dân cư.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan chuẩn bị cho công tác tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc. Trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của các đơn vị quan trắc môi trường cung cấp, tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực hai nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Dana Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana Úc, cũng như khu vực xung quanh hai nhà máy thép này hoạt động tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành thủ tục xử lý vi phạm về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.