Chuẩn hóa trình độ cán bộ quản lý đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 00:00, 29/06/2016

(TN&MT) - Công tác xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức về quản lý đất đai có vai trò quan trọng trong quá trình thực thi có hiệu quả nhiệm vụ và giảm thủ tục hành chính phiền hà cho người dân khi tiếp xúc các cơ quan quản lý.

Theo ông Quách Công Huân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành quản lý đất đai được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Cụ thể, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong ngành quản lý đất đai; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai. Trong Đề án tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành giai đoạn 2011 - 2020 cũng đề ra nhiệm vụ là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề án này yêu cầu, phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh.

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật đất đai cho đội ngũ cán bộ ngành
Nâng cao năng lực thực thi pháp luật đất đai cho đội ngũ cán bộ ngành

Để thực hiện việc này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Quản lý đất đai thời gian qua là, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành vừa có chuyên môn, nghiệp vụ cao vừa có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần, thái độ phục vụ tốt. Cụ thể hơn công việc này, trong giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục đã tổ chức 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về đất đai và nghiệp vụ chuyên môn cho 416 lượt cán bộ của các đơn vị thuộc. Tổ chức 19 hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý đất đai cho 2.355 lượt cán bộ chuyên môn của các Sở TN&MT thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy vậy, theo ông Huân, trong quá trình triển khai những năm qua cho thấy, số lượng các lớp đào tạo, các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí cấp cho các hoạt động này ở Trung ương và địa phương vẫn còn hạn chế. Bởi, theo quy định về phân cấp ngân sách, Tổng cục được cấp kinh phí để tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ chuyên môn cấp tỉnh. Việc đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đối tượng là cán bộ cấp huyện và cấp xã phụ thuộc vào nguồn kinh phí địa phương bố trí, nhưng nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí không đủ kinh phí này, dẫn đến một bộ phận cán bộ ở địa phương không được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và không được cập nhật kịp thời những quy định mới của chính sách, pháp luật đất đai. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả xử lý các công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ cấp huyện và cấp xã.

Để làm tốt công tác này, ông Huân cho rằng, Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã nhấn mạnh: "Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao". Theo tinh thần đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác quản lý đất đai trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể là: Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số văn bản pháp quy để hoàn thiện văn bản về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, làm rõ chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí kinh phí hàng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp tại địa phương. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với cán bộ địa chính cấp xã có thành tích xuất sắc trong học tập, nâng cao trình độ.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tập trung xây dựng và hoàn thiện các tài liệu theo hướng chuẩn hóa với từng chuyên đề cụ thể như: giao đất, cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, định giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai … Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có trình độ cao, vừa giỏi về lý luận vừa có kinh nghiệm thực tiễn. Hàng năm, có kế hoạch cử các giảng viên, báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý đất đai. Thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong ngành nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự có năng lực, biết giải quyết các vấn đề được giao trên nguyên tắc kết quả, hiệu quả và chất lượng; đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Tuyết Nhi