Báo chí đồng hành cùng đồng bào dân tộc

Thời sự - Ngày đăng : 21:50, 23/01/2019

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp 19 ấn phẩm báo, tạp chí, trong đó, có Báo Tài nguyên và Môi trường cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021.
1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Ngày 23/1 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị Đánh giá thực hiện Quyết định 59/QĐ-TTg ngày 16/1/2017 giai đoạn 2017 - 2018 và triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã sát cánh cùng Ủy ban trong suốt thời gian qua. Thông qua các ấn phấn của các báo, tạp chí đã góp phần hướng dẫn, cổ vũ, động viên đồng bào dân tộc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; khơi dậy quyết tâm, thúc đẩy đồng bào các dân tộc tự giác vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng tuyên truyền, từ đó, rút ngắn khoảng cách thông tin dành cho đồng bào dân tộc với đồng bào miền xuôi, thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực, vì sự phát triển chung của xã hội.

2
Ấn phẩm chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi - Báo Tài nguyên và Môi trường

Ðiểm tựa tinh thần của đồng bào dân tộc

Nhìn lại chặng đường thực hiện Quyết định 59, ông Vũ Hữu Hoạt, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền cho biết, các ấn phẩm báo chí vừa đáp ứng nhu cầu thông tin cho đồng bào, vừa là phương tiện tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không những vậy, báo chí còn tạo diễn đàn chuyển tải ý kiến của đồng bào đến các cấp chính quyền và kịp thời định hướng dư luận trước những thông tin sai lệch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn.

Các tác phẩm trên 18 báo, tạp chí góp phần cổ vũ đồng bào các DTTS vươn lên xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống; cổ vũ tinh thần, nêu gương sáng khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi; giới thiệu kiến thức khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, phản ánh mô hình sản xuất, kinh doanh hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế; chính sách khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề...

Điểm nổi bật trên các ấn phẩm báo, tạp chí đã phát huy hiệu quả, tích cực tuyên truyền thông tin định hướng, phản bác và ngăn chặn những luận điệu sai trái, phản cách mạng của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng khó khăn của đồng bào để kích động, phá hoại sự đồng thuận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Riêng với Chuyên đề của Báo Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2017 - 2018, đã có hàng trăm số Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi đến với tay đồng bào trên cả nước. Các số Chuyên đề của Báo đã tập trung tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương về các lĩnh vực quản lý và hoạt động của ngành Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, đặc biệt tập trung phổ biến, tuyên truyền, giải đáp các văn bản, quy định pháp luật gắn bó trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…

Chuyên đề của Báo đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào ở vùng có tài nguyên nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học môi trường; sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật; bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp.

 Tạo lập một diễn đàn thông tin đa chiều từ cơ quan quản lý Nhà nước đến với đồng bào dân tộc và ngược lại về công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên nước, rừng, đa dạng sinh học và khoáng sản. Tiếp nhận tiếng nói đóng góp của đồng bào để kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương về những vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện các chính sách này. Định hướng dư luận xã hội, tăng cường ý thức và trách nhiệm công dân của đồng bào trong việc thực hiện tốt nghĩa vụ quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên nước, khoáng sản, rừng…

Tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm

Để đáp ứng được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg trong giai đoạn 2019 - 2021, tại Hội nghị, Ủy ban Dân tộc xã đưa định hướng tuyên truyền trong năm 2019 cụ thể, rõ ràng có trọng tâm, trọng điểm. Đây là cơ sở các báo, tạp chí có trong Quyết định bám sát định hướng để triển khai tuyên truyền trên ấn phẩm một cách hiệu quả nhất.

Cụ thể, Ủy ban Dân tộc đề nghị các báo, tạp chí tập trung tuyên truyền kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội dùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2018.

Tiếp đó, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Dự án 2 - Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Triển khai Chương trình khoa học công tác dân tộc CT16-20.

Đồng thời, tiếp tục bám sát định hướng của Ủy ban Dân tộc trong thực hiện tuyên truyền công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2019 và các năm tiếp theo. Tuyên truyền để khẳng định thương hiệu Chương trình 135.

Các báo, tạp chí tập trung tuyên truyền Đại hội Dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ 3 năm 2019.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền về việc xây dựng 3 đề án lớn của Ủy ban là Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thực hiện từ năm 2021; Đề án Phân định vùng Dân tộc thiểu số; 2 Nghị định của Chính phủ là Hỗ trợ đồng bào Khmer và Chính sách cán bộ dân tộc thiểu số…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý cho dự thảo báo cáo triển khai và các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới.

Bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đối với Báo trong suốt giai đoạn vừa qua. Vinh dự là 1 trong 19 báo, tạp chí góp mặt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg trong giai đoạn 2019 - 2021, Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng chuyên trang, chuyên mục nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích. Báo tổ chức theo từng chuyên đề gắn với công tác quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể như: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bảo vệ tài nguyên nước; Bảo vệ môi trường nông thôn; Bảo vệ rừng; Quản lý khai thác khoáng sản… Thông các bài viết, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng khó khăn đối với vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

3
Bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị