Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp APEC và CEO: Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2017

(TN&MT) - Chiều ngày 24/8 tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp APEC và CEO với chủ đề "Sử dụng có trách nhiệm tài...

 

(TN&MT) - Chiều ngày 24/8 tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp APEC và CEO với chủ đề “Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững”.

Tham dự buổi đối thoại có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam – ông Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - ông Hà Công Tuấn; Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC - ông Hoàng Văn Dũng; các CEO của các công ty, tập đoàn có đầu tư và kinh doanh tại khu vực APEC; đại diện của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ…

Đây là một sự kiện quan trọng trong Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại Cần Thơ diễn ra từ 18/8-25/8/2017.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc cuộc đối thoại chiều 24/8
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc cuộc đối thoại chiều 24/8

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Sự có mặt của 25 Đoàn với gần 150 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong khu vực APEC tại cuộc đối thoại này đã khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu.

Sau gần 20 năm kể từ lần đầu tiên khi Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kêu gọi Các nhà lãnh đạo APEC thiết lập Hệ thống lương thực APEC vào cuối năm 1998 với 03 sứ mệnh cơ bản: giải quyết phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phổ biến những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến thực phẩm và thúc đẩy thương mại sản phẩm lương thực, đến nay, các sứ mệnh này vẫn giữ nguyên tính đúng đắn.

Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang sống trong một thế giới mà các tài nguyên như đất, nước, biển và rừng đang trở nên ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng, xu hướng đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi, gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng và phát triển của khu vực và toàn cầu khác.

Cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mỗi biến động diễn ra. Do vậy hơn ai hết cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng phù hợp nhất để tuyên truyền nhận thức về sự khan hiếm tài nguyên, thúc đẩy hành vi sản xuất và khai thác tài nguyên có trách nhiệm, đảm bảo nguồn lợi cho phát triển bền vững và thúc đẩy việc tối đa hóa lợi ích thu được từ tài nguyên, tái đầu tư nhằm tái tạo nguồn lợi tự nhiên; đồng thời tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách của mỗi nền kinh tế và khu vực.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu trước phiên khai mạc cuộc đối thoại chiều 24/8
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu trước phiên khai mạc cuộc đối thoại chiều 24/8

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: Mặc dù, trong những năm qua, khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực vào việc nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tự nhiên và con người nhằm đảm bảo sản lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những nỗ lực đó là chưa đủ: chất lượng đất nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện, nguồn nước ngày càng khan hiếm, sản phẩm sản xuất ra hoặc sản phẩm khai thác vẫn bị thất thoát và lãng phí. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, có trách nhiệm và tái tạo nguồn lợi đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là mọi nỗ lực của các chính phủ, nỗ lực của doanh nghiệp, nếu hoạt động riêng rẽ, có thể tạo ra sức mạnh tổng thể và bền vững không? Những nỗ lực đó có tạo ra động lực cho việc giải quyết tốt các vấn đề chung và có tính đến các hiệu ứng xã hội khác hay không? Để phần nào trả lời cho những câu hỏi đó, trong những năm trở lại đây vai trò của hình thức hợp tác công tư đang trở thành một trong các giải pháp điển hình.

Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp giúp các chính phủ huy động được mọi nguồn lợi xã hội, bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm; nền tảng khoa học công nghệ trong quản lý sau thu hoạch, giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nguồn lực kỹ thuật và khoa học thích ứng với các tác động của sự gia tăng nền nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng,…

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại chiều 24/8
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại chiều 24/8

Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực hợp tác để khu vực tư nhân, với sự đi đầu của các doanh nghiệp và các tập đoàn tham gia mạnh mẽ hơn nữa, trở thành đối tác chính giúp các nền kinh tế hình thành khả năng phục hồi sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mọi nỗ lực của các Chính phủ sẽ trở nên đơn độc và yếu ớt. Mô hình hợp tác công tư đem lại những lợi ích lâu dài, tối đa hóa hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và khu vực tư nhân, tạo ra những sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực giúp huy động các nguồn lợi xã hội.

Nhận thức được lợi ích thiết thực của mô hình này, trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và kiện toàn môi trường chính sách, khuyến khích sự phát triển của mô hình PPP và đã đạt được những thành tựu ban đầu trong việc thí điểm một số mô hình sản xuất bền vững với các sản phẩm chủ lực. Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hiện có sang các nhóm sản phẩm khác, góp phần quan trọng và phát triển nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm và tăng trưởng có chất lượng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kỳ vọng rằng, trong cuộc đối thoại lần này, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận nhiệt tình và tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy hợp tác APEC giữa hai khối chính phủ và tư nhân nhằm sử dụng nguồn lợi tự nhiên hiệu quả, đảm bảo sản xuất ổn định, nâng cao năng suất, tăng cường an ninh lương thực cho khu vực trong bối cảnh chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng chủ trì cuộc đối thoại chiều 24/8
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng chủ trì cuộc đối thoại chiều 24/8

 

Các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC tham gia cuộc đối thoại
Các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC tham gia cuộc đối thoại

 

Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại
Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại

Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC, đã diễn ra 2 phiên đối thoại gồm:

Phiên đối thoại 1 có chủ đề “Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và lợi nhuận cao cho các đối tác trên toàn chuỗi”. Điều hành Phiên đối thoại 1 là Tiến sĩ Leo Sebastian, Đại diện IRRI tại Việt Nam. Diễn giả: Thượng Nghị sĩ Anne Ruston, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi, Australia; Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, CEO - Lavifood JSC, Viet Nam; Ông Simon-Thorsten Wiebusch, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Bayer; TS. Aruna Rachakonda, Giám đốc thương mại khu vực Việt Nam, Monsanto.

Phiên đối thoại 2 có chủ đề “Đầu tư sản xuất lương thực và chế biến lương thực bền vững: Vai trò của khu vực công và tư”. Điều hành Phiên đối thoại 2 là TS. Godefroy Grosjean, Giám đốc Trung tâm chính sách Khí hậu Châu Á, Trung tâm quốc tế Nông nghiệp nhiệt đới  – CIAT. Diễn giả: Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ông Grahame Dixie, Giám đốc điều hành, Sáng kiến Tăng trưởng châu Á, Diễn đàn kinh tế thế giới; Ông Jean-Pierre Dawance, Giám đốc kỹ thuật - Nestle Việt Nam; Ông Phan Thanh Son, Giám đốc kỹ thuật, Hệ thống thông tin FPT.

Các đại biểu tham gia đối thoại
Các đại biểu tham gia đối thoại

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết nông nghiệp là ngành kinh tế chịu tác động to lớn của biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam con đường duy nhất  để phát triển nông nghiệp là sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm tuân thủ cam kết mà Việt Nam đã ký trong Thoả thuận Paris nhằm giảm phát thải khí CO2. Vì vậy, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp luôn là con đường duy nhất và được Việt Nam quan tâm ưu tiên nhất. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam được phát triển theo chuỗi liên kết nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà quản lý – nhà băng (ngân hàng); đặc biệt coi doanh nghiệp vừa là động lực phát triển vừa là yếu tố quyết định sự thành công. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng những cuộc đối thoại như sự kiện này là một phương thức hợp tác quốc tế song phương, nhằm tìm ra những biện pháp hiệu quả phát triển nền nông nghiệp Việt Nam sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế.

Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cuộc đối thoại lần này là một cơ hội quý báu để các nền kinh tế APEC chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp của mỗi một quốc gia. Theo đó, để chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển bền vững thì khu vực kinh tế tư nhân đóng một vai trò hết sức quan trọng; mô hình phát triển đối tác công tư sẽ vẫn được tiếp tục duy trì tại các nền kinh tế nông nghiệp của APEC. Qua đối thoại, các nền kinh tế APEC đã nêu bật được những mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp đã thu hút được lực lượng nông dân tham gia hiệu quả - một đối tượng trong xã hội dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc đối thoại
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc đối thoại chiều ngày 24/8

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các hoạt động của APEC dựa trên cơ sở 3 trụ cột: thứ nhất là tự do hoá thương mại và đầu tư; thứ hai là thuận lợi hoá kinh doanh và cuối cùng là hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Năm APEC 2017, Việt Nam đã nêu ra bốn ưu tiên hợp tác trong chương trình nghị sự năm nay, đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuộc đối thoại lần này tại TP Cần Thơ đã mang lại những giá trị to lớn về sự chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của 21 nền kinh tế APEC, đó chính là sự cần thiết phải tạo được sự gắn kết mật thiết, chặt chẽ thông qua công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật giữa chính phủ với chính phủ, chính phủ với doanh nghiệp, chính phủ với người dân…

Toàn cảnh cuộc đối thoại chiều ngày 24/8
Toàn cảnh cuộc đối thoại chiều ngày 24/8

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ những kinh nghiệm của các nền kinh tế nông nghiệp APEC được chia sẻ tại cuộc đối thoại này, chúng ta cần phải thống nhất xây dựng được một chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu APEC, mang tính cạnh tranh toàn cầu, mang tính sinh thái và đặc hữu của mỗi một nền kinh tế APEC. Nói rõ hơn là cần phải xây dựng được một bản đồ sản phẩm nông nghiệp chiến lược của nền kinh tế APEC, dựa trên nền tảng đầu tư nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, tri thức…Đối với Việt Nam, chúng ta đã tham gia Thoả thuận Paris, vì vậy cần phải xem xét ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao…để vừa có thể xây dựng được chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà quản lý, bảo đảm hài hoà với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; vừa ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng giảm phát thải khí nhà kính…

Ngày 25/8, sẽ tiếp tục diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Bài & ảnh: Việt Hùng