Quốc hội nghe việc phân bổ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn
Thời sự - Ngày đăng : 13:20, 29/05/2019
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Tờ trình số 110/TTr-CP, Tờ trình số 180/TTr-CP và Báo cáo số 178/BC-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tờ trình Quốc hội số 210/TTr-CP ngày 19/5/2019, Chính phủ đề xuất sử dụng toàn bộ số vốn dự phòng, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tư nguồn NSTW là 1.120 nghìn tỷ đồng, số vốn có thể cân đối được trong dự toán hằng năm trong cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 964,95 nghìn tỷ đồng, số chênh lệch khoảng 155.050 tỷ đồng, bằng 13,84% tổng số vốn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là phần thiếu hụt so với khả năng cân đối vốn hàng năm.
Chính phủ cho rằng số vốn dự phòng chung ngân sách Trung ương chỉ là nguồn vốn kế hoạch, không phải nguồn vốn cân đối ngân sách hằng năm nên đề nghị cho phép phân bổ kế hoạch. Để giải quyết phần thiếu hụt khả năng cân đối vốn, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách, chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án, bổ sung thêm nguồn vốn ưu tiên chi cho đầu tư từ các nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)... để thực hiện.
Phần còn lại nếu không bù đắp được sẽ tiếp tục cân đối bằng kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương hằng năm của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm quá trình đầu tư công được liên tục.
Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng có thể thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)… để bổ sung thêm nguồn bù đắp thiếu hụt khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, với thực tế cân đối nguồn vốn như số liệu Chính phủ trình, việc cân đối đủ nguồn vốn để bố trí cho nhu cầu là rất khó khăn, nếu phân bổ sẽ phải tìm nguồn cân đối bổ sung có tính khả thi để không gây áp lực đến cân đối ngân sách, tránh dàn trải, nhiều công trình dở dang phải chuyển sang giai đoạn sau.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, Ủy ban kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn, quyết định danh mục và chịu trách nhiệm về việc phân bổ trên nguyên tắc đảm bảo cân đối nguồn vốn hằng năm, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách tại các Báo cáo thẩm tra, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10. Giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, phương án Chính phủ trình là khó khả thi, khả năng cân đối vốn là khó khăn, đồng thời đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ nếu Quốc hội cho phép thực hiện theo đề xuất của Chính phủ thì số kế hoạch chuyển sang giai đoạn tiếp theo cần cụ thể là bao nhiêu dự án, với tổng số vốn như thế nào. Một số ý kiến việc giao Chính phủ tự quyết định danh mục và tự chịu trách nhiệm về việc phân bổ là không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đề nghị giao Chính phủ chuẩn bị phương án để trình Quốc hội xem xét, quyết định hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về việc thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Ủy ban đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng nội dung Kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 33, 34 và phiên họp ngày 24/5/2019, theo đó: “thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng như Tờ trình của Chính phủ, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án và xây dựng Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.”
Về một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung các dự án mới sử dụng nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương vào danh mục dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, bổ sung một số dự án sử dụng vốn nước ngoài vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc bố trí 15.478,22 tỷ đồng cho 293 dự án mới chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn là chưa hợp lý vì với mức vốn thấp so với tổng mức đầu tư (trung bình khoảng 52,8 tỷ đồng/dự án), dễ dẫn đến dàn trải, gây áp lực đến việc cân đối nguồn lực giai đoạn sau. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bố trí kế hoạch vốn hợp lý, tránh dàn trải.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải kiến nghị, đối với nguồn vốn dự phòng chung Ngân sách Trung ương nguồn vốn trong nước còn lại, nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, nguồn dự phòng 10% để lại tại bộ, ngành, địa phương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020: Trình Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc đảm bảo cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, phải bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết và Văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10. Đồng thời giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Cũng trong buổi sáng ngày 29/5, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với nội dung về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân và tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam trong dự thảo Luật Thi hánh án hình sự (sửa đổi).
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.