Tổ công tác Bộ TN&MT làm việc với Cục Đo đạc, Bản đồ và TT địa lý Việt Nam

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 06/10/2017

(TN&MT) - Chiều 05/10, Đoàn kiểm tra của Tổ công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và Chương trình công tác của Bộ TN&MT do ông Tăng Thế Cường - Chánh Văn phòng Bộ - Tổ phó tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (ĐĐBĐ&TTĐLVN)
ông Tăng Thế Cường - Chánh Văn phòng Bộ - Tổ phó tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam
Ông Tăng Thế Cường - Chánh Văn phòng Bộ - Tổ phó tổ công tác  - Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chiều 5/10. Ảnh:Việt Hùng

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp Chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục Quản lý Đất đai, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Viễn thám quốc gia…  

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Cục, ông Phan Ngọc Mai – Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và chương trình công tác của Bộ.

Theo báo cáo, từ ngày 02/01/2017 đến ngày 31/8/2017, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam được giao triển khai thực hiện 95 nhiệm vụ và giải quyết 235 hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ trên, ngay từ đầu năm Lãnh đạo Cục đã tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị sự nghiệp thuộc Cục cần tích cực và nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và Chương trình công tác của Bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng đã được triển khai một cách đồng bộ mang lại hiệu quả cao. Công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Các văn bản đến Cục đều được xử lý kịp thời, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Trong tổng số nhiệm vụ được giao: 330 nhiệm vụ, Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN hoàn thành: 303/330 (đạt 92%); trong đó hoàn thành đúng hạn: 284/303 nhiệm vụ, hoàn thành nhưng quá hạn 19/303 nhiệm vụ; còn 27/330 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn (chiếm 8%).

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN phát biểu tại buổi làm việc
Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng

Theo Chương trình Công tác, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 và 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số văn bản được giao: 19 nhiệm vụ. Trong đó, năm 2016 Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN được giao 09 nhiệm vụ và năm 2017 Cục được giao 10 nhiệm vụ. Đến nay, số đề án, văn bản đã hoàn thành là 17/19 (89,5%); còn 02 Thông tư phải hoàn thành trình Bộ trưởng ban hành trong 3 tháng cuối năm.

Về kết quả giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), từ ngày 02/01/2017 đến ngày 31/8/2017, Cục đã tiếp nhận 235 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đề nghị cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ, cho đến nay Cục đã trả kết quả đúng hạn 235/235 hồ sơ, đạt 100%.

Ngoài ra các công tác khác như: việc thực hiện các Quy chế của Bộ; công tác đánh giá và phân loại công chức, viên chức hàng năm; việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; việc thực hiện các chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức… cũng được chủ động rà soát, chấn chỉnh và thực hiện tốt.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN đề ra các nhiệm vụ: Tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện các dự án, thiết kế kỹ thuật dự toán, văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn theo yêu cầu. Nhạy bén trong phản ứng chính sách, kịp thời đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra;

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ gửi Thanh tra Bộ để báo cáo Bộ trưởng điều chỉnh trong những tháng cuối năm; Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành.

Cục cũng đề ra mục tiêu tích cực hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia, các quy định kỹ thuật thuộc chương trình trong năm 2017 để sớm ban hành làm căn cứ để thực hiện đối với các nhiệm vụ của Cục cũng như của ngành đo đạc và bản đồ; Tập trung chỉ đạo, điều hành thúc đẩy công tác giải ngân những tháng cuối năm đảm bảo theo kế hoạch đề ra…

Quang cảnh buổi làm việc chiều 5/10
Quang cảnh buổi làm việc chiều 5/10. Ảnh: Việt Hùng

Tại buổi kiểm tra, các thành viên tổ công tác đã phát biểu góp ý với Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN trên mọi phương diện, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong công tác xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công tác kế hoạch, tài chính và đầu tư.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nêu một số bất cập về vấn đề cho thuê mặt nước trên biển, giao khu vực biển, quy hoạch nhận chìm. Theo ông Phan Đức Hiếu, hiện các địa phương mới được giao quản lý từ đường mép nước trở vào. Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tang cường hơn nữa sự phối hợp công tác nhằm thực hiện nhiệm vụ của Cục nói riêng và ngành TN&MT nói chung.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tăng Thế Cường - Chánh Văn phòng Bộ - Tổ phó Tổ công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trưởng đoàn kiểm tra truyền đạt một số ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN.

Theo ông Tăng Thế Cường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao Cục ĐĐBĐ&TTĐLVN trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Bộ trưởng cũng đánh giá Cục thực hiện tốt các dự án hỗ trợ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước bạn, khẳng định được vị trí của ngành trong khu vực. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ được chú trọng, dần tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới. Bộ trưởng biểu dương và khen ngợi những nỗ lực và kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức của Cục cũng như Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Thông qua Tổ công tác của Bộ, Bộ trưởng đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Lãnh đạo Cục cần tập trung triển khai thực hiện, đồng thời Bộ trưởng cũng đề ra 5 giải pháp để ngành Đo đạc bản đồ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ở góc độ Đoàn kiểm tra, ông Tăng Thế Cường cũng đánh giá cao Cục ĐĐBĐ&TTĐL trong việc chuẩn bị thông tin, tư liệu, báo cáo phục vụ Đoàn kiểm tra và Cục đã hoàn thành các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ TN&MT giao, chế độ thông tin báo cáo hàng tuần, hàng tháng thực hiện tốt.

Ông Tăng Thế Cường cũng đề nghị Cục ĐĐBĐ&TTĐL đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp bách và có kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ mang tính chiến lược, dài hạn. “Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần khẩn trương hơn nữa, không để nợ đọng, không xin lùi thời hạn và đẩy mạnh cải cách hành chính… đồng thời phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt với Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trình lãnh đạo Bộ ký ban hành. Lãnh đạo Cục cần quán triệt bộ phận một cửa nghiêm túc thực hiện việc sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính khi tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân và thực hiện việc cập nhật tiến trình xử lý hồ sơ để phục vụ công tác tổng hợp và thống kê, báo cáo. So với một số đơn vị khác, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của Cục có cao hơn, tuy nhiên cần rút kinh nghiệm đối với việc hoàn thành nhưng quá hạn 53% số nhiệm vụ hoàn thành thuộc Chương trình công tác của Bộ” - ông Tăng Thế Cường nói.

Bộ trưởng đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần tập trung triển khai thực hiện:

1. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác năm 2017 không để xảy ra tình trạng nợ đọng nhiệm vụ, đề án, văn bản pháp luật. Phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội chuẩn bị tốt dự án Luật đo đạc và bản đồ để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tiến hành rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ, tình hình thực tiễn hiện nay làm cơ sở để quản lý, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu các đề án, dự án, sản phẩm trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ bảo đảm tính thống nhất. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và các bộ đơn giá đối với sản phẩm đo đạc và bản đồ nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập.

2. Phải tập trung nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản phục vụ cho công tác đo đạc, bản đồ; nâng cao chất lượng, độ chính xác của dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đo đạc - bản đồ, khảo sát trên biển. Triển khai hệ thống độ cao để xác định sự chuyển dịch, sụt lún mặt đất ở các khu vực co nguy cơ sụt lún phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm của Nhà nước. Đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực xã hội thông qua việc xã hội hóa hoạt động đo đạc - bản đồ để trên cơ sở đó tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào những công nghệ, hạ tầng thiết yếu làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà nước; hoặc những công nghệ không huy động được nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

3. Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa hình; dữ liệu địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn; hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ lớn tại một số khu vực kinh tế trọng điểm; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. Sớm ban hành quy định về cập nhật, tích hợp, thu nhận các sản phẩm đo đạc và bản đồ của các ngành, địa phương và khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các ngành, các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nhất là công tác lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

4. Tăng cường ứng dụng và làm chủ các công nghệ mới về đo đạc - bản đồ để nâng cao độ chính xác, giá trị thực tiễn của các sản phẩm đo đạc - bản đồ đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hợp tác chuyển giao về đo đạc - bản đồ với các nước trong khu vực khẳng định được vị trí của ngành trong khu vực; trước mắt phải triển khai tốt các dự án hỗ trợ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước bạn.

5. Hiện nay, trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh đặc biệt là làn sóng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành đo đạc và bản đồ phải có sự thay đổi căn bản. Do đó, Cục cần triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020, trên cơ sở đó điều chỉnh Chiến lược, xác định lại các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện để sớm hiện đại hóa ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới; xây dựng hệ thống hạ tầng không gian đồng bộ dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu quản lý không gian, lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.

Những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng lãnh đạo, cán bộ, công chức đảm bảo mỗi nhiệm vụ đều có người chịu trách nhiệm chính. Đồng thời có cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát đối với từng nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, đề bạt, bổ nhiệm và khen thưởng.

2. Tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và hiện đại hóa ngành;

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý điều hành công việc. Đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học đo đạc và bản đồ và các đơn vị khác có liên quan như: Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Viễn tham quốc gia, Cục Công nghệ thông tin và Dự liệu tài nguyên môi trường, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Nhà xuất bản đo đạc và bản đồ trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao hiệu quả.

5. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành, đặc biệt là trong kiểm định, nghiệm thu các sản phẩm đo đạc và bản đồ. Sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành trong những năm tới.

Thúy Hằng - Việt Hùng