Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2017

(TN&MT) - Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã làm rõ những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội phát biểu sáng 31/10 tại buổi Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018.

Mở đầu phần phát biểu giải trình của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn, chia sẻ sâu sắc tới các gia đình có người thân bị nạn, cũng như bị mất mát tài sản trong đợt thiên tai tại các tỉnh phía Bắc vừa qua.

Bộ trưởng đã làm rõ những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã phát biểu sáng 31/10, liên quan đến vấn đề dự báo khí tượng thuỷ văn, cảnh báo thiên tai; tích tụ tập trung đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông; Một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành TN&MT để thực hiện thành công về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Quốc Khánh

Huy động nguồn lực xã hội cho hệ thống quan trắc, dự báo

Về vấn đề dự báo khí tượng thuỷ văn, cảnh báo thiên tai, Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ ý kiến của các đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La), Tống Thanh Bình (Lai Châu), Ma Thị Thuý (Tuyên Quang), Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hoá), Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, Gia lai và một số địa phương khác về công tác dự báo khí tượng thuỷ văn, cảnh báo thiên tai vừa qua.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng: một trong những nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua là do công tác dự báo chưa chủ động và chính xác, đặc biệt là dự báo về lượng mưa, về lũ ống, lũ quét...

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cũng còn một số nguyên nhân khác như tình trạng mất rừng, công tác quy hoạch bố trí dân cư, và đặc biệt là việc người dân đã di cư, xây dựng nhà cửa ở những khu vực rất nhạy cảm. Đặc biệt trong thời gian đầu tháng 10/2017 vừa qua, lượng mưa có tính chất lịch sử đã gây thiệt hại như thời gian vừa qua.  

Bộ trưởng cũng thẳng thắn báo cáo trước Quốc hội việc trên thực tế việc sự báo lượng mưa, dự báo lũ quét, khoa học hiện nay và các nước tiên tiến cũng chỉ mới dự báo được trên diện rộng. Còn việc dự báo trong điều kiện cực đoan cũng như dự báo trên một khu vực cụ thể, thì hiện nay khoa học tiên tiến trên thế giới cũng chưa đảm bảo dự báo được chi tiết.

Và trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đầu tư, tăng cường đan dày hệ thống dự báo bão, dự báo khí tượng thuỷ văn nhưng trên thực tế khoa học hiện nay chưa cho phép dự báo chính xác được lượng mưa mang tính chất cục bộ. Các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở như đã xảy ra trong thời gian vừa qua đều có nguyên nhân do mưa lớn, mưa kéo dài, mang tính chất cực đoan, cục bộ.

Theo kinh nghiệm, vấn đề thời tiết cực đoan, dự báo mưa mang tính chất cục bộ chỉ có thể dự báo trong thời gian 6 tiếng trở lại; còn dự báo dài, lượng mưa lớn thì thực tiễn hiện nay chưa cho phép, kể cả ở các nước tiên tiến. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta mới chỉ ở mức trình độ trung bình về công nghệ, thiết bị dự báo.nhưng để tiến tới công tác dự báo tiệm cận với mức trung bình của Thế giới thì Việt Nam chúng ta còn cần huy động và đầu tư nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu QH đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ghi chép lại những ý kiến của các vị Đại biểu phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu QH đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ghi chép lại những ý kiến của các vị Đại biểu phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh.

Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như đẩy mạnh việc triển khai Luật khí tượng thuỷ văn. Và đặc biệt với tinh thần là đẩy mạnh xã hội hoá để huy động nguồn lực đầu tư tăng cường năng lực cho hệ thống quan trắc, dự báo.

“Hiện nay chúng ta đã có 1.300 điểm đo mưa và sẽ bổ sung thêm 3.000 điểm đo mưa. Và như vậy chúng ta sẽ có thể tiệm cận trình độ mức trung bình của Thế giới. Tức là khoảng 40 đến 100km2 sẽ có một trạm đo mưa để công tác dự báo được tốt hơn nữa” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã có bản đồ cảnh báo trượt lở đất đá, bản đồ tai biến địa chất, dự báo lũ ống lũ quét… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương vận dụng vào việc thể quy hoạch, bố trí tái định cư theo hướng tập trung dân cư gắn với hạ tầng bảo đảm phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thực hiện cuộc vận động nhân dân thay đổi thói quen tập quán sản xuất, định canh, định cư, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc; Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc đối với các tỉnh miền núi cần bảo đảm sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên trên cơ sở đổi mới chính sách dịch vụ rừng, quy hoạch thuỷ điện, tài nguyên nước để phục vụ cho chính sách phát triển rừng… ổn định đời sống bà còn vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, theo Bộ trưởng cần tăng cường năng lực công tác dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn, tiếp tục phát huy tốt hơn cơ chế 4 tại chỗ để có thể hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ bên hành lang Quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Việt Hùng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ bên hành lang Quốc hội chiều 31/10. Ảnh: Việt Hùng

Tích tụ đất đai phải gắn với quyền lợi người dân

Đối với nội dung mà các vị Đại biểu về vấn đề tích tụ đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay Bộ TN&MT đang cùng với Ban Kinh tế Trung ương tiến hành sơ kết, đánh giá các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 19; tham mưu Chính phủ triển khai một số đề án tích tụ tập trung đất đai với các cơ chế, chính sách mới, đồng thời đánh giá lại các chủ trương, chính sách, mô hình tích tụ tập trung đất đai trong thời gian qua để đưa ra những kết luận, chủ trương mới trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho rằng, việc chuyển đổi, tích tụ đất đai là một trong những biện pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết Bộ TN&MT cũng đang nghiên cứu, đánh giá nhiều mô hình tích tụ đất đai hiệu quả như: Liên kết đất đai hợp tác xã; Doanh nghiệp liên kết với người dân; Doanh nghiệp đứng ra tích tụ đất đai để sản xuất… và mỗi mô hình đều phát huy thế mạnh riêng.

Dẫn chứng đến kinh nghiệm Thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… thì đất đai của họ cũng không hẳn đã tích tụ quá rộng lớn nhưng họ vẫn có một nền nông nghiệp công nghệ cao. Vậy thì mô hình sản xuất, phương thức sản xuất sẽ quyết định sự thành công. Như vậy thì tích tụ đất đai chỉ là một điều kiện cần, muốn thành công cần phải gắn với điều kiện sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, thu nhập và sinh kế lâu dài của người dân.  

Về hạn mức đất đai, Bộ trưởng cho biết: Thực tế chúng ta cũng đã có các chính sách đối với hộ gia đình có thể tích tụ đến 30 ha đối với đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối ở Đồng bằng sông Cửu Long và 20ha đối với các vùng còn lại; không quá 100ha đối với đất trồng cây lâu năm ở các xã vùng đồng bằng và không quá 300ha đối với các xã miền núi; không quá 150ha đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng xã đồng bằng và không quá 300ha ở xã miền núi… thực tế hạn mức này đang phù hợp đối với hộ gia đình. Còn đối với doanh nghiệp thì Luật không hạn chế diện tích tích tụ. Như vậy, theo Bộ trưởng, chúng ta cần khuyến khích các hộ gia đình khi họ có lực lượng và trình độ sản xuất để phát triển.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội trường sáng 31/10
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 31/10. Ảnh: Quốc Khánh

Quản lý chặt khai thác cát sỏi, bảo vệ dòng chảy của sông

Về quản lý tài nguyên nói chung và khoáng sản nói chung, Bộ trưởng cho biết trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm đồng bộ từ điều tra, đánh giá trữ lượng, quy hoạch, các dự án đầu tư, cấp quyền, đấu giá khai thác khoáng sản… các địa phương đang làm khá tốt.

Đặc biệt, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, trong đó đã xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ XD, Bộ NN&PTNT, Bộ CA và các địa phương trong việc để xảy ra tình trang khai thác khoáng sản trái phép nhất là cát sỏi, gây thất thoát, lãng phí, ô nhiễm môi trường, làm sói lở bờ sông bờ biển…

Bộ trưởng cho biết: hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý cát sỏi, bảo vệ dòng chảy của sông, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống sạt lở. Đặc biệt, chúng ta đã dừng các dự án xuất khẩu cát nhiễm mặn ven biển, coi cát là tài nguyên phục vụ cho phát triển đất nước; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương có khu vực ranh giới, vai trò của lực lượng công an.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp sáng 31/10
Toàn cảnh phiên họp sáng 31/10. Ảnh: Quốc Khánh

Chuyển mình trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Một trong những vấn đề quan trọng khác, theo Bộ trưởng cho rằng rất quan trọng đó là sự quan tâm của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước… đối với việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng đặc biệt là chiến lược tăng trưởng theo hướng bền vững ngay từ chính sách, chiến lược trong từng dự án. Hàng loạt dự án như Formosa, Lee&Man Hậu Giang hoặc hàng ngàn khu công nghiệp, doanh nghiệp khác đang có sự chuyển mình trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng đề nghị các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường ngay từ khi đầu sẽ được cụ thể hóa, được đưa vào Luật bảo vệ môi trường để góp phần vào cơ cấu đầu tư tạo hàng rào kỹ thuật cần thiết của chúng ta về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập.

Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ trưởng đề cập đến đó là qua sự quan tâm của Quốc hội, cử tri, của các Ban, Bộ, Ngành và đặc biệt là với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại kết quả quan trọng. Đây chính là định hướng để biến những thách thức, chuyển biến thách thức thành cơ hội cần tận dụng trong việc quyết liệt đổi mới mô hình kinh tế, tổ chức lại sản xuất cũng như chú ý đến liên kết vùng đặc biệt là hài hòa với các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu.   

“Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành văn bản ủng hộ chủ trương lớn này. Đồng thời Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, trong việc nghien cứu chuyển đổi mô hình kinh tế trong thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Báo cáo trước Quốc hội việc trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Chính phủ cắt giảm trên 40% các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết sẽ liên tục cải cách Thủ tục hành chính đồng thời sẽ thực hiện việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trước tiên là cấp 3, cấp 4 và tiến tới ứng dụng công nghệ số để phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Việt Hùng(lược ghi)