Phú Yên: Bất cập từ Chỉ thị 31 của UBND tỉnh Phú Yên

Đất đai - Ngày đăng : 18:52, 07/07/2018

(TN&MT) - Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) có tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép đầu tư vào tháng 11/2007. Hơn 10 năm qua, dự án này vẫn đóng băng; tháng 03/2018, dự án chính thức bị “khai tử” nhưng vẫn còn nhiều hệ lụy để lại cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng.
Chỉ thị số 31/2007/CT-UB của UBND tỉnh Phú Yên
Chỉ thị số 31/2007/CT-UB của UBND tỉnh Phú Yên
 

Mồ hôi và nước mắt của người dân về đâu?

Khi Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô đang còn chờ cấp phép, trong quá trình thu hồi đất để phục vụ cho nhà máy này, ngày 12/9/2007, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 31/2007/CT-UB về quản lý đất đai vùng Hòa Tâm, huyện Đông Hòa.

Nội dung chính của Chỉ thị: “… Theo phản ánh của UBND huyện Đông Hòa, một số hộ dân đã tự ý xây dựng nhà tạm, trồng thêm cây cối, hoa màu trên đất ở và đất sản xuất. Công việc này đang có chiều hướng gia tăng nhằm mục đích đòi hỏi chính sách bồi thường sau này; nhất là sau khi có các đoàn đi khảo sát địa điểm xây dựng Dự án đầu tư khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm và Dự án tổ hợp hóa dầu Naptha Cracking. Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên và đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng theo pháp luật, UBND tỉnh chỉ thị: … c/ Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, đào bới làm biến dạng địa hình, sử dụng đất dai sai mục đích… kể từ ngày ban hành Chỉ thị này; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật…”.

Đơn xin khai thác đất làm hồ nuôi của ông Phan Xuân Kiểm
Đơn xin khai thác đất làm hồ nuôi của ông Phan Xuân Kiểm

Nhiều người dân trong vùng dự án thấp thỏm âu lo vì nơi mình sinh sống nhiều năm nay vướng quy hoạch không thể trồng trọt, chăn nuôi, hoặc sửa chữa nhà cửa… nói chung cái gì cũng không! Từ khi có dự án, nhiều hộ dân sống bằng nghề nông hoặc nuôi trồng thủy sản đành phải nhường đất cho dự án, họ không dám canh tác hay cải tạo vì phải chấp hành theo Chỉ thị số 31 nên đất đai và hồ nuôi đành bỏ hoang. Và nhiều hệ lụy đắng cay đã để lại cho người dân từ chỉ thị này!

Theo phản ánh của ông Phan Xuân Kiểm, trú tại thôn Phước Long, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa; thực hiện theo chủ trương khuyến khích nuôi trồng thủy sản của UBND tỉnh Phú Yên, ngày 30/5/1990, UBND xã Hòa Tâm đã đồng thuận cho ông và ông Phạm Lâu được khai thác diện tích 3.000m2 tại khu vực Bầu Sấu thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm để nuôi trồng thủy sản. Năm 2003, một con đường được mở cạnh hồ tôm của ông Kiểm về phía Tây và nơi đây được làm thêm 1 cây cầu. Nước từ cây cầu mới này đã làm thay đổi dòng chảy và đổ vào hồ tôm của ông Kiểm, do tác động từ dòng chảy nên hồ tôm của ông Kiểm không còn phù hợp để nuôi tôm theo diện tích mặt nước lớn. Ông Kiểm phải sửa sang lại theo mô hình phù hợp với dòng chảy để tiếp tục nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình bị tác động từ dòng chảy mới làm hư hại hồ tôm dẫn đến thua lỗ, ông Kiểm đã ngưng sản xuất trong một thời gian do thiếu vốn tái sản xuất và khi Chỉ thị 31 ban hành năm 2007 thì ông Kiểm không còn cơ hội phục hồi hồ nuôi tôm được nữa. Từ đó, UBND xã Hòa Tâm cho rằng ông Kiểm không sản xuất, bỏ đất đai hoang hóa nên không xét đề nghị đưa hộ ông Kiểm vào diện được đền bù khi nhà nước thu hồi đất.

Giấy xác nhận của người dân
Giấy xác nhận của người dân

Ông Kiểm cho biết: “Tôi xin phép khai hoang đất để nuôi trồng thủy sản theo chủ trương khuyến khích của UBND tỉnh, đất tôi khai thác và sử dụng nhiều năm ổn định, không có ai tranh chấp và đã 2 lần tôi ký xác nhận quy chủ (2008, 2013) tại nhà ông Võ Đông Tịnh, Thôn trưởng thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, nhưng không hiểu vì sao công sức của tôi đổ ra bao nhiêu năm nay khi nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường cho tôi. Cũng là đất khai hoang nuôi trồng thủy sản nhưng những hộ dân bên cạnh tôi thì được bồi thường còn riêng tôi thì không!?”.

Trường hợp của ông Đặng Văn Bảy, trú tại thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa; trước đó gia đình ông Bảy đi kinh tế mới tại thôn Đồng Bé và khai hoang đất năm 1992 tại khu vực Bầu Sấu thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm bị thu hồi 275m2 đất để phục vụ cho việc mở đường. Đất của ông Bảy là đất nuôi trồng thủy sản VT1 nhưng lại áp giá đền bù theo giá đất nông nghiệp 39.000đ/m2 và chỉ được thực nhận 10% tức là 3.900đ/m2. Ông Bảy cho biết đã ký xác nhận quy chủ 2 lần trong năm 2013 tại nhà Thôn trưởng Võ Đông Tịnh cùng với nhiều người dân, danh sách này đã được niêm yết công khai tại thôn Đồng Bé và tại UBND xã Hòa Tâm.

Đất của ông Đặng Văn Bảy
Đất của ông Đặng Văn Bảy

Như vậy, có hay không quyền lợi của người dân nằm trong vùng dự án đang bị xâm hại bởi họ chấp hành theo Chỉ thị số 31 của UBND tỉnh Phú Yên?

Khu vực này thời điểm năm 1990 là một vùng đặc biệt khó khăn, người dân đã đổ bao nhiêu công sức để tìm kế mưu sinh thông qua làm hồ nuôi trồng thủy sản. Những hộ dân chấp hành chủ trương thu hồi đất phục vụ dự án và tuân thủ theo Chỉ thị 31 của UBND tỉnh Phú Yên đều phải chịu thua thiệt. Hiện nay, Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô đã bị thu hồi giấy phép nhưng chính quyền sở tại vẫn vận dụng theo Chỉ thị 31 để áp dụng đối với những hộ dân có đất nằm trong vùng ảnh hưởng liệu có xâm hại đến quyền lợi chính đáng của họ hay không?

Đất hồ nuôi tôm của ông Phan Xuân Kiểm
Đất hồ nuôi tôm của ông Phan Xuân Kiểm

Điều bất cập ở Điểm c trong Chỉ thị số 31 tồn tại gần 11 năm chỉ để phục vụ cho Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, nay dự án đã bị khai tử nhưng tại sao Chỉ thị số 31 vẫn còn hiệu lực gây tổn hại cho nhiều người dân?   
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Phú Yên nên rà soát lại Chỉ thị số 31 có còn phù hợp trong thời điểm hiện nay hay không?Và điều quan yếu là chính quyền tỉnh Phú Yên cần có giải pháp khả thi nhằm tháo gỡ những bất cập trong Chỉ thị này để giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống.